Doanh nghiệp cần tiếp thêm "oxy"
Cơ hội & Thách thức - Ngày đăng : 07:00, 12/08/2020
Khó tiếp cận
Chính sách giãn thuế thu nhập DN, thuế giá trị gia tăng... tại Nghị định 41/2020/NĐ-CP đã hết thời hạn nộp giấy đề nghị gia hạn kể từ ngày 30/7/2020. Thế nhưng, nhiều DN phản ánh rất khó khăn khi tiếp cận chính sách hỗ trợ này. Theo chia sẻ của một DN ngành may tại TP.HCM, thời gian qua, công ty bị ảnh hưởng nặng nề vì Covid-19. Vì thế, khi Nhà nước ban hành các chính sách hỗ trợ, nhất là gói 62.000 tỷ đồng, công ty đã làm đơn đề nghị được tiếp cận chính sách an sinh xã hội cho người lao động để được vay vốn lãi suất 0%, được lùi đóng phí công đoàn... nhưng bị từ chối vì không thuộc diện bị giảm đến 50% lao động. "Dù rất khó khăn nhưng chúng tôi đã cố gắng duy trì lao động để không bị thiếu hụt lao động khi dịch bệnh qua đi. Nếu phải giảm đến 50% lao động, DN không thể tồn tại được và khi đó thì cần hỗ trợ làm gì nữa", chủ DN này phân trần.
![]() |
Cũng trong tình cảnh ấy, các DN ngành điện tử cũng không thể tiếp cận được gói hỗ trợ. Theo đại diện của Hiệp hội DN điện tử Việt Nam, một số công ty đã nộp hồ sơ đăng ký gia hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập DN. Nhưng các DN cho rằng, có rất nhiều thủ tục rườm rà, không phù hợp với DN của mình nên không tìm hiểu để tiếp cận những gói hỗ trợ này.
Ông Trương Chí Thiện - Giám đốc Công ty CP Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt cho biết, công ty không thể tiếp cận được vì "chỉ những DN có doanh thu dưới 200 tỷ đồng mới có thể được hưởng chính sách hỗ trợ của Chính phủ" Và để tự cứu mình, Vĩnh Thành Đạt phải nghĩ cách "tăng tuổi thọ cho quả trứng" bằng cách tăng lượng sản xuất trứng chế biến và tìm đầu ra mới. Vì chỉ như vậy mới giữ trứng được 2-3 tháng trong khi trứng tươi chỉ có thể sử dụng trong vòng 10-14 ngày.
Theo tính toán ban đầu, với Nghị định 41/2020/NĐ-CP, ngành thuế sẽ gia hạn 180.000 tỷ đồng cho các DN khó khăn vì Covid-19. Thế nhưng, vì khó tiếp cận nên số lượng DN tìm đến các chi cục thuế chưa nhiều. Báo cáo của Tổng cục thuế, đến ngày 28/7/2020, hai ngày trước hạn chót nhận giấy đề nghị gia hạn thuế theo Nghị định 41, toàn bộ hệ thống thuế tiếp nhận 171.555 giấy đề nghị gia hạn nộp thuế với số tiền được gia hạn là 53.400 tỷ đồng. Như vậy, số tiền xin được gia hạn thuế chỉ bằng khoảng 1/3 số tiền dự tính gia hạn cho DN.
Nên kéo dài thời gian
Theo các chuyên gia và DN, tình hình dịch bệnh và ảnh hưởng Covid-19 có thể sẽ kéo dài từ 12-16 tháng nên DN muốn phục hồi phải mất từ 6-12 tháng. Theo đó, chính sách gia hạn thuế cho DN nên dài hơn thì mới đủ sức "tiếp sức" cho DN. Trong đó, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đề nghị kéo dài thời gian gia hạn lên 12 tháng. Bởi nếu dịch bệnh kéo dài hơn 1 năm thì 80% DN phải ngừng sản xuất, kinh doanh. Khi đó, việc giãn thời gian nộp thuế chưa có tác dụng hỗ trợ tích cực cho DN vì DN ngừng hoạt động sẽ không phát sinh doanh thu, thu nhập DN, thu nhập cá nhân.
Còn theo Hiệp hội Du lịch Việt Nam, dịch bệnh xảy ra đã khiến ngành du lịch thiệt hại nặng nề và trên thực tế du lịch Việt Nam đã dừng hoạt động trong hai tháng 3 và 4/2020. Trong tháng 7/2020, các hoạt động mới được kích hoạt trở lại thì tiếp tục "dính" đợt dịch mới. Vì thế, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đề nghị việc giãn thời gian nộp thuế, miễn thuế cho các DN ngành này được áp dụng cho doanh thu quý III và quý IV/2020.
Nhiều DN cho rằng, hiện nay hầu hết hoạt động dịch vụ, sản xuất chưa thể trở lại bình thường trong khi thời gian gia hạn nộp thuế quá ngắn khiến DN không đủ nguồn lực để xoay xở. TS. Trần Du Lịch - Thành viên Tổ Tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Chính phủ cho rằng, không chỉ có DN nhỏ và vừa, các DN lớn cũng cần có đủ thời gian mới trở lại bình thường như trước đây. Do đó, các chính sách tài chính, tín dụng cần kéo dài hơn để hỗ trợ DN. Đặc biệt là các chính sách gia hạn nộp thuế nên kéo dài ít nhất đến hết năm 2020. "Việc gia hạn thuế cũng như cách cho DN mượn tiền không lãi suất để có thêm nguồn lực, thúc đẩy quá trình hồi phục. Nếu các DN lớn phục hồi nhanh sẽ kéo theo nhiều DN liên kết khác cùng đi lên", TS. Trần Du Lịch phân tích.
Chủ tịch HĐQT Tổng công ty May Hưng Yên Nguyễn Xuân Dương cho rằng, ngành dệt may sẽ gặp khó khăn đỉnh điểm vào cuối năm nay đến đầu năm sau, vì vậy cần kéo dài thêm thời gian hỗ trợ DN đến tháng 6/2021. Cụ thể, nên hỗ trợ DN trong việc miễn, giảm đóng bảo hiểm xã hội, một số loại phí khác để DN duy trì được hoạt động, giữ chân người lao động. Ngoài ra, cần hỗ trợ lãi vay cho các ngân hàng để họ có thể giảm lãi suất cho DN vay xuống còn 2-3%.