Doanh nghiệp Nhật Bản đang chuyển hướng sang Đông Nam Á

Quốc tế - Ngày đăng : 06:00, 17/08/2020

Ngày càng nhiều doanh nghiệp (DN) Nhật mở rộng hoạt động ở khu vực Đông Nam Á, song song với việc giảm quy mô tại Trung Quốc, trong bối cảnh căng thẳng Mỹ - Trung leo thang.
Doanh nghiệp Nhật Bản đang chuyển hướng sang Đông Nam Á

Thậm chí, ngay cả trước khi virus Corona và thương chiến Mỹ - Trung xảy ra, làn sóng chuyển hướng sản xuất khỏi Trung Quốc đã tồn tại.

Dẫn số liệu từ một báo cáo thương mại và đầu tư thường niên của Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO), Kyodo News cho biết, 41% DN Nhật trong số 3.562 DN được cơ quan này khảo sát đang cân nhắc mở rộng hoạt động tại Việt Nam trong vòng 3 năm tới. Nếu so với năm ngoái, con số này đã tăng 5,5%.

Suy nghĩ lại về Trung Quốc

Đồng thời, cơ quan có nhiệm vụ xúc tiến hoạt động ngoại thương và đầu tư nước ngoài của Nhật Bản này cũng cho biết, 36,3% DN Nhật được khảo sát đang cân nhắc điều tương tự tại Thái Lan, tăng 1,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, 48,1% DN được khảo sát cho biết sẽ tăng hoạt động tại Trung Quốc, giảm 7,3% so với cùng kỳ 2019.

Ngoài ra, JETRO hồi tháng 7 vừa qua cũng đã công bố danh sách 30 DN Nhật (trên tổng số hơn 100 công ty đăng ký dự án đa dạng hoá chuỗi cung ứng) được nhận trợ cấp để chuyển hoạt động sản xuất từ Trung Quốc sang các quốc gia Đông Nam Á như Việt Nam, Philippines, Malaysia, Thái Lan, Lào. 

Đặc biệt, Việt Nam đã trở thành điểm đến sáng giá khi được đến 50% trong số DN vừa nêu lựa chọn đầu tư. Được biết, trong số các công ty đăng ký chuyển hoạt động sản xuất đến Việt Nam, 9 DN thuộc nhóm SME (DN nhỏ và vừa) và 6 DN có quy mô lớn. Đa số DN chuyển đến Việt Nam thuộc lĩnh vực sản xuất thiết bị y tế. Bên cạnh đó là một số DN sản xuất chất bán dẫn, linh kiện điện thoại, máy điều hoà, module điện...

Danh sách 15 công ty Nhật Bản được nhận trợ cấp để chuyển hoạt động sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam. Nguồn: Jetro.

Danh sách 15 công ty Nhật được trợ cấp để chuyển hoạt động sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam. Ảnh: JETRO

Theo Giám đốc Phòng Thị trường Vốn và Dịch vụ Đầu tư Colliers International Terence Alford, quyết định tài trợ chi phí để DN Nhật dời hoạt động sản xuất khỏi Trung Quốc là một phần trong chương trình mới của Chính phủ Nhật, hướng đến mục tiêu bảo vệ chuỗi cung ứng cũng như giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc.

"Một số (DN) sẽ chuyển về Nhật Bản, trong khi nhiều DN khác sẽ đến Đông Nam Á, và nhất là Việt Nam", ông Alford nói; đồng thời bổ sung rằng, xu hướng dịch chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam đang diễn ra sôi nổi là vì yếu tố chi phí nhân công, năng lượng và căng thẳng quan hệ giữa Bắc Kinh cùng Washington.

Link bài viết

Việt Nam - điểm sáng đầu tư

Theo đánh giá của JETRO, kể từ năm 2018, sự đối đầu ngày một quyết liệt giữa Mỹ và Trung Quốc đã giúp thúc đẩy hoạt động đầu tư của các công ty Nhật vào ASEAN. So với mức đầu tư mà Nhật Bản đổ vào Trung Quốc, mức đầu tư vào ASEAN đã tăng 191 triệu USD trong năm 2019, gấp đôi so với con số của năm 2017, báo cáo từ cơ quan này có đoạn viết.

Ở một diễn biến khác, Kyodo News dẫn nguồn tin cho hay, một đơn vị sản xuất thép, kim loại màu và các bộ phận kim loại ở khu vực Tokyo đã chuyển một số dây chuyền sản xuất ở Trung Quốc sang Thái Lan, cũng như chuyển các mặt hàng xuất sang Mỹ từ Trung Quốc đến Thái Lan - động thái đánh dấu tiến trình tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu.

Đồng thời, theo Japan Times, một nhà sản xuất thép và kim loại màu ở Shikoku cũng cho biết, họ đang lên kế hoạch chuyển các mặt hàng xuất khẩu sang Mexico từ Trung Quốc đến Việt Nam. Trong khi đó, ông Shinya Nojima - Chủ tịch Công ty Sản xuất linh kiện bán dẫn Fujikin Inc. cho biết: "Chúng tôi đã suy nghĩ về việc gia tăng hoạt động tại Việt Nam từ trước cả khi gói trợ cấp được công bố".

xu hướng dịch chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam đang diễn ra sôi nổi là vì yếu tố chi phí nhân công, năng lượng và căng thẳng quan hệ giữa Bắc Kinh cùng Washington.

Xu hướng dịch chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam đang diễn ra sôi nổi là vì yếu tố chi phí nhân công, năng lượng và căng thẳng quan hệ giữa Bắc Kinh cùng Washington.

Theo Nojima, khi đại dịch bùng phát và khiến các nhà cung cấp cho Fujikin tại Trung Quốc rơi vào tình trạng "tê liệt" vào đầu năm nay, các khách hàng của công ty này đã hết sức lo lắng. "Có lấy được hàng từ Trung Quốc không? Chúng ta có kịp tiến độ không? Các khách hàng của chúng tôi đã hỏi dồn như vậy", Nojima nói.

Thế nên, việc DN Nhật tìm hướng thoát khỏi Trung Quốc để giảm sự phụ thuộc và bảo vệ chuỗi cung ứng thông qua đa dạng hoá nơi sản xuất, trong bối cảnh dịch bệnh và căng thẳng Mỹ - Trung tiếp tục leo thang là điều hoàn toàn dễ hiểu. "Thậm chí, ngay cả trước khi virus Corona và thương chiến Mỹ - Trung xảy ra, làn sóng chuyển hướng sản xuất khỏi Trung Quốc đã tồn tại", Phó giám đốc JETRO Satoshi Kitajima cho biết. 

Nhận định về tiềm năng của Việt Nam, Trưởng đại diện Văn phòng JETRO tại TP.HCM Hirai Shinji vào tháng 7 vừa qua đã phân tích: "Trước Covid-19, Việt Nam đã là một điểm đến phổ biến, nhờ tiềm năng phát triển, mức tăng trưởng GDP cao và quy mô thị trường. Sau dịch Covid-19, xu hướng này sẽ phổ biến hơn nhiều vì DN Nhật nhận thấy Chính phủ Việt Nam kiểm soát đại dịch rất nhanh chóng. Điều này cho thấy khả năng quản lý rủi ro rất tốt".

Bảo Quân