Hơn 5.300 doanh nghiệp đồng bằng sông Cửu Long ngừng hoạt động và giải thể
Trong nước - Ngày đăng : 00:14, 19/08/2020
Cụ thể, trong tháng 7/2020, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tại đồng bằng sông Cửu Long giảm nhẹ so với tháng trước, đạt 912 doanh nghiệp với số vốn đăng ký hơn 12.000 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho hơn 7.000 lao động. Trong đó, Long An, Cần Thơ và Kiên Giang là các địa phương có số doanh nghiệp thành lập mới nhiều nhất toàn vùng, đều trên 100 doanh nghiệp. Tính đến hết 7 tháng đầu năm, toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long có hơn 5.000 doanh nghiệp thành lập mới, gần 2.000 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động.
Tuy nhiên, do tác động của dịch Covid-19, số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động và giải thể tăng cao. Cụ thể, có hơn 1.700 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn; 2.600 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hơn 1.000 doanh nghiệp đã giải thể.
Theo VCCI Cần Thơ, với làn sóng dịch thứ hai đang chuyển biến phức tạp, tình hình hoạt động của doanh nghiệp trong thời gian tới sẽ còn nhiều bất ổn.
Trước đó, hồi đầu tháng 7/2020, VCCI Cần Thơ cho biết, dịch bệnh Covid-19 đã tác động nặng đến doanh nghiệp đồng bằng sông Cửu Long, khiến lượng đơn hàng mới của doanh nghiệp khu vực này giảm gần 81%. Tổng doanh thu giảm 77,8%, lượng mua nguyên vật liệu đầu vào giảm 61,6% và hiệu suất sử dụng máy móc thiết bị giảm 61,1%.
Trong khi đó, chỉ một số ít doanh nghiệp cho hay việc sản xuất kinh doanh tăng lên. Tỷ lệ này chỉ chừng 3,5-6,6%; trong đó, chủ yếu là các doanh nghiệp hoạt động sản xuất trang thiết bị trong ngành y tế, găng tay, khẩu trang y tế. Riêng đối với các doanh nghiệp xuất khẩu, tỷ lệ doanh nghiệp có lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới giảm chiếm 59,1%, trong khi tỷ lệ tăng lên chỉ chiếm 4,6%.
Ngoài ra, số lượng công nhân tại doanh nghiệp giảm đến 47% cho thấy chỉ có khoảng một nửa doanh nghiệp bảo đảm được công việc ổn định cho công nhân viên.
Trong khi đó, tình hình thu hút vốn đầu tư nước ngoài vẫn chưa có xu hướng hồi phục. Trong tháng 7/2020, vùng đồng bằng sông Cửu Long đã thu hút thêm 8 dự án với tổng số vốn đầu tư 52 triệu USD. Long An vẫn dẫn đầu về số lượng dự án khi có thêm 5 dự án với hơn 13 triệu USD. Còn Cần Thơ dù chỉ thu hút thêm 1 dự án nhưng số vốn lớn nhất toàn vùng (31 triệu USD).
Cũng trong tháng 7, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của vùng đồng bằng sông Cửu Long đạt hơn 2,5 tỷ USD với gần 990 triệu USD thặng dư thương mại. Kim ngạch xuất khẩu toàn vùng vẫn tăng 11% so với tháng trước và tăng 5% so với cùng kỳ năm ngoái. Long An, Tiền Giang và Bến Tre là 3 tỉnh có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất vùng với tỷ trọng lần lượt chiếm 32%, 18% và 8%.