Kiên quyết hoàn thành mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công
Trong nước - Ngày đăng : 05:10, 21/08/2020
Chính phủ quyết liệt
Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến nay đã có 38 bộ, cơ quan Trung ương và 43 địa phương hoàn thành phương án giao chi tiết 100% kế hoạch vốn cho các dự án đầu tư công; 5 bộ, cơ quan Trung ương và 15 địa phương giao chi tiết trên 90% cho các dự án; 9 bộ, cơ quan Trung ương và 5 địa phương giao chi tiết dưới 90% (trong tổng số 52/53 bộ, cơ quan Trung ương và 63/63 tỉnh, thành có phương án phân bổ vốn ngân sách nhà nước năm 2020)
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tinh thần thẳng thắn, kiên quyết chứ không dễ dãi, xuê xoa với mục tiêu phải giải ngân hết số vốn 630.000 tỷ đồng còn lại ở các bộ, ngành, địa phương. Đồng thời, “cương quyết có chế tài để xử lý vấn đề đến nơi đến chốn” đối với các cơ quan, tổ chức không hoàn thành nhiệm vụ.
Thống kê của Bộ Tài Chính cho thấy, tổng số vốn ngân sách nhà nước ở các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương đã có quyết định/văn bản giao chi tiết cho các dự án đủ điều kiện giải ngân vốn là 455.491 tỷ đồng (đạt 95,4% kế hoạch) trong tổng số 477.573 tỷ đồng vốn được Thủ tướng Chính phủ giao. Cũng theo Bộ Tài chính, tính đến ngày 31/7/2020, lũy kế giải ngân năm 2020 là 193.040 tỷ đồng (chỉ đạt 40,98% kế hoạch Thủ tướng giao); ước tính đến hết ngày 31/8/2020 là 221.768 tỷ đồng (đạt 47% so với kế hoạch) và chỉ đạt đạt 41,39% so cùng kỳ năm 2019.
Cũng đến thời điểm này, 9 bộ, cơ quan Trung ương và 9 địa phương đã có văn bản đề nghị chuyển trả lại kế hoạch vốn để điều chỉnh cho các bộ, ngành, địa phương khác với tổng số 6.338 tỷ đồng; 7 bộ, cơ quan Trung ương và 31 địa phương đề xuất bổ sung kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Trung ương năm 2020 của với tổng số vốn 13.509 tỷ đồng.
Nhằm tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị trong vấn đề giải ngân vốn đầu tư công, ngay sau Hội nghị giao ban trực tuyến toàn quốc lần thứ nhất (ngày 16/7/2020), 7 đoàn công tác của Chính phủ và các Bộ Trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính đã đi kiểm tra, nắm bắt tình hình thực tế để có phương án hỗ trợ kịp thời. Từ đó, Chính phủ đã đề ra một số biện pháp cần thiết phân bổ vốn nhanh đặc biệt đối với các chương trình mục tiêu quốc gia, xây dựng nông thôn mới... thúc đẩy được tiến độ giải ngân (trong đó có có 5 bộ, cơ quan Trung ương và 19 địa phương đạt tỷ lệ giải ngân trên 60%, 29 bộ, cơ quan Trung ương và 6 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 35%, 15 bộ, cơ quan Trung ương và một địa phương chỉ đạt tỷ lệ giải ngân dưới 15%).
6 giải pháp của TP.HCM
Tại điểm cầu TP.HCM, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong nêu 6 giải pháp tạo bước đột phá trong công tác giải ngân đầu tư công của Thành phố bao gồm:
Thứ nhất, Thành phố sẽ tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Đặc biệt chú trọng chính sách hỗ trợ các ngành nghề bị tác động nặng nề như du lịch lữ hành, nhà hàng, khách sạn, vận tải...
Thứ hai, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, cơ quan chủ quản, các chủ đầu tư chịu trách nhiệm trong việc giải ngân đầu tư công, không xét thi đua nếu không hoàn thành nhiệm vụ năm 2020 đồng thời không chi thu nhập tăng thêm theo Nghị quyết số 54 của Quốc hội cho người đứng đầu, chủ đầu tư dự án liên quan. Duy trì giao ban định kỳ, rà soát tiến độ thực hiện và giải ngân của từng dự án, có phương án điều chuyển vốn từ dự án có tỷ lệ giải ngân thấp sang dự án có tỷ lệ giải ngân cao để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công
Thứ ba, thực hiện mục tiêu của Thành phố (giảm ít nhất 30%) thời gian xử lý hồ sơ công việc so với quy trình cơ quan, đơn vị đang triển khai hiện nay, nhằm góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh và đẩy nhanh tiến độ giải ngân.
Thứ tư, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đảm bảo tiến độ thi công dự án. Phân nhóm các dự án còn vướng mắc về thủ tục đầu tư, xây dựng, đấu thầu, đất đai, giải phóng mặt bằng; Các dự án vướng mắc về kế hoạch vốn và thủ tục giải ngân... Tổ công tác liên ngành về đầu tư của Thành phố có trách nhiệm tìm biện pháp khắc phục, tháo gỡ cho các dự án trọng điểm giải ngân thấp.
Thứ năm, triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 27 của Chính phủ về việc cho phép áp dụng thí điểm cơ chế, quy trình đặc thù để rút ngắn thời gian thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và bàn giao mặt bằng dự án có thu hồi đất trên địa bàn thành phố. Đến nay, TP.HCM đã xây dựng xong hệ số điều chỉnh giá đất của 187 dự án tại 24 quận, huyện để lập phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư, dự kiến đầu tháng 9 sẽ ban hành để triển khai thực hiện.
Thứ sáu, kiểm tra định kỳ hoặc đột tình hình thực hiện công tác giải ngân, quyết toán dự án của các chủ đầu tư và công khai danh sách các cơ quan, đơn vị chậm giải ngân.
Cùng với 6 giải pháp trên, người đứng đầu chính quyền TP.HCM cũng kiến nghị Thủ tướng xem xét, chỉ đạo sớm hai nội dung: Ban hành Thông báo kết luận buổi làm việc vào ngày 20/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ, các Phó thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành với TPHCM để giải quyết các khó khăn vướng mắc của 12 dự án đầu tư trên địa bàn tạo điều kiện cho Thành phố sớm triển khai thực hiện.
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết, hiện nay TP.HCM có 126 dự án chậm thực hiện do vướng quy định về xử lý phần đất do Nhà nước trực tiếp quản lý nằm xen cài trong các dự án và kiến nghị Chính phủ sớm ban hành văn bản hướng dẫn nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nêu trên giúp TP.HCM và các địa phương trong cả nước có cơ sở thực hiện; sớm ban hành văn bản hướng dẫn nhằm tháo gỡ khó khăn đối với 126 dự án chậm thực hiện trên địa bàn thành phố bởi vướng quy định về xử lý phần đất do Nhà nước trực tiếp quản lý nằm xen cài trong các dự án để Thành phố sớm được triển khai (đây cũng là vướng mắc chung của nhiều địa phương khác trên cả nước). |