Kiệt sức khi Covid-19 trở lại
Chuyện làm ăn - Ngày đăng : 09:41, 26/08/2020
Khó khăn chồng chất
Sau Tết Nguyên đán 2020, Việt Nam ghi nhận ca nhiễm Covid-19 đầu tiên, đến nay cộng đồng doanh nghiệp (DN) đã trải qua 8 tháng "sống chung" với dịch bệnh. Câu hỏi quan tâm nhất lúc này là trong thời gian đó, DN sống như thế nào? Kết quả khảo sát các DN có quy mô từ dưới 20 lao động đến trên 300 lao động, thuộc các lĩnh vực dệt may, da giày; chế biến lương thực, thực phẩm; đồ gỗ, nội thất; IT, phần mềm; dịch vụ và trang thiết bị y tế; xây dựng và vật liệu xây dựng; nhựa, hóa chất; du lịch; cơ khí; logistics; thương mại và giáo dục cho thấy, có đến 80% ý kiến cho rằng tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của họ gặp rất nhiều khó khăn. Cụ thể là thiếu vốn sản xuất kinh doanh; bị đứt chuỗi cung ứng nguyên liệu; thị trường thu hẹp, doanh thu sụt giảm; hàng làm ra không tiêu thụ được, lợi nhuận bị âm hoặc chỉ vừa đủ trả lương nhân viên hoặc chi phí hoạt động DN.
Thực tế, đối với DN trong lĩnh vực dệt may, da giày - ngành có doanh số xuất khẩu gần 40 tỷ USD năm ngoái, 8 tháng đầu năm 2020 là khoảng thời gian cả ngành vật lộn với tình trạng thiếu hụt nguyên phụ liệu, thiếu đơn hàng cũng như việc tìm cách giải phóng hàng tồn, tạo công ăn việc làm cho người lao động. Chính vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi ý kiến của họ đều xoay quanh đến vấn đề nguyên liệu và không có đơn hàng. Bên cạnh đó, hầu hết ý kiến của DN trong ngành du lịch cũng nêu thực trạng không còn thị trường, cả trong nước và ngoài nước. Các tour, tuyến đều đóng cửa, khách nội lẫn ngoại không còn nên phần lớn DN buộc phải cắt giảm nhân viên, cho nghỉ việc hoặc giảm lương.
Ráng duy trì, vượt qua dịch bệnh
Ngay từ đầu quý II/2020, Chính phủ tung ra gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng, mục tiêu hướng đến an sinh xã hội, tiếp sức thêm cho DN thông qua các quyết định giảm hàng loạt loại thuế, phí và lãi suất. Tuy nhiên, các kết quả thu thập ý kiến từ Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), các bộ, ngành, địa phương công bố hồi tháng 5, tháng 6 vừa qua đều cho thấy "chính sách hỗ trợ chưa đến được DN". Cuộc khảo sát của Hiệp hội DN TP.HCM và Báo Doanh Nhân Sài Gòn vừa thực hiện trong ba tuần đầu tháng 8 cũng cho kết quả tương tự. Có tới một nửa trong số 113 DN nói họ chưa tiếp cận được chính sách nào. Chỉ có ít DN trả lời họ được gia hạn thời gian nộp thuế, tiền thuê đất; gia hạn thời gian trả lãi ngân hàng, giảm lãi suất, cơ cấu lại nợ...
Trước thực trạng trên, trả lời câu hỏi: Các giải pháp mà DN chuẩn bị để vượt qua lúc khó khăn này để duy trì kinh doanh của mình là gì? Kết quả nhận được chỉ là: Ráng duy trì, vượt qua dịch bệnh. Cũng có DN nêu lên khả năng khá tiêu cực, rằng họ chỉ cầm cự được khoảng 6 tháng, hoặc một năm là tối đa, sau đó buộc phải cho lao động nghỉ việc phá sản.
Mùa sản xuất, kinh doanh đang bước vào các tháng cuối quý III, nhiều chuyên gia kinh tế đưa ra nhận định không mấy lạc quan về kinh tế Việt Nam trong năm nay. Thấy được tình hình khó khăn chung, vừa qua Chính phủ tiếp tục đưa ra phương án sẽ tung gói hỗ trợ kinh tế thứ hai dành cho DN. Qua tham khảo ý kiến DN về gói hỗ trợ này của Chính phủ, có 113 câu trả lời là DN mong được Chính phủ tiếp tục miễn giảm thuế; gia hạn thời gian nộp thuế thêm 6 tháng; sửa đổi điều kiện cho vay trả lương cho người lao động; gia hạn thêm 6 tháng đóng bảo hiểm xã hội, hưu trí, tử tuất; giảm phí, lệ phí...
Hỗ trợ cụ thể hơn
Theo ông Mai Trường Giang - chủ chuỗi Otoke Chicken, khi dịch bùng phát đợt một hồi tháng 4/2020, DN được gia hạn đóng bảo hiểm xã hội chậm một quý, tức đến quý III mới đóng phí của quý II. Ngoài ra, cũng được hỗ trợ giảm lãi suất từ gói vay trước đó ở Ngân hàng Vietinbank (giảm 0,5%). Hiện tại, do tình hình kinh doanh khó khăn nên Otoke Chicken cũng chưa vay khoản mới.
Nếu Chính phủ có gói hỗ trợ mới, chúng tôi mong được giãn các loại thuế, phí như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và thuế thu nhập cá nhân nên giãn thời gian đóng cho doanh nghiệp đến giữa năm 2021. Khi không phải đóng các khoản tiền này, sẽ giúp DN có nguồn vốn để duy trì hoạt động.
Tình trạng giãn cách xã hội ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động kinh doanh của các cửa hàng. Mặc dù đã tăng khuyến mãi và đẩy mạnh bán hàng online nhưng doanh thu những ngày đầu tháng 8/2020 đang giảm hơn 20% so với tháng trước. DN chỉ mong sớm hết giãn cách xã hội để bán hàng dễ hơn.
Còn ông Nguyễn Thành Vinh - Phó tổng giám đốc Công ty CP Thủy sản Sài Gòn (APT), APT hiện có khoảng 400 công nhân viên. Từ đầu năm đến nay, dù dịch bệnh bùng phát nhưng APT vẫn duy trì sản xuất kinh doanh ổn định, chưa có nhân sự nào nghỉ việc hay thiếu việc làm. Tuy nhiên, doanh thu nội địa giảm nhẹ so với cùng kỳ.
Trong đợt dịch vừa rồi, Chính phủ đã ban hành nhiều giải pháp hỗ trợ DN, như giãn thuế, hỗ trợ lãi suất... nhưng APT chưa tiếp cận được. DN cũng làm đơn xin giãn thời gian đóng bảo hiểm xã hội nhưng cơ quan bảo hiểm cứ kêu chờ, nên chúng tôi vẫn phải đóng đầy đủ.
Nếu được, DN rất cần được hỗ trợ giảm các loại thuế phí. Chẳng hạn, hiện nay DN phải đóng hơn 30% lương cho khoản bảo hiểm xã hội và thất nghiệp. DN không thể giảm mức đóng này vì sai luật, nên cần hỗ trợ một khoản nhất định cho DN, có thể là 2-5 điểm phần trăm. Đối với các loại thuế phí DN, tốt nhất nên giãn đến năm 2021.
Đồng thời, nếu có thêm gói hỗ trợ, DN rất muốn Chính phủ có quy định rõ các điều kiện hỗ trợ. Chẳng hạn, quy định thiệt hại do dịch Covid-19 cần phải xác định tiêu chí cụ thể hơn. Quy định này hiện rất chung chung, khiến DN rất khó chứng minh. Mọi tiêu chí phải rõ ràng thì DN mới làm được, chính sách hỗ trợ mới có hiệu quả.
Về mặt tài chính, hiện tại, APT rất cần thêm vốn để mua sắm máy móc phục vụ cho hoạt động chế biến thủy hải sản, nhưng không có cách tiếp cận. Nguyên nhân chính là DN không có tài sản thế chấp nên không vay thêm được. Do đó, APT rất mong được hỗ trợ các nguồn tài chính tín chấp để DN có điều kiện duy trì hoạt động và phát triển tiếp. Về hoạt động kinh doanh, doanh thu APT đang giảm do người dân giảm nhu cầu mua sắm. Doanh thu chỉ tăng khi người dân có tiền mua sắm, vì vậy, mục tiêu tăng doanh thu trong giai đoạn hiện nay là không khả thi. Nếu được, TP.HCM có thể hỗ trợ DN trực tiếp trên giá bán sản phẩm để kích cầu tiêu dùng toàn thành phố, có thể ở mức 5-10% giá bán.