Đầu cơ bầy đàn

Chuyện làm ăn - Ngày đăng : 09:47, 26/08/2020

Vài ngày nay giá heo hơi giảm khá mạnh, trung bình cả nước xuống dưới 80.000 đồng/kg, nhiều người nuôi vừa tái đàn có nguy cơ lại rơi vào cảnh thua lỗ nặng nề.
Đầu cơ bầy đàn

Giá heo tăng cao trong thời gian dài khiến hầu hết người nuôi tìm cách tăng đàn, tăng trọng lượng, là một trong những nguyên nhân kéo giá giảm. Nông dân lại đối mặt thua lỗ.

Heo hơi giảm giá làm đảo lộn mọi dự báo, bởi chỉ mới trước đó một tháng (từ tháng 7/2020 về trước), nông dân còn thu lãi cao khi giá còn ở mức chót vót. Không những thế, do tình hình tái đàn đang gặp nhiều khó khăn, giá con giống cao, dịch tả heo châu phi (ASF) còn tái diễn... nên ít ai nghĩ ngay trong tháng 8 này nguồn cung sẽ ổn định để kéo giá xuống. Tuy nhiên, nếu chịu khó phân tích thị trường, nghe ngóng tín hiệu tái đàn cũng như động thái quản lý của các bộ ngành sẽ thấy giá heo tụt dốc là có lý.

Trước hết, nói về tình hình tái đàn, phải thừa nhận việc giá heo hơi duy trì ở mức trên 90.000 đồng/kg trong suốt hơn hai quý đầu năm 2020 là động lực thôi thúc người nuôi đổ tiền vào đầu tư. Thời điểm này, theo tính toán, cứ bán một con heo có trọng lượng xuất chuồng 100kg, trừ hết chi phí, người nuôi bỏ túi trung bình 4,5-5 triệu đồng. Tỷ suất lãi quá cao là lý do khiến nông dân chấp nhận các yếu tố rủi ro như giá con giống cao, dịch ASF tái diễn, chi phí nuôi cao...

Dù chưa có con số thống kê chính thức, nhưng đàn heo đã tăng đáng kể trong thời gian này. Chẳng hạn, tổng lượng heo về hai chợ đầu mối Bình Điền và Hóc Môn ở TP.HCM từ dưới 3.000 con hồi quý I/2020 tăng lên hơn 4.000 con trong quý II và đến ba tuần đầu tháng 8/2020 là trên 5.000 con.

Cũng liên quan đến tín hiệu tăng đàn, do giá heo hơi cao nên hầu hết các chủ trại đều có tâm lý đầu cơ, tức là thay vì bán heo ngay khi đến lứa, họ nuôi thêm thời gian để cho tăng thêm ký. Theo tính toán, nếu con heo được nuôi thêm một tháng sẽ tăng trọng lượng thêm 20-25kg. Thực tế, theo phản ánh của thương lái, hiện nay thị trường đang xuất hiện khá nhiều heo có trọng lượng hơi 130-150 kg. Đây là nguyên nhân quan trọng giúp tăng sản lượng hơi, làm cân bằng cung cầu lượng thịt heo cho thị trường vốn bị mất cân đối nghiêm trọng các tháng trước đó do dịch ASF.

Như vậy, giải pháp tăng đàn hay giữ heo lại nuôi thêm là cách đầu cơ kiếm lợi nhuận hoàn toàn đúng khi thị trường mất cân đối cung cầu, giá tăng. Chỉ có cách này mới bù đắp nhanh sản lượng, giải quyết được vấn đề thiếu thịt heo. Nhưng, khi ông nông dân nào cũng tìm cách tăng đàn hay giữ heo lại chứ không bán, sau thời gian ngắn nguồn cung sẽ tăng đột biến, điều này dễ dẫn tới dư thừa, giá tụt dốc nếu thị trường không hấp thụ kịp.

Theo tính toán của giới thương lái, thông thường, lượng heo về chợ Bình Điền và Hóc Môn mỗi ngày khoảng 4.500 - 5.000 con là vừa với nhu cầu tiêu thụ ở TP.HCM, nếu cao hơn chợ sẽ ế, giá giảm (thực tế chợ ế, giá giảm đang diễn ra hơn tuần nay,  thương lái lỗ khá nặng). Hơn nữa, khi con heo có kích cỡ quá lớn sẽ dẫn đến tỷ lệ mỡ nhiều (heo mỡ - từ dùng của thương lái), giá bán thấp hơn nhiều so với heo có trọng lượng trung bình 100kg/con.

Ngoài các yếu tố trên, giá heo hơi giảm còn do sức tiêu thụ đang chậm, ảnh hưởng của tháng ăn chay, học sinh, sinh viên nghĩ học, tác động dịch Covid-19... Chính sách thả cửa cho heo Thái vào (cả tiểu ngạch lẫn chính ngạch, trung bình khoảng 10.000 con/ngày) cũng làm tăng nguồn cung lên đáng kể. Tuy nhiên, vấn đề chính vẫn là ở người nuôi. Lúc này, đầu tư nuôi heo yêu cầu nguồn vốn rất lớn (giá thành nuôi hơn 7 triệu đồng/con 100kg), đối mặt rất nhiều rủi ro thị trường, dịch bệnh, ngay cả sự điều chỉnh chính sách, nên nông dân phải tỉnh táo khi đưa ra quyết định của mình.

Minh Khoa