Nuôi con heo mà bị kiểm tra như sản xuất ma túy
Chuyện làm ăn - Ngày đăng : 04:26, 01/09/2020
Một trong những nội dung trong văn bản kiểm tra của đoàn liên ngành mà doanh nghiệp phải thực hiện |
Mọi nguồn cơn bắt đầu từ đầu năm 2020, khi giá heo hơi tăng đột ngột, các cơ quan chức năng quy cho một số doanh nghiệp nắm thị phần lớn “tội” đầu cơ, thao túng giá mà không nhìn nhận thực tế đàn heo thiếu hụt do dịch tả châu Phi (ASF) gây ra. Trong tháng 2, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng Bộ Công Thương liên tiếp có các cuộc họp chỉ đạo thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp về “tội” này.
“Chúng tôi tiếp đoàn kiểm tra đầu tiên của Bộ Công Thương vào ngày 28/2/2020, họ yêu cầu kiểm tra khoảng 15 nội dung, xoay quanh tình hình cung ứng heo hơi và thịt heo; căn cứ và mức độ điều chỉnh giá; trách nhiệm doanh nghiệp trong bình ổn thị trường; chấp hành pháp luật về nghĩa vụ, quyền cạnh tranh, gian lận thương mại…”, vị giám đốc trên nói. Với 15 mục thông tin yêu cầu cung cấp, doanh nghiệp của ông phải huy động đội ngũ nhân viên hơn 10 người, lục tung sổ sách, chứng từ trong hai năm gần đây để cung cấp cho họ, ngoài ra còn phải làm bản đối chiếu, báo cáo tổng hợp riêng để đoàn đánh giá.
Tuy khá vất vả vì phải hoàn thành khối lượng hồ sơ trong thời gian khá ngắn, nhưng vị giám đốc trên cũng chia sẻ anh em trong công ty rất quyết tâm làm, với suy nghĩ thà một lần cung cấp hết thông tin để cơ quan nhà nước biết doanh nghiệp kinh doanh đàng hoàng, theo pháp luật chứ không thao túng, đầu cơ gì ở đây cả. Thế nhưng, đoàn kiểm tra của Bộ Công Thương vừa đi thì tiếp tục có văn bản yêu cầu kiểm tra của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các cơ quan cạnh tranh của bộ, của cục thuế, của cục, chi cục quản lý thị trường các tỉnh. Hễ doanh nghiệp có chi nhánh ở tỉnh nào thì cơ quan chức năng liên quan của tỉnh đó ra văn bản yêu cầu kiểm tra. Điều oái ăm là ở chỗ, các nội dung kiểm tra đều na ná như nhau, kiểu như cung cấp số liệu chi phí đầu vào nuôi heo (cám, thuốc, con giống…), sản lượng cung cấp ra thị trường, giá bán heo giống, heo hơi, heo thịt. Thậm chí, có thông tin chẳng liên quan gì đến cạnh tranh, thao túng giá như “thông tin doanh nghiệp tham gia các hội, đoàn, đối tác…”.
“Chúng tôi hằng ngày phải lo trăm nghìn thứ, ráng xoay sở để duy trì sản xuất, nuôi đội ngũ công nhân thời buổi dịch bệnh, nhưng việc phải liên tục tiếp đón, cung cấp thông tin cho nhiều đoàn kiểm tra khiến chúng tôi rất mệt mỏi, nản chí”, ông tâm sự.
Trên thế giới ít có nước nào mở chiến dịch thanh, kiểm tra một mặt hàng nông sản nào đó khi thấy giá tăng cao mà ngược lại, nếu giá xuống thấp, Nhà nước còn tìm cách hỗ trợ cho nông dân như bù lỗ, giảm phí, thuế giúp họ vượt khó khăn. Đưa cho tôi xem văn bản kiểm tra mới nhất vừa nhận được của đoàn kiểm tra do Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính, Ban chỉ đạo 389 và các cơ quan chức năng, một chủ doanh nghiệp chăn nuôi phải thốt lên: “Chúng tôi nuôi con heo mà bị kiểm tra như đối tượng sản xuất ma túy. Thật không hiểu nổi!”.
Theo ông này, điều quan trọng là cho đến nay, tất cả lần thanh, kiểm tra đều không chỉ ra được các doanh nghiệp đầu cơ, thao túng giá. Và mặc dù Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thừa nhận giá heo tăng cao thời gian qua là do thiếu hụt nguồn cung, nhưng không hiểu vì sao các bộ, ngành, địa phương vẫn cứ lập đoàn kiểm tra doanh nghiệp với nội dung đầu cơ, tăng giá (!?).
Hồi đầu năm nay, nghị quyết của Chính phủ đã nêu rất rõ là các bộ, ngành, địa phương... không được thanh tra, kiểm tra quá một lần trong năm đối với một doanh nghiệp. Thế nhưng, không chỉ có các doanh nghiệp chăn nuôi heo đang “chịu trận” mà nhiều doanh nghiệp trong các ngành nghề khác cũng đang bị các đoàn kiểm tra của nhiều cơ quan khác nhau "hành" cho tơi tả.
Tại buổi họp mặt các hiệp hội doanh nghiệp khu vực đồng bằng sông Cửu Long năm 2020 tổ chức tại Cần Thơ hồi đầu tháng 7 qua, ông Phạm Đình Vũ - Chánh văn phòng Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) kiêm Chánh văn phòng Hội đồng Trung ương các Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam cho biết, ngay tại thủ đô Hà Nội có những doanh nghiệp làm thương mại một quý phải đón... 18 đoàn thanh tra. Và kết quả thanh tra chỉ nêu được doanh nghiệp đó chỉ nhập 4kg hoa quả không xuất xứ nguồn gốc, phạt 18 triệu đồng.
Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI cũng nhiều lần nhắc: “Về thanh tra, kiểm tra, nghị quyết của Chính phủ nêu rõ là không được thanh tra quá một lần trong năm". Nhưng... thực tế lại đang diễn ra rất khác.
Doanh nghiệp Việt đang bước vào chặng đường khó khăn, gian nan của đại dịch Covid-19. Trong bối cảnh bị ảnh hưởng nặng nề, Chính phủ, Thủ tướng đã đề ra nhiều biện pháp quyết liệt phục hồi kinh tế. Nhưng rõ ràng, nếu môi trường kinh doanh không an toàn, chắc chắn doanh nghiệp khó lòng vượt qua khó khăn để bứt phá như kỳ vọng của Chính phủ.