Được giảm thuế, gạo Việt bán vào EU tăng lên 1.000 USD/tấn

Chuyện làm ăn - Ngày đăng : 05:51, 03/09/2020

3.000 tấn gạo tiêu chuẩn của Trung An đang trong giai đoạn sau cùng để lên tàu đưa sang Đức hay những sản phẩm bột rau sấy lạnh của Thiên Nhiên Việt vào Hà Lan là những tín hiệu tích cực từ thị trường châu Âu sau thực thi EVFTA.
Được giảm thuế, gạo Việt bán vào EU tăng lên 1.000 USD/tấn

Lạc quan thị trường

Sáng ngày 3/9/2020, ông Phạm Thái Bình - Tổng giám đốc Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An cho biết, công ty đang đóng lô gạo đầu tiên xuất khẩu vào thị trường EU với thuế suất 0%. Đây là kết quả đàm phán với khách hàng ngay sau khi EVFTA có hiệu lực, công ty đã ký hợp đồng cung cấp gạo tiêu chuẩn với 3 khách hàng Đức, số lượng 3.000 tấn. Trong đợt giao lô hàng đầu tiên, có 6 container gạo ST20 và Jasmine với số lượng 150 tấn sẽ được giao cho nhà nhập khẩu.

Theo CEO Trung An Phạm Thái Bình, đơn vị này đã xuất khẩu sang thị trường châu Âu từ nhiều năm nay, tuy nhiên đây là lô gạo đầu tiên hưởng thuế suất từ EVFTA. Với thuế nhập khẩu về 0%, ông Bình khẳng định lợi nhuận của Trung An đã tăng nhiều so với trước. Cụ thể, trước đây gạo ST20 xuất vào EU có giá 800 USD/tấn nhưng nay tăng lên 1.000 USD/tấn.

Cũng như Trung An, Công ty Thiên Nhiên Việt đang chinh phục thị trường châu Âu bằng 20.000 sản phẩm mang thương hiệu Quảng Thanh như bột rau má, tía tô, diếp cá, chùm ngây, lá sen, trà xanh, cần tây… được nhập khẩu chính ngạch. Bà Nguyễn Ngọc Hương - Giám đốc Công ty TNHH Thiên Nhiên Việt cho biết, để chinh phục được thị trường khó tính này, Thiên Nhiên Việt đã triển khai mô hình sản xuất khép từ canh tác, chế biến, bảo quản… theo tiêu chuẩn quốc tế. 

Theo thống kê của Bộ Công Thương, sau một tháng EVFTA có hiệu lực, đã có trên 7.200 bộ C/O mẫu EUR.1 với kim ngạch 277 triệu USD đi 28 nước EU đã được "xuất phát" từ Việt Nam. Các mặt hàng đã được cấp C/O mẫu EUR.1 chủ yếu là giày dép, thủy sản, nhựa và các sản phẩm nhựa, cà phê, hàng dệt may, túi xách, vali, rau quả, sản phẩm mây, tre, đan… Thị trường nhập khẩu đa phần là các nước có cảng biển và trung tâm phân phối, trung chuyển của EU như Bỉ, Đức, Hà Lan, Pháp, Anh. Trong đó, nhiều lô hàng đã tới thị trường EU, thông quan và được hưởng ưu đãi.

Riêng về mặt hàng gạo, trước đây các nước EU đánh thuế từ 5-45% nên gạo Việt rất khó cạnh tranh với gạo từ các nước trong khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Campuchia. Tuy nhiên, sau ngày 1/8/2020, với việc thuế suất xuất nhập khẩu giảm về 0%, sản phẩm gạo của Việt Nam đã tăng mạnh vào thị trường này, dù dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp. 

Theo Bộ Công Thương, trước đây, mỗi năm Việt Nam chỉ xuất khẩu được khoảng 20.000 tấn gạo nhưng hiện nay hạn ngạch gạo xuất khẩu sang EU được cấp theo EVFTA lên tới 80.000 tấn/năm. Nếu Việt Nam tận dụng tốt xuất khẩu được hết hạn ngạch thì kim ngạch xuất khẩu sẽ tăng gấp bốn lần so với hiện nay và mỗi năm thu về hơn 50 triệu euro.

Thêm cơ hội tăng giá trị 

Chinh phục thị trường khó tính EU, cửa đã rộng mở hơn cho Thiên Nhiên Việt khi doanh nghiệp này đang chuẩn bị xuất sang thị trường Mỹ với số lượng 5.000 sản phẩm. Cùng với đó, bình quân mỗi tháng, Thiên Nhiên Việt đưa các loại rau sấy lạnh sang thị trường Ấn Độ và Hàn Quốc với số lượng 500kg. 

lau-hai-san-3464-1599120528.jpg

Bà Nguyễn Ngọc Hương cho biết, EVFTA đang mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp phát triển thị trường. Nhưng để chinh phục được, ngay từ khi thành lập vào năm 2015, Thiên Nhiên Việt chú trọng đầu tư vào nguồn nguyên liệu, quy trình trồng, canh tác và sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế. 

Với Trung An, CEO Phạm Thái Bình cho rằng do công ty có nguồn nguyên liệu sản xuất gạo hữu cơ, nếu bán đúng giá trị có thể tăng giá xuất khẩu vào EU lên 2.000 - 3.000 USD/tấn trong thời gian tới.

Với những lợi thế từ EVFTA, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng các tháng cuối năm 2020, doanh nghiệp hoàn toàn có thể đẩy mạnh tăng trưởng xuất khẩu vào EU. "Vấn đề là làm thế nào để có sự phối hợp nhịp nhàng giữa nhà nước, doanh nghiệp và người nông dân để có những sản phẩm tốt hơn nữa cho xuất khẩu", ông Phạm Thanh Bình nói.   

Chia sẻ tại tọa đàm trực tuyến “Xuất khẩu châu Âu từ lợi thế EVFTA: Hàng Việt cần gì” ngày 3/9/2020, ông Nguyễn Huy - Chuyên gia Tiêu chuẩn của Dự án Hàng Việt Nam chất lượng cao - Chuẩn hội nhập cho rằng, châu Âu rất minh bạch các vấn đề về thuế và tiêu chuẩn nhập khẩu. Những thông tin này đăng tải công khai trên web của họ. Bất cứ nhà xuất nhập khẩu nào cũng có thể tìm được những thông tin cần thiết về các tiêu chuẩn nhập khẩu vào EU. Tại đây, các thông tin về doanh nghiệp vi phạm các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm cũng sẽ được công khai.

Hồng Nga