Cần doanh nghiệp ra tay mới có bầu không khí trong lành

Đời thường - Ngày đăng : 06:12, 04/09/2020

Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm có hơn 7 triệu người chết do ô nhiễm không khí. Tại Việt Nam, các TP lớn như TP.HCM, Hà Nội cũng đang đối mặt với vấn đề bụi mịn. Đã đến lúc cần có sự ra của cộng đồng doanh nghiệp.
Cần doanh nghiệp ra tay mới có bầu không khí trong lành

Thủ phạm là xe máy

WHO chỉ ra nhiễm không khí sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ của con người như làm cay mắt, đỏ mắt, ho, thở khò khè, giảm chức năng phổi, dễ mắc các bệnh hen suyễn, viêm phế quản, thậm chí có thể bị ung thư... 

Các thống kê cũng cho thấy, ô nhiễm không khí chủ yếu là bụi đang có chiều hướng gia tăng, nhất là tại các tuyến đường giao thông, giao lộ, khu vực đang trong quá trình xây dựng, nhà máy lớn, khu công nghiệp tập trung.

Trong vòng 10 năm gần đây, tại TP.HCM bụi mịn (PM 2,5) tăng đáng kể, cao hơn gấp đôi so với khuyến nghị hàng năm của WHO và một trong những nguyên nhân gây ra ô nhiễm không khí phải kể đến là do giao thông. Sở GTVT TP.HCM cho biết tính đến tháng 6/2019, toàn thành phố có khoảng 8,94 triệu xe cá nhân gồm khoảng 825.300 ô tô và 8,12 triệu xe máy. Như vậy, chỉ trong khoảng 10 năm (từ năm 2010 đến nay) đã tăng thêm hơn 4 triệu phương tiện giao thông.  Mới đây, Chi cục Bảo vệ Môi trường Hà Nội cũng cho biết, chất lượng không khí trên địa bàn thành phố Hà Nội trong tuần cuối tháng 8 đang có xu hướng ô nhiễm gia tăng.

Bên cạnh giao thông, sản xuất cũng góp phần làm tăng ô nhiễm không khí. Một điều tra trên 500 hộ làm bún của làng nghề sản xuất bún Phú Đô (Từ Liêm-Hà Nội) đã cho thấy, mỗi hộ làm nghề ở đây bình quân trong năm tiêu thụ 19 - 22 kg than và đã thải ra môi trường 1.586 tấn xỉ than và 6.158 tấn khí CO2. 

Giảm đốt rác, xài than tổ ong

Để cải thiện môi trường không khí hiện nay, các chuyên gia cũng cho rằng, các đô thị lớn ở Việt Nam cần chú trọng phát triển bền vững, trong đó kêu gọi ý thức người dân và khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư ứng dụng công nghệ và sáng kiến khoa học để góp phần làm giảm lượng khí CO2 ra môi trường. 

Riêng vẫn đề ô nhiễm giao thông vận tải, các ý kiến cho rằng, TP.HCM cần thực hiện đăng kiểm xe, kiểm tra tình trạng, lượng xả thải của các loại xe đang lưu thông. Việc kiểm soát nguồn thải của các loại xe và cấm vận hành đối với các xe không đạt tiêu chuẩn về khí thải phải được duy trì thường xuyên.

Chi cục Bảo vệ Môi trường Hà Nội từng khuyến cáo người dân cần hạn chế đốt rác, giảm thiểu đun nấu bằng than tổ ong, thu gom và xử lý rác theo quy định và chỉ trong 6 tháng đầu năm 2020, tỷ lệ đốt rơm rạ trên địa bàn thành phố Hà Nội đã giảm rõ rệt. Cụ thể, tính đến tháng 6 năm 2020, Hà Nội giảm 72,8% số lượng bếp than tổ ong so với năm 2017. Kết quả cho thấy, việc giảm bếp than tổ ong giúp chỉ số bụi mịn PM 2.5 giảm từ hơn 2.300 tấn năm 2017 xuống còn khoảng 1.600 tấn năm 2020, lượng khí thải CO2 từ việc sử dụng bếp than tổ ong giảm hơn 382.000 tấn/năm.

Cần sự ra tay của DN

Về phía doanh nghiệp, năm 2010, Ford đặt mục tiêu giảm thiểu 30% lượng khí thải CO2 trong quá trình sản xuất mỗi chiếc xe hơi tính đến năm 2025, nhưng Ford đã hoàn thành mục tiêu vào năm 2018, nhanh gấp hai lần so với dự kiến. Tại thị trường châu Á Thái Bình Dương, Ford cắt giảm lượng khí thải thông qua giảm mức tiêu thụ năng lượng tại các cơ sở sản xuất, sử dụng bóng đèn LED thay cho bóng đèn truyền thống hiện có, ứng dụng công nghệ sơn xe mới cần đến ít năng lượng hơn. 

Hay như Công ty Ajinomoto Việt Nam đã vận hành lò hơi sinh học cung cấp hơi nước cho sản xuất từ năm 2014, sử dụng nhiên liệu sinh học là trấu ép thay cho nhiên liệu hoá thạch, giúp cắt giảm 52% lượng khí CO2 thải ra môi trường. 

Với khoản đầu tư 80 triệu USD, nhà máy sản xuất hạt cà phê khử caffeine đặt trong nhà máy Nestlé Trị An cũng được thiết kế để giảm thiểu tác động về môi trường, giảm lượng tiêu thụ nước và năng lượng tới 20%, giảm lượng khí thải CO2 so với quy trình sản xuất hạt cà phê khử caffeine thông thường. Công ty Nestlé cũng đặt tham vọng đến 2030, không tạo ra tác động tiêu cực lên môi trường trong tất cả các hoạt động sản xuất kinh doanh. Tính đến hết năm 2019, tỷ lệ phát thải CO2/tấn sản phẩm tại các nhà máy của Nestlé Việt Nam đã giảm đến 34% so với năm 2015 (theo hệ thống quản lý môi trường nội bộ). Bên cạnh đó, Công ty cũng áp dụng nhiều biện pháp làm giảm đáng kể các chỉ số về tỷ lệ chất thải và tỷ lệ nước sử dụng trong giai đoạn kể trên. Hiện, Nestlé Việt Nam  đang vận hành 4 nhà máy tại Việt Nam với hơn 2.300 công nhân viên với tổng vốn đầu tư đạt gần 600 triệu USD.

Cùng chung tay giảm thiểu tác hại ô nhiễm không khí, Công ty TNHH Saporo Việt Nam cũng đã đầu tư một triệu USD để đầu tư dây chuyền sản xuất giúp giảm thiểu hơn 100 tấn khí thải CO2 mỗi năm tại Nhà máy bia Sapporo Long An, bên cạnh đó còn tiết kiệm điện năng và khí gas hóa lỏng, từ đó giúp cắt giảm lượng phát thải khí thải gây hiệu ứng nhà kính.

Riêng ngành công nghiệp sản xuất thuốc lá, các công ty cũng đã có nhiều ứng dụng khoa học để vừa giải quyết vấn đề giảm thiểu tác hại của sản phẩm đồng thời cải thiện quy trình sản xuất để giảm lượng khí thải phát ra môi trường. Trong báo cáo của Tập đoàn Philip Morris International (PMI) cho thấy, trong năm 2019, PMI đã nghiên cứu nhiều dự án giảm thiểu nguy cơ và tác động ảnh hưởng đến môi trường trên toàn bộ chuỗi cung ứng của công ty bao gồm: giảm thiểu hoàn toàn 42% lượng khí CO2 theo mục tiêu đề ra so với chỉ số liệu của năm 2010, đạt 72% điện năng được mua và sử dụng tại các nhà máy của PMI đến từ các nguồn năng lượng tái tạo, PMI cũng đã cam kết sẽ đạt được sự trung hòa khí cacbon trong các hệ thống vận hành trực thuộc công ty vào năm 2030 và trên toàn bộ chuỗi cung ứng của công ty vào năm 2050. Song song đó, công ty cũng đã dần chuyển đổi sang đầu tư các sản phẩm không khói như thuốc lá làm nóng. 

Với những phát kiến của công nghệ, các nhà sản xuất hoàn toàn có thể đặt niềm tin vào việc giảm thiểu tối đa lượng CO2 phát thải ra môi trường. Bên cạnh đó, các nhà máy cần ây ô nhiễm cần phải nhanh chóng di dời vào các KCN tập trung, kiểm soát ô nhiễm công nghiệp, nâng cao hoạt động truyền thông; phát triển công nghiệp xanh, vận động các KCN và cơ sở công nghiệp xung quanh thành phố ứng dụng công nghệ sản xuất sạch…

YN