Chỉ 10% gạo Việt đạt tiêu chuẩn sạch?
Chuyện làm ăn - Ngày đăng : 04:52, 05/09/2020
Ăn gạo "bẩn" tuy không chết ngay, nhưng sự tích tụ của thuốc bảo vệ thực vật gây nên các bệnh ung thư, tiểu đường |
90% người tiêu dùng Việt ăn gạo "bẩn"?
Theo tính toán của các chuyên gia, bình quân mỗi tháng, một người Việt sử dụng 6kg gạo. Với dân số hơn 96 triệu người, mỗi năm, người tiêu dùng sử dụng gần 6 triệu tấn gạo. Điều đáng nói là chỉ 10% trong số đó (tương đương gần 700.000 tấn gạo) là gạo sạch, tức là gạo đảm bảo các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, như không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.
Chia sẻ tại tọa đàm trực tuyến “Xuất khẩu châu Âu từ lợi thế EVFTA: Hàng Việt cần gì” ngày 3/9/2020, ông Phạm Thái Bình - Giám đốc Công ty CP nông nghiệp công nghệ cao Trung An cho biết, hiện có đến hơn 90% người Việt đang ăn gạo "bẩn”. Ông nói việc người dùng ăn gạo "bẩn" tuy không chết ngay, nhưng sự tích tụ của thuốc bảo vệ thực vật gây nên các bệnh ung thư, tiểu đường. Và những năm gần đây, tỷ lệ người bị các bệnh này ngày càng cao mà nguyên nhân có sự góp phần của gạo bẩn, của thuốc bảo vệ thực vật tích tụ trong gạo.
Hiện người tiêu dùng đã nhận thức được mối nguy hiểm của gạo "bẩn” và tìm mua gạo có thương hiệu. Thế nhưng, do gạo "bẩn” chiếm tới 90% và 10% được xem là gạo sạch được một số doanh nghiệp đầu tư trồng. Vì có số lượng rất hạn chế nên nảy sinh vấn đề doanh nghiệp trồng diện tích nhỏ nhưng công bố số lượng lớn. Có những đơn vị chỉ trồng 5 hécta gạo hữu cơ hay tiêu chuẩn Global GAP nhưng mở cửa hàng gạo sạch bán khắp cả nước. Hiện tại TP.HCM và Hà Nội có rất nhiều cửa hàng trưng bảng bán gạo Global GAP nhưng được trồng ở đâu, chất lượng như thế nào thì chẳng ai biết.
Nhu cầu tăng nhưng nguồn cung ít nên người tiêu dùng tìm đến gạo nhập khẩu từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Campuchia ngày càng nhiều. Những loại gạo nhập khẩu này sạch đến đâu cũng khó kiểm chứng.
Không chỉ gạo trong nước không đạt tiêu chuẩn mà ngay cả gạo xuất khẩu cũng không khá hơn. CEO Phạm Thái Bình cho rằng dù đứng top đầu xuất khẩu, nhưng thương hiệu gạo Việt khá mờ nhạt. "Gạo Việt thường mang thương hiệu của đơn vị trung gian, đơn vị nhập khẩu. Và chỉ có 10% gạo thương hiệu Việt Nam đảm bảo tiêu chuẩn sạch của thế giới", ông nói.
Hiện gạo Việt Nam đã xuất khẩu vào các thị trường khó tính như châu Âu. Nhưng chứng nhận VietGAP lại không được nhà nhập khẩu châu Âu công nhận bởi một số sản phẩm sản xuất theo tiêu chuẩn này vẫn dính dư lượng thuốc bảo vệ thực vật như thường. Đó là lý do thời gian qua, có nhiều lô hàng gạo bị châu Âu trả về. Ngay cả Trung Quốc được xem là thị trường dễ tính như thời gian qua, nhiều nhà nhập khẩu cũng ngần ngại mua gạo Việt Nam, lý do liên quan đến chất lượng.
Giải quyết bài toán chất lượng
Nhiều chuyên gia nông nghiệp nhìn nhận lĩnh vực trồng trọt đang có nhiều vấn đề đáng lo ngại, đáng chú ý nhất là tình trạng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học trong trồng rau, củ, cây ăn trái, đặc biệt là trồng lúa ngày càng phổ biến. Lâu nay, chúng ta vẫn có tư duy chạy theo năng suất, sản lượng, không chú ý đến chất lượng. Số liệu từ Cục Bảo vệ thực vật cho thấy, trung bình mỗi năm, nông dân xài tới hơn 100.000 tấn thuốc bảo vệ thực vật, hàng triệu tấn phân hóa học. Tình trạng lạm dụng này kéo dài hàng chục năm, ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường đất, nước, gây hại cho sức khỏe người tiêu dùng.
Chính vì vậy, thách thức lớn của nông nghiệp là vấn phải cải tạo lại quỹ đất vốn đã bạc màu, suy thoái môi trường nước, suy giảm đa dạng sinh học, ngộ độc thuốc bảo vệ thực vật...dẫn đến nhiều loại nông thủy sản bị tồn dư, thiếu an toàn. Ông Phạm Thái Bình cho rằng, cần thực hiện liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp với nông dân. Sản xuất phải tuân thủ theo quy trình tiêu chuẩn nghiêm ngặt. Nông dân xài loại thuốc gì, hàm lượng bao nhiêu cần phải được kiểm soát, đồng thời hướng tới sử dụng phân vi sinh, phân hữu cơ thay hóa học. Và, làm thế nào để có sự phối hợp nhịp nhàng giữa nhà nước, doanh nghiệp và người nông dân cho ra các loại gạo chất lượng tốt hơn.
“Một khi nông dân vẫn sản xuất không theo tín hiệu thị trường, không theo nhu cầu của người mua thì tình trạng này mãi mãi vẫn không thể thay đổi”, ông Phạm Thái Bình khẳng định.