Đọc sách để bao dung hơn

Sách hay - Ngày đăng : 00:51, 06/09/2020

Làm nghề nào cũng vậy, đọc sách chính là cách để chúng ta đi sâu hơn vào những bí ẩn cuộc đời mà không chỉ đóng vai người khám phá, chúng ta đã dự phần vào đó.
Đọc sách để bao dung hơn

Đối với một doanh nhân, việc đọc sách tưởng chừng là… vô bổ vì không có thời gian. “Tôi bận lắm” luôn là câu nói cửa miệng của người làm kinh doanh. Đúng vậy, bạn tôi kể rằng từ sáng đến tối toàn sổ sách, con số với “ngoại giao” bên bàn bia, tối về say khướt nằm lặt lẹo ngủ tới sáng. Mở mắt dậy chỉ kịp ăn sáng với đọc vài mẫu tin vớ vẩn rồi chạy đi “làm tiền”. Tìm một chút thời gian cho mình để đọc một cuốn sách như ngày còn nhỏ sao không còn nữa.

Anh bạn tôi là một chuyên viên tư vấn tâm lý, hiện anh cũng đã được xem như một doanh nhân thành đạt khi có nhiều văn phòng tham vấn tâm lý khắp cả nước. Mỗi khi tiếp xúc với bất kỳ ai, đặc biệt là các doanh nhân bị căng thẳng và stress rất nhiều đến tìm anh, việc đầu tiên là anh trò chuyện với họ bằng một câu chuyện anh đọc được trong một cuốn sách về nỗi lo âu của con người. Rồi anh lắng nghe câu chuyện của họ. Lúc ra về, anh chọn cho họ một cuốn sách mà câu chuyện trong đó viết gần giống về điều họ đang trải qua. Có người đọc cuốn sách xong, họ không cần đến gặp anh nữa, có người đọc xong tìm đến anh chia sẻ rồi tự chữa lành cho mình. Anh cho rằng cuộc đời anh, nếu không có những cuốn sách, chắc không thành như ngày hôm nay.

Anh kể, có lần xin tiền mẹ mua sách, mẹ nói gạo còn không có tiền mua, tiền đâu mua sách. Rồi cắm đầu cắm cổ chạy hai cây số dưới nắng chang chang qua ông bà ngoại xin tiền mua. Ông ngoại nói bà ngoại giữ tiền. Chạy qua bà năn nỉ: “Cho con vài bạc mua sách” – “cháu ngoại không, đoái tới mồ, mà tiền dùng mua sách thì càng chẳng có ích chi”. Nhưng thấy thằng cháu gầy ốm, đen nhách, mặt mũi mồ hôi mồ kê tội nghiệp quá, bà lẩm bẩm thêm mấy câu nữa rồi lần túi đưa cho anh đồng bạc.

Là con trai đầu, về sau còn có sáu đứa em, không việc gì anh không làm. Từ làm ruộng cho đến nấu cơm, trông em, ru em ngủ, đút cho em ăn… Nhưng làm việc gì cũng kè kè theo cuốn sách giắt ở lưng quần. Hễ nghỉ tay là đọc sách.

Bà nội mỗi lần đi ra Huế mua đổi hàng hoá, lại đem về cho anh một cuốn sách, bà không biết nó viết gì, hỏi thăm người ta nói sách hay lắm, mà thấy có nhiều chữ là đem về cho anh.

Nhưng bà nội không biết đọc sách mà kể chuyện còn có khi hay hơn sách. Chính những câu chuyện bà kể cho anh nghe từ nhỏ đã hun đúc niềm say mê sách của anh: tìm những câu chuyện kể trong đó. Đến giờ đã ngoài 50, nhưng cuốn sách anh ưu tiên vẫn là văn chương, thi ca. Còn sách triết học anh đã đọc từ nhỏ, lâu lâu lại nghe bạn trẻ nói, anh mỉm cười… cuộc đời anh, chỉ đọc vài cuốn triết học, nhưng trải nghiệm điều bi thương đã gần hết đời người. Anh không viết sách, nhưng những gì anh đang làm nghề tư vấn tâm lý – chữa lành cho những tâm hồn bị tổn thương, chính anh cũng thẩm thấu từ những câu chuyện kể sâu lắng và đau đớn hơn bất kỳ một diễn giải ngôn ngữ nào.

Làm nghề nào cũng vậy, đọc sách chính là cách để chúng ta đi sâu hơn vào những bí ẩn cuộc đời mà không chỉ đóng vai người khám phá, chúng ta đã dự phần vào đó, để thêm một sự đồng cảm với tha nhân, và trên hết là bao dung hơn với cuộc đời của chính mình, của người khác.

Tịnh Thủy