Bơm tiền mua ngoại tệ: Lạm phát, bong bóng tài sản quay lại?
Tài chính - Ngân hàng - Ngày đăng : 09:49, 10/09/2020
Tiền bơm ra không vào nền kinh tế, vào tay người dân sẽ có nguy cơ lạm phát, bong bóng tài sản. |
Với dự trữ ngoại hối hiện đã chạm mốc 92 tỷ USD theo như chia sẻ gần đây của người đứng đầu Chính phủ, cho thấy NHNN đã mua ròng 12 tỷ USD từ đầu năm đến nay. Nếu tính theo tỷ giá mua vào của Sở giao dịch NHNN là 23.175, thì lượng tiền đồng được bơm ra xấp xỉ hơn 278 nghìn tỷ đồng, một con số khổng lồ.
Đáng lưu ý, nếu như vào thời điểm đầu tháng 4, con số dự trữ ngoại hối cập nhật khi đó chỉ ở mức 84 tỷ USD, tức NHNN chỉ mua ròng 4 tỷ USD trong quý 1 đầu năm, tương ứng bơm ra gần 93 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, lượng tiền này gần như đã được trung hòa nhờ vào động thái hút ròng trên thị trường mở của NHNN, khi cơ quan này đã hút ròng đến 147 nghìn tỷ đồng riêng trong quý 1 đầu năm.
Còn đợt mua ngoại tệ vừa qua, những động thái trung hòa lượng tiền đồng bơm ra qua kênh mua ngoại tệ lại chưa thấy diễn ra. Cụ thể, nếu loại trừ 4 tỷ USD đã mua trong quý 1, thì từ quý 2 đến nay số ngoại tệ mua vào là 8 tỷ USD, gấp đôi số mua trong quý 1, tương ứng hơn 185 nghìn tỷ đồng đã bơm ra thị trường.
Tính từ giữa tháng 6 đến tuần đầu tháng 9, NHNN đã có 12 tuần liên tiếp gần như không có động thái bơm hút ròng với khối lượng lớn trên thị trường mở. Còn giai đoạn trước đó từ đầu tháng 4 đến giữa tháng 6, cơ quan này thậm chí đã bơm ròng đến 147 nghìn tỷ đồng, đúng bằng số hút về trong quý 1. Như vậy, gần như lượng tiền đồng bơm ra qua kênh mua ngoại tệ đã lan tỏa vào thị trường, hỗ trợ đáng kể giúp thanh khoản hệ thống ngân hàng dư thừa.
Tuy vậy, các ngân hàng vẫn hạn chế cho vay vốn ra nền kinh tế vì sợ rủi ro, chấp nhận ôm vốn hoặc chủ động giảm lãi suất tiền gửi để giảm bớt mức độ thừa vốn, khiến dòng tiền thừa này chưa thể chạy vào các hoạt động sản xuất kinh doanh thực chất như mong muốn. Ngoài ra, lượng tiền bơm ra quá lớn nhưng không được trung hòa này cũng có thể đe dọa lạm phát cao quay trở lại.
Nỗi lo ngại này là có cơ sở, khi quá khứ cũng đã từng xảy ra hiện tượg này. Cụ thể khi Việt Nam gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO) vào cuối năm 2006 đầu 2007, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) sau đó đã đổ mạnh vào trong nước để đón đầu và tận dụng những cơ chế ưu đãi. Trước nguồn cung ngoại tệ tăng vọt, NHNN tung ra đến 145 nghìn tỷ đồng để mua vào 9 tỷ USD gia tăng dự trữ ngoại hối, một con số được cho là khổng lồ vào thời điểm đó.
Cũng thời điểm đó, những thống kê cho thấy số tiền mà NHNN rút về được là 90 ngàn tỷ, như vậy số tiền in thêm cho thị trường là 55 ngàn tỷ đồng chỉ để mua ngoại tệ. So với tổng số tiền mặt có trên thị trường cuối năm 2006 là 159 ngàn tỷ đồng thì tiền mặt đã tăng 34,6% để mua ngoại tệ.
Trước tình trạng tổng phương tiện thanh toán tăng cao như vậy, hậu quả là lạm phát năm 2008 vọt lên 19,89%, tiếp nối mức kỷ lục 12,63% của năm 2007. Cần lưu ý là trước đó lạm phát năm 2006 chỉ ở mức 6,6%. Đến năm 2009, nhờ vào hàng loạt biện pháp thắt chặt chính sách tiền tệ trở lại, tăng mạnh lãi suất, lạm phát mới về lại mức 6,52%.
Thời điểm hiện nay, lạm phát vẫn đang ở mức khá dễ chịu, khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8 vừa qua chỉ tăng 3,18%, lũy kế bình quân 8 tháng cũng chỉ tăng 3,96%, dưới mục tiêu 4% đề ra. Tuy nhiên, việc lạm phát ở mức thấp chủ yếu do sức cầu tiêu dùng vẫn rất trì trệ vì ảnh hưởng bởi dịch bệnh, nên niềm tin tiêu dùng thấp và xu thế thắt chặt chi tiêu được ưu tiên.
Do đó, một khi nỗi e ngại dịch bệnh qua đi nhờ vào khả năng kiểm soát dịch tốt, cũng như tiến độ nghiên cứu và phát triển vắc xin cho kết quả tốt, cầu tiêu dùng sẽ tăng trở lại là tất yếu. Khi đó, nếu tiền lưu thông trong nền kinh tế vẫn quá lớn và vượt nhu cầu, giá hàng hóa bị đẩy lên cao và sau đó gây áp lực lên lạm phát là điều có thể thấy trước.
Ngoài ra, nhiều chuyên gia kinh tế còn lo ngại việc bơm lượng tiền khổng lồ ra thị trường nếu không đi vào nền kinh tế, không vào tay người dân để chi tiêu mà quanh quẩn trong tay những tổ chức tài chính và nhiều người giàu, sẽ đẩy giá tài sản tài chính và bất động sản lên không tưởng. Việt Nam cũng từng nổ ra bong bóng bất động sản, chứng khoán giai đoạn 2007-2008.