Doanh nghiệp khỏe cũng cần hỗ trợ

Trong nước - Ngày đăng : 03:07, 10/09/2020

Trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa đang gặp vô vàn khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra, thậm chí có không ít doanh nghiệp đang đứng trước nguy cơ phá sản và đang trông chờ các gói hỗ trợ từ Chính phủ, nhưng trong nhiều cuộc hội thảo gần đây, TS.Trần Đình Thiên - Thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ lại cho rằng, cần hỗ trợ doanh nghiệp... còn khỏe.

Cần phải thay đổi quan niệm về phát triển doanh nghiệp, theo vị chuyên gia này, chúng ta không hô hào phát triển doanh nghiệp chung chung nữa, không chỉ chăm chăm ưu tiên cho doanh nghiệp nhỏ và vừa nữa mà đã định vị được vai trò của các tập đoàn tư nhân lớn. Lâu nay, chúng ta toàn tập trung vào các doanh nghiệp nhỏ và vừa chứ không dám đề cập, định vị vị thế của các doanh nghiệp tư nhân lớn. 

Không ít doanh nghiệp nhỏ và vừa cảm thấy chạnh lòng khi nghe vị chuyên gia này phát biểu. 

Cùng lúc, một số chuyên gia cũng "đứng" về phía các doanh nghiệp nhỏ và vừa này và cho rằng, chính sách hỗ trợ lần hai với doanh nghiệp cần tập trung cho những doanh nghiệp hầu như không có nguồn lực dự trữ và khả năng tiếp cận các nguồn lực khác - doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Song nếu suy ngẫm kỹ, ý kiến của ông Thiên không phải không có lý. 

samco-2-5250-1599703147.jpg

Theo ông Thiên, với gần 97% là doanh nghiệp nhỏ và rất nhỏ, sức chống chọi của doanh nghiệp trong nước còn yếu. Trong điều kiện nguồn lực của Chính phủ còn ít, tai họa còn kéo dài, các gói cứu trợ cần được phân phối cho các doanh nghiệp còn khỏe mạnh để sau đó, những doanh nghiệp này quay sang cứu doanh nghiệp yếu hơn trong hệ sinh thái, vì Nhà nước không thể cứu được tất cả doanh nghiệp.  

Tuy nhiên, chuyên gia Trần Đình Thiên cũng nhấn mạnh gói hỗ trợ lần 2 cần có những lựa chọn tốt hơn, dành một phần quan trọng hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo để sau Covid-19, nền kinh tế Việt Nam có thể đứng dậy với một tư thế khác, tạo luồng "máu" khác. 

Luồng "máu" khác mà TS. Thiên đề cập cũng chính là niềm tin để nền kinh tế Việt Nam đứng dậy trên nền tảng khác - nền tảng công nghệ. "Nếu chỉ bỏ tiền cứu doanh nghiệp cũ thì nền kinh tế khi đứng dậy vẫn cũ, không có gì mới", ông nói.

Ngẫm lại, kinh tế Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển mới, chạy đua công nghệ và đô thị thông minh để sánh ngang các quốc gia đã đi trước. Vậy nên, việc quan tâm hỗ trợ đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo là một quan điểm không thể không quan tâm trong xu hướng phát triển và bối cảnh này.

Để kinh tế Việt Nam vượt qua khó khăn và cất cánh thì những doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo chính là một trong những đòn bẩy tích cực, tiếp nối những doanh nghiệp khỏe - cánh chim đầu đàn, như các chuyên gia đã khẳng định: Muốn tiến ra thế giới, Việt Nam phải có một lực lượng doanh nghiệp mạnh, có những "cánh chim đầu đàn" dẫn dắt tạo nên sức mạnh cạnh tranh của quốc gia. Muốn vậy, phải xây dựng được một doanh nghiệp lớn, kết nối với các doanh nghiệp vừa, các doanh nghiệp này lại có xung quanh một hệ thống doanh nghiệp nhỏ tạo nên một hệ sinh thái doanh nghiệp đa dạng, hoàn chỉnh.

Nâng cao năng lực cạnh tranh để các doanh nghiệp tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu trong giai đoạn nhiều bất ổn mà cũng không ít cơ hội như hiện nay thì vai trò của doanh nghiệp... còn khỏe chính là lực lượng dẫn dắt nền kinh tế, là những "con sếu đầu đàn" để vững bước dẫn dắt nền kinh tế, các doanh nghiệp sáng tạo, doanh nghiệp nhỏ và vừa cùng bước vào cuộc cách mạng 4.0.

Ý Nhi