Chậm giải ngân vốn đầu tư công: Làm chậm tăng trưởng kinh tế sau đại dịch
Trong nước - Ngày đăng : 07:42, 11/09/2020
TS. Đinh Trọng Thịnh - Học viện Tài chính |
* Theo ông, việc giải ngân vốn đầu tư công chậm so với kế hoạch sẽ tác động thế nào đến tăng trưởng kinh tế của năm 2020?
- Giải ngân vốn đầu tư công chậm kéo theo một loạt vấn đề của nền kinh tế. Nếu tiếp tục giải ngân chậm, doanh nghiệp sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc lấy lại đà tăng trưởng sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát. Như vậy, nền kinh tế không chỉ tăng trưởng chậm lại một lần, mà có thể là hai, ba lần. Trong khi đó, nếu giải ngân vốn đầu tư công đúng tiến độ sẽ tạo được sự lan tỏa đến các ngành, tạo ra việc làm và sự lan tỏa trong các lĩnh vực khác trong nền kinh tế.
* Ông bình luận thế nào về giải ngân vốn đầu tư công vẫn chậm dù Chính phủ đã nhiều lần thúc giục?
- Việc giải ngân vốn đầu tư công chậm đang cản trở sự phục hồi nền kinh tế. Những năm gần đây, số lượng dự án chậm giải ngân vốn càng nhiều, số vốn rất lớn, hầu hết lý do là do chủ quan. Các bộ, ngành, địa phương thường viện lý do quy trình để được nhận vốn phức tạp, thời gian phân vốn dài để viện dẫn cho việc giải ngân chậm, thậm chí không giải ngân.
* Chính phủ quyết tâm giải ngân vốn đầu tư công đúng tiến độ nhưng chưa quyết liệt quy trách nhiệm đối với các bộ, ngành, địa phương liên quan...
- Đúng vậy, trong khi đấy là khâu đặc biệt quan trọng. Giải ngân vốn đầu tư công chậm không chỉ liên quan đến đầu tư công hiện nay mà còn liên quan đến quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư về lâu dài. Nhiều kế hoạch không sát thực tế, vẫn phân bổ vốn theo yêu cầu của một số bộ, ngành, địa phương, không nhất quán theo kế hoạch từ cấp có thẩm quyền.
Trong khi đó, thúc đẩy giải ngân không nên chỉ tập trung vào các dự án nhận vốn đầu tư công, mà còn phải lưu ý nhiều hơn đến công tác lập kế hoạch về đầu tư xây dựng, cần phải chứng minh được sự cần thiết của dự án, cũng như khả năng giải ngân vốn, cũng như sử dụng vốn hiệu quả.
Quan trọng là trách nhiệm của những người đề xuất được cấp vốn và nhận vốn. Theo quy định, đơn vị nhận vốn đầu tư công phải có báo cáo tháng, quý và năm nhưng giải ngân chậm, thậm chí không giải ngân, cho thấy những báo cáo, nếu có, là không đầy đủ. Trong khi đó, trách nhiệm của người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương nhận vốn là rất quan trọng đối với quá trình giải ngân nguồn vốn này. Nếu năng lực giải ngân còn yếu, người đứng đầu bộ, ngành, địa phương chỉ nên đề nghị vốn cho 10 dự án chẳng hạn, thay vì 20 dự án, để có thể giải ngân.
Trong sáu tháng đầu năm, Bộ Công Thương và 10 địa phương gồm Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Nam Định, Đà Nẵng, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bình Phước, Đồng Nai, Tiền Giang vẫn chưa giải ngân được một đồng vốn cấp phát đầu tư công từ vốn vay nước ngoài. Như vậy, lãnh đạo Bộ Công Thương và các địa phương này đã không thực hiện đúng vai trò của cơ quan quản lý và lãnh đạo, khi lập dự án xin vốn. Nhà nước sẽ phải gánh chịu toàn bộ chi phí suốt quá trình lập dự án, từ lập và xin phê duyệt dự án sơ bộ, lập và phê duyệt dự án tiền khả thi, quá trình xét duyệt và cấp vốn. Có vốn, nhưng không giải ngân được, những cơ sở, luận cứ những đơn vị này đưa ra đều không có ý nghĩa. Nó cũng cho thấy, Bộ Công Thương và 10 địa phương trên không thực sự cần nguồn vốn này.
* Theo ông thì tại sao không loại bỏ những bộ, ngành, địa phương không cần vốn ra ngoài danh sách cấp vốn?
- Loại bỏ những bộ, ngành, địa phương không cần vốn ra ngoài danh sách cấp vốn là cần thiết, cả với những bộ, ngành và địa phương có tỷ lệ giải ngân đầu tư công quá thấp, thậm chí không giải ngân. Dự án đầu tư công phải mang lại hiệu quả chung cho toàn xã hội, Chính phủ cần có chế tài đối với vấn đề này. Chính phủ cần quy trách nhiệm cho người đứng đầu các bộ, ngành và địa phương, những người chịu trách nhiệm lập và phê duyệt dự án đầu tư công nhưng giải ngân quá thấp hoặc không giải ngân.
* Như vậy là có thể cần đến một quy trình giải ngân vốn đầu tư công mới...
- Khó đấy. Việc phân bổ vốn ở nước ta từ trước đến nay vốn phức tạp, chưa nói đến những chuyện "bên trong", thì trong quy trình hiện nay, xuất phát từ nhu cầu không nhiều, thường là các bộ, ngành, địa phương nào "giỏi" mới xin được vốn. Việc phân bổ vốn vẫn dựa vào cảm tính. Bởi thế mới có chuyện chỗ này được thêm vốn dù vốn cũ chưa giải ngân hết, còn chỗ kia cạn vốn nhưng không được thêm vốn.
* Cảm ơn ông!
Tại Nghị quyết số 86/2019/QH14 của Quốc hội (tháng 11/2019), tổng vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước kế hoạch năm 2020 là 470.600 tỷ đồng, chia ra vốn trong nước 410.600 tỷ đồng, vốn nước ngoài 60.000 tỷ đồng. Trong đó, tỷ lệ vốn đầu tư của các bộ, cơ quan trung ương chiếm 22,9%, vốn đầu tư của các địa phương chiếm 77,1%. Theo báo cáo của Bộ Tài chính, lũy kế giải ngân từ đầu năm đến ngày 31/7/2020 là 193.040 tỷ đồng, đạt 40,98% kế hoạch Chính phủ giao (không bao gồm vốn từ các năm trước chuyển sang). Ước giải ngân đến ngày 31/8/2020 là 221.768 tỷ đồng, đạt 47% so với kế hoạch (cùng kỳ năm 2019 đạt 41,39%), trong đó vốn ngân sách trung ương đạt 37,8% kế hoạch và vốn ngân sách địa phương đạt 55,1% kế hoạch. |