Thương vụ IPO Ant Group: Nhìn từ quan hệ Mỹ - Trung

Quốc tế - Ngày đăng : 01:00, 11/09/2020

Trái với Alibaba đã lựa chọn niêm yết lần đầu (IPO) tại thị trường Mỹ cách đây 6 năm, startup công nghệ tài chính Ant Group - do nhà sáng lập Alibaba Jack Ma kiểm soát và cũng trực thuộc Alibaba, đã quyết định sẽ IPO tại Trung Quốc.

Thương vụ lớn nhất trong nhiều năm qua

Ngày 25/8/2020, Ant Group của Alibaba đã nộp bản cáo bạch cho đợt bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng, theo đó sẽ trở thành công ty đầu tiên IPO song song trên cả hai thị trường Hồng Kông và Thượng Hải, đồng thời đặt mục tiêu đạt mức định giá 225 tỷ USD và huy động được 20-30 tỷ USD. 

Ant Group hiện là một trong những “kỳ lân” công nghệ lớn nhất thế giới, khi hiện có 1 tỷ người dùng và 711 triệu người dùng chủ động hằng tháng, cung cấp các dịch vụ trực tuyến rộng khắp từ thanh toán, cho vay, quản lý tài sản, bảo hiểm và nhiều công việc khác. Hơn 80 triệu công ty sử dụng ứng dụng Alipay để kinh doanh và Ant cũng hợp tác với hơn 2.000 định chế tài chính. Sự "lột xác" của Ant từ một nhà cung cấp dịch vụ tài chính trở thành một tập đoàn với số lượng khách hàng khổng lồ, cho phép họ sử dụng dịch vụ của các bên khác đã bắt đầu từ năm 2017

Năm ngoái, Ant Group đạt doanh thu lên đến 120,6 tỷ nhân dân tệ (NDT) và lợi nhuận ròng là 18 tỷ NDT, tương đương 2,6 tỷ USD. Tuy nhiên, con số lợi nhuận trên đã nhanh chóng bị "phá vỡ" trước đợt IPO sắp tới, khi chỉ trong nửa đầu năm nay, Ant Group đã đạt lợi nhuận ròng 21,9 tỷ NDT, tương đương 3,2 tỷ USD,  tăng hơn 1.000% so với cùng kỳ năm trước.

Ant Group không muốn mạo hiểm IPO tại thị trường Mỹ như công ty mẹ Alibaba?

Ant Group không muốn mạo hiểm IPO tại thị trường Mỹ như công ty mẹ Alibaba?

Các khoản phí mà Ant Group kiếm được hồi năm ngoái từ việc kết nối người dùng với khoản vay của các công ty tài chính, các bên quản lý tài sản và bảo hiểm đã đóng góp đến 63% doanh thu trong nửa đầu năm nay, tăng từ mức 44% trong năm 2017. Giới phân tích cho rằng, cổ phiếu của Ant Group có khả năng sẽ giao dịch ở mức lợi nhuận cao gấp 30 lần so với các công ty cùng ngành là Tencent và Visa.

Nếu thành công, đây sẽ là một trong những IPO lớn nhất thế giới trong nhiều năm trở lại đây, đồng thời đưa Jack Ma lần đầu tiên lọt vào danh sách 10 người giàu nhất hành tinh và 19 nhân sự cấp cao thành tỷ phú sau IPO. Theo đó, Jack Ma sẽ bỏ túi thêm 25 tỷ USD nếu Ant Group đạt mục tiêu định giá 225 tỷ USD, khi ông cũng đang là người kiểm soát và đưa quyết định cuối cùng cho công ty công nghệ tài chính, tuy nhiên ông cho biết sẽ giảm tỷ lệ sở hữu xuống không quá 8,8%.

Tài sản ròng của Jack Ma tính đến ngày 5/9/2020 ở mức 57,8 tỷ USD, tăng 11,1 tỷ USD so với đầu năm, vượt qua  ông chủ Tencent là Ma Huateng để trở thành người giàu nhất Trung Quốc. Theo bảng xếp hạng thế giới, hiện Jack Ma giàu thứ 18, cách người đứng đầu Jeff Bezos 136 tỷ USD. Gần đây, nhà đồng sáng lập của Tập đoàn Alibaba này đã cắt giảm cổ phần tại Alibaba từ 6,4% xuống còn 4,8%.

Về với cố quốc

Tập đoàn Alibaba đã ghi tên vào lịch sử ngày 18/9/2014 khi trở thành công ty có đợt chào bán chứng khoán lần đầu ra công chúng (IPO) lớn nhất lịch sử nước Mỹ và đã thu được hàng chục tỷ USD từ đó đến nay. Tuy nhiên, lần IPO này của Ant Group đã phải bỏ qua thị trường Mỹ, vốn luôn đầy tiềm năng với những nhà đầu tư lớn và dòng vốn khổng lồ.

Diễn biến trên cũng dự báo làn sóng niêm yết quy mô lớn trong thời gian tới tại Hồng Kông và Trung Quốc. Vài năm qua, Trung Quốc đã sản sinh hơn 100 startup “kỳ lân” (được định giá trên 1 tỷ USD), dẫn đầu là ByteDance - công ty mẹ của TikTok và startup gọi xe Didi Chuxing. Hiện tại, có ít nhất hơn chục công ty lớn tại Trung Quốc đang sôi sục cuộc đua niêm yết trước khi dịch bệnh hay chiến tranh thương mại tàn phá kinh tế toàn cầu mạnh hơn nữa, có thể ngày càng gây khó khăn cho các đợt niêm yết về sau, nếu chậm trễ.

5343243-3568-1599721813.jpg

Trong khi đó, việc chính quyền Mỹ gần đây đề xuất một dự thảo luật, trong đó đe dọa hủy niêm yết của nhiều công ty Trung Quốc trên sàn chứng khoán New York, với hàng loạt yêu cầu công bố thông tin nghiêm ngặt, khiến các doanh nghiệp hàng đầu của Trung Quốc đang tìm cách huy động vốn ở quê nhà. 

Với những công ty đã niêm yết tại Mỹ, việc chọn thêm một thị trường khác cũng được cân nhắc. Đơn cử như Alibaba, sau đợt IPO đầu tiên tại Mỹ cách đây 6 năm, vào tháng 11 năm ngoái, đã IPO tại Hồng Kông, bất chấp làn sóng biểu tình ở đặc khu. Theo đánh giá của UBS, có khoảng 42 công ty Trung Quốc đã niêm yết tại Mỹ đủ điều kiện để lên sàn chứng khoán Hồng Kông trong 12 tháng tới. 

Do đó, Hồng Kông và Thượng Hải trở thành hai điểm nóng IPO trong năm 2020 khi đón các tên tuổi lớn từ JD.com Inc. cho tới SMIC lên sàn trong vài tháng tới. Xu hướng này sẽ kích thích đà tăng trưởng cho kinh tế Trung Quốc vốn đang trì trệ.

Chẳng những vậy, căng thẳng Mỹ - Trung còn góp phần vào xu hướng hoán đổi cổ phiếu thời gian qua của các nhà đầu tư lớn, khi một số nhóm cổ đông của Alibaba đã hoán đổi cổ phiếu Alibaba tại Mỹ sang cổ phiếu tại Hồng Kông, nhằm tận dụng quy định mới sau đợt niêm yết cổ phiếu Alibaba tại Hồng Kông trong năm 2019. 

Việc hoán đổi cổ phiếu Alibaba là tín hiệu cho thấy những lời lẽ cứng rắn của chính quyền Trump đối với các công ty công nghệ Trung Quốc đang thôi thúc nhà đầu tư hành động để tránh những “tai ương”, nhất là khi các công ty Trung Quốc cũng đang muốn niêm yết lần hai tại Hồng Kông.

Xu hướng này càng trở nên cấp bách hơn đối với nhiều nhà đầu tư tổ chức kể từ tháng 5/2020, thời điểm Thượng viện Mỹ thông qua dự luật có thể "hất cẳng" các công ty Trung Quốc ra khỏi sàn giao dịch Mỹ. Đặc biệt nhìn vào thương vụ ép bán TikTok gần đây tại Mỹ, các cổ đông công ty Trung Quốc rõ ràng có lý do để lo lắng.

Lê Phan