Dân ăn chay sợ vi khuẩn "ngộ độc thịt"

Du lịch - Ngày đăng : 03:00, 12/09/2020

Đúng là xưa nay bao người ăn chay chưa gặp chuyện ngộ độc lớn như vậy, nên nghe tin nhiều người ăn pate chay phải nhập viện cấp cứu mà tá hỏa. Đồ chay mà gây ngộ độc quả là bất ngờ với người dùng, với nhà sản xuất, với cơ quan quản lý và với cả ngành y tế.
ngo-doc-1-5758-1599797963.jpg

Các thầy thuốc chữa trị cho người bị ngộ độc bởi đồ hộp chay đã tìm ra nguyên nhân là do độc tố Botulism. Vi khuẩn Clostridium Botulinum (C.botulinum) được E.van Ermengem mô tả lần đầu năm 1897 trong một vụ ngộ độc thực phẩm tại Ellezelles, Bỉ. C. botulinum là vi khuẩn kị khí bắt buộc, nó sinh độc tố botulism cực độc khi môi trường sống bất lợi, là loại độc tố thần kinh, có thể gây tê liệt các bó cơ thần kinh và là nguyên nhân gây tử vong đối với con người và động vật. 

Vậy do sản xuất để môi trường nhiễm khuẩn hay do bất ngờ tai nạn? Các khâu quản lý, lỗ hổng an toàn thực phẩm ở chỗ nào? Ai chịu trách nhiệm?... là những câu hỏi dài dài.

Nhiều người hú vía, liệu thực phẩm đóng hộp khác có đáng sợ không? Sao mà loại vi khuẩn gây bệnh mà y học gọi là “ngộ độc thịt” nó tấn công hệ thần kinh cực mạnh làm liệt cơ thể, liệt cả hệ hô hấp. Lại ngạc nhiên nữa khi biết thuốc trị bệnh “ngộ độc thịt” do Canada sản xuất quá đắt, giá tới 8.000 Mỹ kim một lọ, mà cả nước Thái Lan có 10 lọ, nhượng cho Việt Nam 2 lọ.

Tổ chức Nông Lương Thế giới (FAO) cho biết lượng thịt tiêu thụ ngày một tăng. Đầu những năm 1970, một người Trung Quốc tiêu thụ 14kg thịt/năm thì nay tăng lên 55kg. Chả thế mà giờ đây Trung Quốc đang kêu gọi toàn dân bớt ăn thịt.

Người ăn chay trên thế giới ngày một tăng. Không chỉ người theo đạo Phật kiêng sát sinh mà với bao người không phải là Phật tử còn là lối sống xanh, là một cách bảo vệ môi trường. Theo số liệu của Liên Hiệp Quốc, hiện nay có 10% người ở châu Âu ăn chay trường. Từ năm 2012-2018 ở Mỹ có 3% dân số ăn chay hoàn toàn. Có ai ngờ “võ sĩ toàn múi” như Mike Tyson cũng ăn chay. Vậy là đánh bay nỗi nghi ngờ ăn chay thiếu chất, yếu người!

Sau vụ tai nạn pate chay này, những người ăn chay sẽ cẩn trọng với đồ hộp chay, là điều tất nhiên. Ở các chùa có làm đồ chay bán cũng sẽ cẩn thận hơn, làm ít một, không để tồn đọng. Xưa nay nhiều chùa đã cẩn thận, chỉ ngày rằm, mùng 1 và Tết, lễ nhiều người đi chùa mới làm đồ chay bán dùng ngay. Bây giờ điều đó trở thành kinh nghiệm quý.

Lại có cả những thợ nấu nấu công quả cho chùa, nấu cỗ thuê. Bây giờ đồ chay thành sản phẩm thương mại, có đủ. Nào chay đông lạnh, chay khô, chay ăn liền... Cách nấu chay tinh tế, có lúc phải lắc, xoay chứ không dùng đũa để đảo. Khi nấu còn phải tĩnh tâm, không cáu giận, cục cằn. Riêng rau củ kho đã có tới 30 món. Chay bây giờ đâu chỉ đậu hũ, mà còn nhiều thứ chế biến từ các loại đậu, rau củ, nhìn như thịt thật.

Bây giờ tự nấu món chay đơn giản cũng không khó. Nhiều chị em ăn chay nhưng vẫn nấu món mặn cho chồng con, còn mình có thức riêng, đơn giản mà vẫn ngon.

Nghe tin tai nạn vi khuẩn “ngộ độc thịt” lại hoành hành ở nơi không có thịt, quả là nguy hiểm quá, dân ăn chay cẩn thận hơn. Bớt mua đồ hộp, tăng cường tự nấu và ăn đồ tươi đừng để lâu. Chỉ thương một nỗi vừa mới hình thành “nền công nghiệp thực phẩm chay” rất nhiều món ngon, tiện lợi thì nay chắc sẽ bị ảnh hưởng.

Nhưng mà hy vọng sẽ tìm ra cách để có thực phẩm chay đóng hộp an toàn, bởi ăn chay càng ngày càng phổ biến, như một lối sống văn minh

Tư Hồng