Chuyển đổi số: Doanh nghiệp nỗ lực, chưa đủ
Công nghệ - Ngày đăng : 05:05, 13/09/2020
Giảm thiểu tác động
Nhiều DN tại TP.HCM cho biết đại dịch Covid-19 đã khiến họ nhận ra rằng, CĐS chính là giải pháp phải làm ngay lúc này để có thể tồn tại, giảm thiểu tác động và vượt qua đại dịch cũng như phát triển kịp với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang bùng nổ mạnh mẽ.
Theo kết quả khảo sát của Tổng cục Thống kê về tác động của Covid-19, có tới gần 86% DN Việt Nam đang phải chịu tác động tiêu cực từ đại dịch, hơn 200.000 DN sẽ phá sản nếu dịch kéo dài đến hết quý III/2020. Khi đó, DN nào nhanh chóng CĐS, đồng nghĩa với việc có thể phát triển một nền tảng vận hành bền vững, tối ưu nguồn lực và tiết kiệm chi phí để giảm thiểu đáng kể các tác động từ môi trường xung quanh. Sự CĐS của nhiều DN tiên phong tạo nên sức ép lên những DN còn lại, tạo động lực thúc đẩy cho xu hướng CĐS ngày càng lan rộng sang nhiều lĩnh vực với tốc độ càng nhanh.
Chia sẻ nhận thức CĐS trong bối cảnh hiện tại, ông Vũ Thanh Long - Co-Founder, CEO của eDoctor cho biết: "CĐS vừa là động cơ vừa là phương tiện để DN đổi mới, tìm kiếm những bước phát triển mới thông qua việc thay đổi từ quy trình đến mô hình kinh doanh, đồng thời đem đến cho khách hàng sự trải nghiệm mới trong đó các tương tác được số hóa là công cụ xuyên suốt của quá trình cung cấp dịch vụ".
Ông Trần Viết Quân - Founder của Tanca.io thì cho rằng: "Trong đợt dịch chúng tôi đã nhanh chóng xây dựng nhóm phần mềm quản lý công việc, tập trung đẩy mạnh trí tuệ nhân tạo để ứng dụng trong nhiều hoạt động trong quản lý nhân sự. Hiện tại, chúng tôi sẽ giúp các DN vừa và nhỏ tự động hóa nghiệp vụ quản lý nhân sự, số hóa toàn bộ DN và hỗ trợ đánh giá và tăng cường hiệu suất làm việc của nhân viên. Sắp tới, chúng tôi sẽ ứng dụng các công nghệ cao hơn trong phân tích dữ liệu, trí tuệ nhân tạo để giúp DN thấu hiểu được nhân viên từ đó giúp họ tối ưu hóa hiệu suất của DN mình".
Theo ông Nguyễn Trọng Tấn - CEO Chợ Tốt: "Từ khi giãn cách xã hội bắt đầu, chúng tôi đã thực hiện ngay CĐS, tất cả cơ sở dữ liệu của công ty đều được cập nhật và sao lưu trên điện toán đám mây, mọi nhân viên đều có thể giải quyết công việc mà không gặp bất cứ rào cản nào về cơ sở dữ liệu vật lý. Các cuộc họp, quy trình phỏng vấn vốn đã đều được "số hóa" để đảm bảo công việc diễn ra mượt mà. Ngoài ra, văn hóa công ty trao quyền cho nhân viên tự quản và kiểm soát theo chất lượng công việc nên việc làm việc tại nhà không hề ảnh hưởng đến hiệu suất làm việc".
Cần nhiều bệ đỡ
Mặc dù Chính phủ đang khuyến khích, tạo điều kiện thúc đẩy các DN thực hiện CĐS, nhất là đối với các ngành nghề như CNTT, dịch vụ, y tế, GTVT, du lịch... nhưng vẫn chưa tạo được những bước tiến vượt bậc như mong đợi. Nhiều DN với quy mô vừa và nhỏ còn đang rất mơ hồ về khái niệm CĐS hoặc thiếu kinh nghiệm trong việc quản trị, thiếu kiến thức chuyên môn, thiếu sự đầu tư kỹ lưỡng cho việc chuyển đổi. Bên cạnh đó, các chiến lược cần thiết được vạch ra cho công cuộc CĐS vẫn đang trong tình trạng còn nhiều thiếu sót chưa thể hoàn thiện và đưa vào áp dụng. Vì vậy nhiều chuyên gia, DN cho biết rất cần các bệ đỡ từ sự hỗ trợ của cơ quan chức năng, Chính phủ.
Chia sẻ về những khó khăn khi CĐS, ông Long cho biết: "eDoctor cũng gặp phải các vấn đề về nhận thức, nguồn lực và tài chính khi đẩy nhanh tiến trình CĐS. Tuy nhiên, đối với cơ quan quản lý nhà nước thì chúng tôi cho rằng sự hỗ trợ lớn nhất vẫn nằm ở chính sách và các điều kiện về pháp lý. Trong lĩnh vực y tế và chăm sóc sức khỏe, điều chúng tôi luôn theo dõi sát và chờ đợi nhiều nhất là các chính sách và hướng dẫn cần thiết để đảm bảo rằng các hình thức cung cấp dịch vụ y tế và chăm sóc sức khỏe qua các phương thức số hóa được thúc đẩy và ngày càng trở nên phổ biến. Qua đó, eDoctor cũng được tham gia sâu hơn, thể hiện vai trò rõ ràng hơn và phục vụ một cách thiết thực cho việc cải thiện sức khỏe của người dân Việt Nam".
Còn Tấn thì cho rằng: "Cơ sở hạ tầng cho CĐS tại Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế. Mặc dù, Việt Nam có tốc độ phát triển Internet nhanh, nhưng việc phủ sóng vẫn đang tập trung ở các thành phố lớn. Các khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa chưa được đầu tư cũng như người dân tại các khu vực đó không có điều kiện sử dụng Internet. Cơ sở dữ liệu mở của Việt Nam hiện còn hạn chế, các hệ thống thông tin của nhiều bộ, ngành, địa phương hầu hết chưa sẵn sàng để kết nối, khai thác và chia sẻ. Để phát triển hạ tầng dữ liệu, cơ sở dữ liệu quốc gia cần được hoàn thiện, các cổng thông tin, nền tảng được mở rộng để tạo bệ phóng cho việc CĐS. Ngoài ra, cơ sở pháp lý hiện tại chưa sẵn sàng hoặc chưa đủ rõ ràng, khiến cho DN trong nhiều tình huống buộc phải chờ đợi, bỏ lỡ cơ hội phát triển.
Tuy còn nhiều khó khăn, thử thách nhưng các DN cho biết đang dần dần tiếp nhận, học cách "tồn tại", cố gắng thực hiện CĐS qua việc áp dụng các công cụ như điện toán đám mây (Cloud Computing, ChatBot, Blockchain hay công nghệ tương tác ảo AR và phần mềm quản trị DN...).
Để thực hiện chương trình CĐS của Thành phố và hỗ trợ cho các DN, Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM cho biết, TP.HCM đang đổi mới tư duy và thống nhất nhận thức về CĐS cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người dân và DN. Phát triển hạ tầng số (bao gồm hạ tầng viễn thông - công nghệ thông tin, hạ tầng Internet vạn vật, hạ tầng dữ liệu). Phát triển nền tảng số (bao gồm các nền tảng như nền tảng tích hợp và chia sẻ dữ liệu, nền tảng Internet vạn vật, nền tảng trí tuệ nhân tạo, nền tảng kết nối dịch vụ số hóa, nền tảng chuỗi khối (blockchain), nền tảng định danh điện tử và đảm bảo an toàn, an ninh thông tin. Triển khai nhóm nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế số gồm nhóm nhiệm vụ chung cho các DN (bao gồm phổ biến kiến thức về CĐS, hỗ trợ phát triển thương mại điện tử, thúc đẩy CĐS tại các DN), sứ mệnh của các DN CNTT-TT trong quá trình CĐS của Thành phố, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và triển khai chính quyền số phục vụ phát triển kinh tế số.
Ông Nguyễn Huy Dũng - Cục trưởng Cục Tin học hóa (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết: "Mắt xích quan trọng trong chương trình CĐS là giới thiệu và phát triển các nền tảng số Make in Vietnam. Ví dụ như để các DN Việt Nam có ngay những hạ tầng hiện đại băng thông rộng, tốc độ xử lý tính toán cao nhất phục vụ cho công việc, Bộ Thông tin và Truyền thông cho ra mắt nền tảng điện toán đám mây nguồn mở riêng của Việt Nam. Hay là sự ra mắt các nền tảng lập trình cho giao tiếp Stringee cho phép các DN giao tiếp với khách hàng trên chính các ứng dụng mobile (hoặc website) sẵn có mà không cần phải sử dụng các ứng dụng thứ ba. Hoặc để hỗ trợ thanh toán chi phí làm dịch vụ công trực tuyến, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng công bố Cổng hỗ trợ thanh toán quốc gia PayGov...".