Hơn 50% doanh nghiệp Việt Nam bị gián đoạn kinh doanh do biến đổi khí hậu
Chuyện làm ăn - Ngày đăng : 06:00, 16/09/2020
Báo cáo “Thích ứng để thành công: Đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đối với doanh nghiệp Việt Nam” do VCCI phối hợp Quỹ châu Á tại Việt Nam với sự hỗ trợ của Quỹ UPS thuộc Tập đoàn Chuyển phát nhanh Quốc tế UPS (Mỹ) cho thấy, trong số 10.356 doanh nghiệp tham gia khảo sát, tỷ lệ doanh nghiệp lựa chọn bị tác động bởi biến đổi khí hậu tương đối nhiều/rất nhiều cao nhất trong việc bị gián đoạn sản xuất kinh doanh, lên đến 54%. Kế đến là năng suất lao động bị giảm do thời tiết khắc nghiệt và suy giảm doanh thu, đều ở mức 51%.
Có tỷ lệ đáng kể doanh nghiệp phản ánh về bị gián đoạn kênh vận chuyển (46%) và tăng chi phí sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp (44%). Tiếp đến, không ít doanh nghiệp cho biết, có tác động tương đối nhiều/rất nhiều về khía cạnh mạng lưới phân phối bị đình trệ (38%), giảm chất lượng sản phẩm, dịch vụ (37%), thiệt hại cơ sở vật chất (34%) và thiếu hụt nhân lực (33%). Thậm chí, có tới 33% doanh nghiệp chịu tác động tương đối nhiều/rất nhiều của việc thiếu nguồn cung nguyên vật liệu sản xuất.
Phân tích những tác động cụ thể của rủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu lên doanh nghiệp theo vùng và lĩnh vực sản xuất kinh doanh cho thấy, nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản là ngành mà các doanh nghiệp chịu tác động lớn hơn cả. Cụ thể, các doanh nghiệp trong ngành này là nhóm chịu tác động từ rủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu lớn nhất tại vùng miền núi phía Bắc, duyên hải miền Trung, Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long. Đây cũng là ngành chịu tác động lớn thứ hai tại đồng bằng sông Hồng và Tây Nguyên.
Tác động cộng gộp của rủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu lên các hoạt động cụ thể của doanh nghiệp cho thấy những doanh nghiệp mới đi vào hoạt động là nhóm chịu tác động nhiều hơn. Theo đó, những doanh nghiệp có số năm hoạt động dưới 3 năm là nhóm bị tác động nhiều nhất, kế đến là các doanh nghiệp có số năm hoạt động từ 3-5 năm. Khi số năm hoạt động tăng, thì mức độ tác động có giảm đi, song lưu ý rằng kể cả với nhóm có số năm hoạt động từ 20 năm trở lên, mức độ tác động vẫn là tương đối lớn.
Tác động cụ thể của rủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu lên doanh nghiệp |
Trong số 7.643 doanh nghiệp cung cấp thông tin về tổng số ngày doanh nghiệp bị gián đoạn hoạt động và giá trị tổn thất chung (triệu đồng) do các hiện tượng rủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu trong năm vừa qua, thông thường các doanh nghiệp mất khoảng 7 ngày bị gián đoạn hoạt động (giá trị trung vị).
Nếu tính trung bình, thì số ngày bị gián đoạn hoạt động lên tới 16 ngày (giá trị trung bình). Một số doanh nghiệp cho biết số ngày bị gián đoạn trên 100 ngày (1,5% số doanh nghiệp trả lời), cá biệt có một vài trường hợp cho biết tổng số ngày gián đoạn hoạt động lên đến gần nửa năm. Dù là đo lường theo giá trị trung vị hay giá trị trung bình, doanh nghiệp dân doanh có số thời gian bị gián đoạn hoạt động cao hơn hẳn so với các doanh nghiệp FDI.
Tác động cụ thể của rủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu lên doanh nghiệp theo số năm hoạt động |
Bên cạnh đó, doanh nghiệp tại khu vực miền núi phía Bắc, Tây Nguyên và duyên hải miền Trung có số ngày bị gián đoạn hoạt động sản xuất kinh doanh do các hiện tượng của rủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu cao hơn đáng kể so với các vùng còn lại. Theo tính toán của nhóm nghiên cứu, về cơ bản thì các doanh nghiệp trong lĩnh vực khai khoáng là nhóm bị gián đoạn hoạt động nhiều nhất, kế đến là các doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng và nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản.
Trong số 6.225 doanh nghiệp cung cấp thông tin về tổng giá trị tổn thất trong năm vừa qua (triệu đồng) do các hiện tượng của rủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu, thông thường các doanh nghiệp bị thiệt hại khoảng 20 triệu đồng. Giá trị trung bình tổn thất đối với một doanh nghiệp là khoảng 95,2 triệu đồng, tuy nhiên một số doanh nghiệp có mức tổn thất rất lớn do đó kéo giá trị trung bình này lên ở mức trên.
Cụ thể, có gần 100 doanh nghiệp cho biết bị thiệt hại trên 1 tỷ đồng, chiếm khoảng 1,6% số doanh nghiệp cung cấp thông tin. Tương đối nhất quán với thước đo về số ngày bị gián đoạn hoạt động, giá trị tổn thất của các doanh nghiệp dân doanh là lớn hơn so với các doanh nghiệp FDI.
Cùng với đó, các doanh nghiệp ở vùng miền núi phía Bắc và duyên hải miền Trung chịu tổn thất cao nhất trong so với các nơi khác tại Việt Nam. Khai khoáng và nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản là những lĩnh vực có các doanh nghiệp cho biết có giá trị tổn thất cao nhất ở tất cả các vùng.