Các tập đoàn đa quốc gia: Tìm kiếm M&A
Quốc tế - Ngày đăng : 03:00, 28/09/2020
Hàng loạt thương vụ lớn
Ngày 19/9/2020, TikTok thông báo đã chuẩn bị thỏa thuận, trong đó Oracle đóng vai trò là nhà cung cấp công nghệ và Walmart là đối tác thương mại tại Mỹ của nền tảng chia sẻ video này. Thông báo được đưa ra chỉ một ngày trước khi lệnh cấm hoạt động có hiệu lực đối với TikTok, theo đó Bộ Thương mại Mỹ cho biết họ sẽ trì hoãn lệnh cấm tải TikTok từ các cửa hàng ứng dụng của Mỹ.
Trước đó đã có những thông tin cho thấy Microsoft đề nghị mua lại TikTok, nhưng đã vuột mất thỏa thuận này vào tay Oracle. Theo đó, hợp tác giữa TikTok, công ty phát triển phần mềm Oracle và nhà bán lẻ Walmart sẽ giải quyết các lo ngại về an ninh của Chính phủ Mỹ, cũng như các câu hỏi xung quanh tương lai của TikTok tại nước này.
Cũng trong ngành công nghệ, đầu tuần trước, thị trường xôn xao trước thông tin Nvidia Corp. đã đạt được thỏa thuận mua lại mảng sản xuất chip ARM của Tập đoàn SoftBank với giá 40 tỷ USD. Hãng sản xuất chip có trụ sở tại Anh đang nắm trong tay công nghệ điện tử được sử dụng phổ biến nhất toàn cầu. Đây cũng là thương vụ lớn nhất của ngành công nghiệp chế tạo bán dẫn từ trước đến nay, có thể mang về một khoản tiền lớn cho SoftBank.
Chỉ một ngày sau thương vụ Nvidia và ARM hé lộ, giới công nghệ lại đón nhận thông tin hai startup công nghệ gọi xe hàng đầu Đông Nam Á là Grab của Singapore và Gojek của Indonesia lại chuẩn bị đàm phán sáp nhập, theo đề nghị của một số cổ đông, bao gồm SoftBank. Trước đó, hồi tháng 2, cũng có tin Grab và Gojek đàm phán sáp nhập, nhưng SoftBank - cổ đông lớn của Grab đã phản đối kế hoạch này.
Tuy nhiên, giờ đây tỷ phú Son đã thay đổi quan điểm, ủng hộ sáp nhập, khả năng vì những khó khăn gần đây của SoftBank khi liên tiếp thất bại ở các thương vụ đầu tư khác, đơn cử là ở startup WeWork. Đáng lưu ý là tập đoàn thương mại điện tử Alibaba của Trung Quốc cũng đang đàm phán để đầu tư 3 tỷ USD vào Grab, theo đó có thể mua lại một số cổ phần của Grab hiện do Uber nắm giữ.
Không chỉ trong ngành công nghệ và lĩnh vực startup, những ngành truyền thống với các tập đoàn lâu đời như ngân hàng cũng chứng kiến khả năng M&A sắp tới. Đầu tuần trước, truyền thông quốc tế đưa tin UBS Group AG - ngân hàng lớn nhất Thụy Sĩ và Credit Suisse Group AG - tập đoàn có 164 năm tuổi đời trụ sở đặt tại Zurich, Thụy Sĩ, đang xem xét khả năng hợp nhất để tạo ra một trong những ngân hàng lớn nhất châu Âu.
Ngành ngân hàng châu Âu đang chịu áp lực phải hợp nhất bởi ảnh hưởng tiêu cực từ bởi đại dịch Covid-19. Ngân hàng CaixaBank SA và Bankia SA của Tây Ban Nha hồi đầu tháng cũng thông báo xem xét khả năng hợp nhất để tạo ra ngân hàng lớn nhất nước này khi sở hữu tổng tài sản lên tới 650 tỷ euro.
Khó hoàn tất sớm
Nếu như thương vụ hợp tác giữa TikTok, Oracle và Walmart là hệ quả đến từ những sức ép và lời đe dọa của chính quyền Tổng thống Trump, thì trong bối cảnh đại dịch Covid-19 hoành hành thời gian qua, trái với những doanh nghiệp bị thiệt hại nghiêm trọng và đứng trước nguy cơ phá sản, vẫn có những tập đoàn đa quốc gia tận dụng thời cơ và nỗ lực tìm kiếm các thương vụ thâu tóm và sáp nhập để tăng cường lợi thế cạnh tranh cũng như tiết giảm chi phí.
Tuy nhiên, các thương vụ có thể khó hoàn tất sớm như kỳ vọng, vì cả sức ép chính trị lẫn các lợi ích kinh tế. Đơn cử như thương vụ giữa Nvidia và ARM, khi cả hai công ty đều lo ngại khi cần sự phê duyệt của chính quyền Trung Quốc, Anh, Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ và có thể mất tới 18 tháng.
Trong đó, sự chấp phép từ chính quyền Trung Quốc là khó khăn nhất bởi bối cảnh căng thẳng với Mỹ hiện nay, khi mà việc ARM trở thành một công ty của Mỹ sẽ đẩy cuộc xung đột trong lĩnh vực bán dẫn giữa hai nước càng trở nên gay gắt, bởi Trung Quốc vẫn kiểm soát chi nhánh ARM ở nước này.
Hay như thương vụ hợp tác giữa TikTok với Oracle và Walmart, dù Tổng thống Trump tỏ ra hoan nghênh, nhưng ông gợi ý rằng thỏa thuận phải dẫn đến việc thành lập một công ty mới phụ trách các hoạt động của TikTok tại Mỹ, tuy nhiên Chính phủ Trung Quốc khó có khả năng sớm chấp thuận.
Trong khi đó, kế hoạch sáp nhập giữa Grab và Gojek dù bị cổ đông lớn là SoftBank thúc ép, nhưng cũng vấp phải sự phản đối từ một số giám đốc điều hành cấp cao của Grab. Các cơ quan quản lý hai nước cũng có thể không đồng ý với việc sáp nhập bởi một thương vụ như vậy có thể dẫn đến việc cắt giảm nhân lực trong thời điểm nền kinh tế Indonesia và Singapore đang gặp nhiều khó khăn vì dịch Covid-19. Vào tháng 6, Grab đã thông báo giảm 5% nhân sự trong nỗ lực cắt giảm chi phí giữa lúc tốc độ tăng trưởng chững lại.
Việc hợp nhất giữa Credit Suisse và UBS cũng sẽ phải đối mặt với những yêu cầu bổ sung về vốn và thanh khoản. Những khoản chi phí này được cho là lớn hơn chi phí tiết kiệm được từ việc sáp nhập giữa hai ngân hàng, bên cạnh những lo ngại về những rào cản trong việc chống độc quyền. Sự kết hợp giữa hai ngân hàng có thể dẫn đến cắt giảm từ 10-20% số nhân viên, tương đương 15.000 người hoặc cao hơn.