Việt Nam cần tập trung nội địa hóa sản phẩm

Trong nước - Ngày đăng : 04:00, 29/09/2020

Ông Takeo Nakajima - Trưởng Văn phòng Tổ chức Thương mại Nhật Bản tại Hà Nội (JETRO) khẳng định: "Việt Nam vẫn là đối tác quan trọng trong bối cảnh Nhật Bản triển khai kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp cải cách chuỗi cung ứng ở khu vực Đông Nam Á sau ảnh hưởng của dịch Covid-19".

* Việc ngài Suga Yoshihide làm Thủ tướng, chương trình cải cách chuỗi cung ứng của Nhật Bản có thay đổi nào không, thưa ông?

- Câu hỏi này không thuộc phạm vi trả lời của tôi, nhưng dù thủ tướng mới của Nhật Bản là ai thì Việt Nam vẫn luôn là một đối tác quan trọng, mối quan hệ giữa Nhật Bản và Việt Nam luôn tốt đẹp và gắn kết. 

Theo kế hoạch, các doanh nghiệp (DN) Nhật Bản sẽ xây dựng hệ thống sản xuất ở Trung Quốc, Nhật Bản và Việt Nam để đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Một số DN dịch chuyển sản xuất đến Việt Nam sẽ sản xuất những sản phẩm có giá trị gia tăng cao, đó là những sản phẩm đã được sản xuất tại Nhật Bản. Nhưng cũng có một số DN chưa có quyết định cụ thể, họ cần thời gian để đưa ra quyết định cho các dự án đầu tư mới. 

Ông Takeo Nakajima - Trưởng Văn phòng Tổ chức Thương mại Nhật Bản tại Hà Nội (JETRO)

Ông Takeo Nakajima - Trưởng Văn phòng Tổ chức Thương mại Nhật Bản tại Hà Nội (JETRO)

* Theo ông thì Việt Nam có vai trò thế nào trong chuỗi cung ứng mới của Nhật Bản?

- Tôi nghĩ rằng có một số điểm liên quan. Trong ngắn hạn, vấn đề đi lại giữa hai nước có thể được cải thiện. Nhưng trong trung hạn, Việt Nam phải cải thiện được tình trạng giá nhân công tăng và thiếu nhân lực chất lượng cao, những yếu tố cản trở DN Nhật Bản mở rộng sản xuất. Việt Nam có thể mở rộng việc đào tạo kỹ sư, cải thiện các văn bản pháp luật về lao động để khắc phục tình trạng thiếu hụt nhân lực. Luật Lao động của Việt Nam đang hạn chế làm thêm giờ, trong khi các DN FDI lại thiếu lao động. Việt Nam cần tăng tỷ lệ nội địa hóa trong một số sản phẩm. Ví dụ, khi DN FDI cần mua 100 sản phẩm nhưng DN Việt Nam chỉ đáp ứng được 35%, trong khi tỷ lệ này của Thái Lan là 60%, Trung Quốc là 70%. Các DN FDI Nhật Bản đang rất khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn linh kiện tại Việt Nam. Một điểm nữa, Việt Nam cần cung cấp nguồn điện chất lượng cao bởi nó đặc biệt quan trọng với DN sản xuất. Việc mất điện trong nháy mắt có thể làm máy móc hoạt động không chính xác, sản phẩm bị lỗi và gây tổn thất cho DN. 

* Nếu các công ty Nhật Bản chỉ mở rộng sản xuất tại Việt Nam thay vì đầu tư mới thì cơ hội cung cấp sản phẩm phụ trợ của DN Việt Nam sẽ như thế nào, thưa ông?

- Trong kế hoạch đa dạng hóa chuỗi cung ứng, Chính phủ Nhật Bản bước đầu đã hỗ trợ một khoản ngân sách nhất định cho DN Nhật Bản, nhưng tới đây sẽ không tập trung vào việc này mà sẽ hỗ trợ bằng cách tạo ra động lực để DN phát triển, như hỗ trợ DN thực hiện các cuộc khảo sát để tìm hiểu tình hình, giúp DN đưa ra quyết định đầu tư sát đúng. 

Với kế hoạch như vậy, Việt Nam nên tập trung vào vấn đề nội địa hóa. Chính phủ cần hỗ trợ để có nền công nghiệp phụ trợ phát triển. Muốn vậy, các chính sách cần hướng tới DN trong lĩnh vực này, đây là những DN có dây chuyền sản xuất phục vụ cho các DN lớn.

Tới đây, khi dịch Covid-19 được kiểm soát, các DN lớn của Nhật Bản sẽ tiếp tục đầu tư vào Việt Nam. Họ sẽ kéo theo một loạt DN vệ tinh, chủ yếu là DN vừa và nhỏ (SME). Trong số này, có những SME hàng đầu của Nhật Bản. Các khu công nghiệp của Việt Nam cần đưa ra chính sách ưu đãi để thu hút các SME của Nhật Bản. Họ đang có những hạn chế nhất định, như thiếu nhân lực và sự bất an khi đầu tư ra nước ngoài. 

* Theo ông, chuỗi cung ứng của Nhật Bản tại Việt Nam đang và sẽ diễn ra như thế nào?

- Trước khi dịch bùng phát, có 64% DN cho biết sẽ đến Việt Nam để đầu tư, cung cấp hàng hóa cho thị trường Việt Nam và xuất khẩu. Nhưng bây giờ, tại Nhật Bản tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến hết sức phức tạp, số người nhiễm vẫn tăng, nhiệm vụ hàng đầu bây giờ là dập được dịch càng nhanh càng tốt. Kế hoạch đầu tư của DN phụ thuộc vào kết quả kiểm soát dịch bệnh. Văn phòng JETRO tại Hà Nội, vào tháng 6/2020, đã khảo sát các DN Nhật Bản tại Việt Nam và nhận được trả lời không đồng nhất. Các DN ngành ô tô nói rằng việc phát triển sản xuất sẽ mất khá nhiều thời gian, nhưng những DN hàng hóa tiêu dùng lại cho rằng việc sản xuất, kinh doanh sẽ khôi phục nhanh hơn, có thể vào năm sau. 

Chúng tôi đánh giá cao những nỗ lực và thành công của Việt Nam trong công tác kiểm soát dịch bệnh. Không có DN nào của Nhật Bản phải ngừng sản xuất hay cắt giảm nhân công. Nhưng họ đang có những khó khăn nhất định do xuất khẩu hàng hóa chưa trở lại bình thường. Chúng tôi khuyến khích các DN lớn của Nhật Bản mở rộng thêm cơ sở sản xuất để đảm bảo chuỗi sản phẩm. 

* Cảm ơn ông! 

Nguyễn Huyền