Nhập khẩu đồ uống thực phẩm phải khai “nồng độ cồn”
Trong nước - Ngày đăng : 00:28, 01/10/2020
Cụ thể, qua kiểm tra, rà soát việc làm thủ tục hải quan đối với mặt hàng đồ uống có cồn (rượu, bia, mặt hàng đồ uống lên men khác) nhập khẩu trong thời gian qua cho thấy việc áp dụng chính sách quản lý hàng hóa nhập khẩu thực hiện không thống nhất.
Để đảm bảo thủ tục hải quan thực hiện đúng quy định tại Luật Hải quan, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Hải quan, Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia (có hiệu lực từ ngày 1/1/2020); Nghị định số 105/2017/NĐ-CP ngày 14/9/2017 của Chính phủ về kinh doanh rượu (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 17/2020/NĐ-CP ngày 5/2/2020), Tổng cục Hải quan hướng dẫn cụ thể một số nội dung liên quan đến xác định mặt hàng rượu, bia; về thủ tục hải quan nhập khẩu rượu.
Liên quan đến xác định mặt hàng rượu, bia, theo quy định tại Khoản 1, 2 Điều 2 Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia thì: “1. Rượu là đồ uống có cồn thực phẩm, được sản xuất từ quá trình lên men từ một hoặc hỗn hợp của các loại nguyên liệu chủ yếu gồm tinh bột của ngũ cốc, dịch đường của cây, hoa, củ, quả hoặc là đồ uống được pha chế từ cồn thực phẩm. 2. Bia là đồ uống có cồn thực phẩm, được sản xuất từ quá trình lên men từ hỗn hợp của các loại nguyên liệu chủ yếu gồm mạch nha (malt), đại mạch, nấm men bia, hoa bia (hoa houblon), nước”.
Theo Tổng cục Hải quan, căn cứ quy định trên thì các mặt hàng đồ uống có cồn thực phẩm, được sản xuất từ quá trình lên men đều thuộc sự điều chỉnh của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.
Do vậy, khi làm thủ tục hải quan đối với sản phẩm đồ uống thực phẩm, cục hải quan các tỉnh, thành phố hướng dẫn người khai hải quan khai cụ thể “nồng độ cồn” trên tờ khai hải quan để làm cơ sở áp dụng chính sách quản lý hàng hóa nhập khẩu.
Về thủ tục hải quan nhập khẩu rượu, hồ sơ nhập khẩu, gồm: các chứng từ theo quy định tại Điều 16 Thông tư số 38/2015/TT-BTC (được sửa đổi, bổ sung Thông tư số 39/2018/TT-BTC); bản chụp giấy phép phân phối rượu do Bộ Công Thương cấp đối với mặt hàng rượu có độ cồn từ 5,5 độ trở lên; đối với mặt hàng rượu có độ cồn dưới 5,5 độ, thương nhân chịu trách nhiệm thực hiện việc đăng ký với Phòng Kinh tế hoặc Phòng Kinh tế và Hạ tầng thuộc UBND cấp huyện nơi đặt trụ sở chính trước khi nhập khẩu và không phải nộp chứng từ này cho cơ quan hải quan khi làm thủ tục nhập khẩu; chứng từ chứng nhận an toàn thực phẩm.
Rượu nhập khẩu phải được dán tem và ghi nhãn hàng hóa theo quy định và chỉ được nhập khẩu qua các cửa khẩu quốc tế. Khi kiểm tra hồ sơ, công chức hải quan phải kiểm tra đối chiếu thông tin về: tên rượu, tên nhà cung cấp nước ngoài trên tờ khai hải quan, hóa đơn thương mại, chứng từ chứng nhận an toàn thực phẩm với giấy phép phân phối rượu do Bộ Công Thương cấp.
Đặc biệt, hiện còn tình trạng bộ hồ sơ hải quan gửi không đầy đủ (đặc biệt là chứng từ kiểm tra chuyên ngành, giấy phép...), gây khó khăn cho công tác kiểm tra của các đơn vị nghiệp vụ thuộc Tổng cục Hải quan. Do vậy, Tổng cục chỉ đạo các đơn vị yêu cầu người khai hải quan gửi đầy đủ các chứng từ thuộc hồ sơ hải quan qua hệ thống trước khi tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ.
Đồng thời các chi cục hải quan rà soát toàn bộ các tờ khai hải quan nhập khẩu mặt hàng đồ uống thực phẩm, mặt hàng nhập khẩu là rượu thì phải đáp ứng các điều kiện nhập khẩu theo quy định về điều kiện nhập khẩu rượu quy định tại Nghị định số 105/2017/NĐ-CP ngày 14/9/2017 của Chính phủ về kinh doanh rượu (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 17/2020/NĐ-CP ngày 05/02/2020).
Trường hợp phát hiện doanh nghiệp nhập khẩu không đáp ứng điều kiện nêu trên thì xử lý theo quy định và báo cáo kết quả rà soát về Tổng cục Hải quan.