Doanh nghiệp tư nhân sẽ tạo động lực cho kinh tế TP.HCM phát triển sau dịch Covid-19
Trong nước - Ngày đăng : 08:04, 04/10/2020
Chủ tịch Nguyễn Thành Phong khẳng định kinh tế tư nhân sẽ là động lực phát triển kinh tế TP vượt qua khó khăn. |
Tạo buổi tọa đàm “Khôi phục và phát triển kinh tế TP. Hồ Chí Minh trong bối cảnh diễn biến phức tạp của đại dịch Covid – 19 hiện nay” do Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong cho biết lần đầu tiên kinh tế thành phố tăng trưởng dưới 1,2%, lần đầu tiên có trên 27.000 doanh nghiệp giải thể và tạm ngưng hoạt động với số vốn đăng ký kinh doanh giảm hơn 140.000 tỷ đồng và làm giảm doanh số hoạt động sản xuất kinh doanh của thành phố hơn 21.000 tỷ đồng. Trong đó, du lịch chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, hơn 1.300 doanh nghiệp lữ hành sụt giảm cả số lượng hành khách lẫn doanh thu, nhiều doanh nghiệp phải chuyển loại hình kinh doanh khác hoặc đóng cửa, kéo theo hàng loạt tác động xã hội khác, nhất là tình trạng thất nghiệp đối với người lao động.
Tuy nhiên, sau 9 tháng khắc phục và vượt qua khó khăn đại dịch Covid-19, đến nay TP đã có hơn 6.000 doanh nghiệp hoạt động trở lại, 30.000 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 696.000 tỷ đồng, trong đó có 579 doanh nghiệp thành lập mới có số vốn đăng ký trên 100 tỷ đồng, điều đó đã cho thấy sức sống mãnh liệt của các doanh nghiệp Thành phố.
Theo người đứng đầu chính quyền TP, từ thực tiễn phát triển kinh tế qua 35 năm đổi mới, nhất là 15 năm gần đây cho thấy khu vực kinh tế tư nhân đã tạo nên luồng sinh khí mới, trở thành một động lực trực tiếp của tăng trưởng kinh tế. Với trên 438.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập, chiếm 32% cả nước, đóng góp 54% quy mô nền kinh tế và 67% tổng vốn đầu tư toàn xã hội của thành phố. Do đó, phục hồi kinh tế đối với thành phố hiện nay, trước mắt là phải phục hồi hoạt động của doanh nghiệp bởi chính doanh nghiệp là bộ phận quan trọng tạo ra của cải cho xã hội, tạo việc làm, đồng thời, đây cũng là bộ phận góp phần kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy giải ngân đầu tư công.
Tại buổi hội thảo, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (Huba) Chu Tiến Dũng nêu kết quả khảo sát của Huba về tình hoạt động của doanh nghiệp (tính đến thời điểm này) chỉ có 5% doanh nghiệp của TP hoạt động bình thường trở lại; 9% trong tình trạng cố gắng vượt khó khăn; 40% rất khó khăn và 40% còn lại đặc biệt khó khăn. Khảo sát cũng cho thấy 88% doanh nghiệp bị thu hẹp thị trường, 40% doanh nghiệp thiếu vốn trầm trọng, 14% bị đứt gãy chuỗi cung ứng và 52% buộc phải cắt giảm lao động. Đối với các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, khả năng tích lũy thấp, hầu hết nằm trong tình trạng phá sản hoặc thu hẹp quy mô ở mức thấp nhất.
Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM Chu Tiến Dũng kiến nghị hàng loạt giải pháp cho doanh nghiệp. |
Từ thực trạng trên, ông Chu Tiến Dũng kiến nghị TP cần thực hiện đồng bộ các giải pháp phục hồi kinh tế trên tinh thần đồng hành, chia sẻ rủi ro với doanh nghiệp theo quy mô từng ngành chứ không chỉ hô hào chung chung. Đẩy mạnh các chương trình kích cầu, thúc đẩy tiêu dùng và chi tiêu mua sắm đầu tư công. Gia hạn nộp thuế tiền thuê đất cho doanh nghiệp, cho vay trả lương người lao động, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, tăng cường, thúc đẩy chuyển đổi số nhanh chóng có hiệu quả... Đặc biệt, đối với các chính sách hỗ trợ, TP cần phải tách riêng gói giải cứu với gói đồng hành cùng doanh nghiệp phát triển. Trên cơ sở tạo cơ chế để các ngân hàng thực hiện nhiều biện pháp làm sao cho doanh nghiệp được vay nhiều hơn, lãi suất thấp hơn mới có thể thể nhanh chóng khôi phục sản xuât, kinh doanh. Ông Dũng cũng thẳng thắn đề xuất với lãnh đạo TP trong giai đoạn này nên hạn chế việc thanh, kiểm tra để doanh nghiệp tạp thung vào mục tiêu vượt khó, phục hồi sản xuất.
Ông Trần Anh Tuấn - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần công nghệ Sao Bắc Đẩu kiến nghị TP có chính sách hỗ trợ đầu tư đúng mức, bình đẳng, minh bạch để cộng đồng doanh nghiệp công nghệ thông tin đều có cơ hội tham gia chứ không chỉ dành sân chơi cho một số doanh nghiệp lớn trong ngành. Thực tế trong đại dịch vừa qua cho thấy việc đầu tư chuyển đổi số đã phát huy được thế mạnh, tạo sức tăng trưởng tốt.
Ông Nguyễn Cao Trí - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Q.1, đề xuất TP nên chọn ra 30 - 50 doanh nghiệp làm thí điểm cải cách thủ tục hành chính. Theo ông, khi làm thí điểm thành công sẽ nhân rộng ra, tạo hiệu quả thiết thực nhất để khơi thông nguồn vốn tư nhân, vực dậy kinh tế TP.
Cũng liên quan đến cải cách thủ tục hành chính, ông Trần Kim Chung - Chủ tịch HĐQT, Tổng giá đốc C.T Group còn kiến nghị TP nên tạo cơ chế cho doanh nghiệp có thể bỏ phiếu tín nhiệm đối với các sở ngành, cơ quan quản lý. Có như vậy mới công khai, minh bạch, nhanh chóng cải thiện thủ tục hành chính.