Gói hỗ trợ lần hai nên ưu tiên doanh nghiệp thực sự khó khăn, sắp giải thể hoặc phá sản

Trong nước - Ngày đăng : 01:23, 05/10/2020

Đó là đề xuất của ông Nguyễn Thành Biên, Phó Chủ tịch Hội Doanh nghiệp tỉnh Hòa Bình tại Diễn đàn Hợp tác - Liên kết và Phát triển doanh nghiệp khu vực phía Bắc lần thứ XIII năm 2020 vừa diễn ra ngày 4/10.
Gói hỗ trợ lần hai nên ưu tiên doanh nghiệp thực sự khó khăn, sắp giải thể hoặc phá sản

Diễn đàn Hợp tác - Liên kết và Phát triển doanh nghiệp khu vực phía Bắc lần thứ XIII năm 2020 do Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam chủ trì tổ chức thường niên, bắt đầu từ năm 2008.

Theo ông Biên, ngay sau đợt dịch Covid-19 bùng phát hồi đầu 2020, Chính phủ kịp thời đưa ra gói hỗ trợ lần 1, tuy nhiên, thời gian qua vẫn chưa đến với người lao động gặp khó khăn, trong khi các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ chưa tiếp cận được những khoản giãn nợ hay giãn thuế thu nhập doanh nghiệp. Nguyên nhân là do có nhiều điều kiện đưa ra chưa sát với thực tế, do đó, gói hỗ trợ lần 2 của Chính phủ nên ưu tiên giúp các doanh nghiệp thực sự khó khăn, sắp giải thể hoặc phá sản.

Trong 9 tháng đầu năm 2020, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, có hơn 70.000 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động và đóng cửa, trong đó chủ yếu là doanh nghiệp SMEs và hộ kinh doanh cá thể, ảnh hưởng tới công ăn việc làm của hơn 31 triệu lao động. Đây là những thách thức rất lớn đối với nền kinh tế. 

Tại Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết đang triển khai 3 chương trình lớn nhằm tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp, gồm đổi mới sáng tạo, liên kết doanh nghiệp và chuyển đổi số.

nguyen-tri-dung-JPG-1348-1601828494.jpg

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định: Doanh nghiệp rất quan trọng, đặc biệt quan trọng đối với nền kinh tế đất nước, đất nước muốn phát triển phải dựa vào doanh nghiệp. 

Ông Nguyễn Chí Dũng cho rằng chuyển đổi số là nền tảng quan trọng để đón làn sóng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong thời gian tới. Hiện nay, theo người đứng đầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư, làn sóng dịch chuyển chuỗi cung ứng đang diễn ra mạnh mẽ, các tập đoàn lớn có xu hướng dịch chuyển sản xuất chuyển sang các nước, trong đó có Việt Nam được họ quan tâm hàng đầu. Do đó, để tận dụng hết cơ hội, nâng cao năng lực cạnh tranh, doanh nghiệp cần đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, xem đây là nền tảng quan trọng tham gia sâu vào sân chơi toàn cầu.

Quyên Phạm