Hàng Việt vào Singapore có cơ hội đi tiếp tới thị trường hơn 1,8 tỷ dân

Chuyện làm ăn - Ngày đăng : 03:38, 08/10/2020

Với hệ thống kết nối 600 cảng biển, thông qua 200 tuyến vận chuyển tại 123 quốc gia cùng cộng đồng tiêu dùng 70% người là Hồi giáo, hàng Việt vào Singapore sẽ khai mở thị trường 1,8 tỷ người Hồi giáo trên toàn cầu.
Hàng Việt vào Singapore có cơ hội đi tiếp tới thị trường hơn 1,8 tỷ dân

Đưa hàng Việt vào trạm trung chuyển thế giới

Kể từ khi dịch Covid-19 diễn ra, Việt Nam được cho là thị trường bù đắp sự thiếu hụt hàng hoá cho Singapore. Trước đây, Singapore chủ yếu nhập khẩu rau củ tươi từ Malaysia nhưng vài năm trở lại đây, họ quan tâm nhiều đến thị trường Việt Nam. 

Theo Phòng Thương mại Việt Nam tại Singapore (Vietcham Singapore), năm 2019, có hơn 200 doanh nghiệp đưa hàng sang Singapore thông qua Vietcham Singapore với khoảng 400 loại sản phẩm như thực phẩm đóng hộp, nước đóng hộp, rau quả tươi như thanh long, bưởi... 9 tháng đầu năm nay, dù ảnh hưởng bởi dịch bệnh nhưng vẫn có hơn 150 doanh nghiệp xuất khẩu hàng vào Singapore. Các mặt hàng xuất khẩu phần nhiều thuộc hai lĩnh vực công nghệ, dịch vụ. 

Bà Trịnh Thị Bích Thảo - Giám đốc Công ty CP đầu tư Anni (thương hiệu Anni Coffee) cho biết, không xuất khẩu trực tiếp, công ty đẩy mạnh xuất khẩu online và vẫn ổn định với doanh thu bình quân 50.000 USD/năm. Hiện tại, cà phê là mặt hàng rất cạnh tranh tại thị trường này khi có sự góp mặt của nhiều thương hiệu Việt Nam, Thái Lan, Indonesia… 

Thị trường cạnh tranh nên không dễ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam đưa hàng vào đảo quốc sư tử. Bà Bích Thảo cho biết, công ty phải mất nhiều thời gian để tìm hiểu, nghiên cứu và cuối cùng phải tìm đến với Vietcham Singapore. Bởi “Sản phẩm Việt Nam có chất lượng, nguyên liệu tốt nhưng không đủ khả năng làm marketing, làm thương hiệu. Với những doanh nghiệp nhỏ, việc gầy dựng hệ thống phân phối và chăm sóc khách hàng là điều khó khăn. Hơn nữa, chi phí đưa hàng vào hệ thống bán lẻ hiện đại ở Singapore rất lớn, là thách thức khá lớn cho doanh nghiệp”.

Để được vào thị trường Singapore, sản phẩm phải chịu sự kiểm soát nghiêm ngặt về tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, chất lượng, mẫu mã và bao bì… Nhưng khi vào được, cơ hội mở ra rất lớn. 

Với hơn 6 triệu dân và 5 triệu du khách mỗi năm, Singapore không phải là thị trường lớn nhưng đây là bước đệm xuất khẩu đi các thị trường khác vì quốc đảo này là trung tâm dịch vụ, nơi đặt trụ sở của các công ty lớn về thực phẩm và nông sản quốc tế.

Không chỉ vậy, cảng biển Singapore được kết nối với 600 cảng tại 123 quốc gia, thông qua 200 tuyến vận chuyển. Singapore là một thương cảng tự do và có độ mở rất lớn, gần như không có hạn chế nào với nhập khẩu, cũng không có bất cứ rào cản phi thuế quan nào ngoài những tiêu chuẩn được các tổ chức quốc tế quy định (OIE và Codex). Hơn 99% hàng nhập khẩu vào Singapore được miễn thuế (trừ ô tô, xăng dầu, rượu, thuốc lá). Singapore được đánh giá là thị trường có nhiều thuận lợi cho hoạt động thương mại, với các đặc điểm nổi bật như thủ tục xuất khẩu đơn giản, thói quen mua hàng online từ nước ngoài.

Ông Phillip Phùng - Giám đốc khu vực Đông Dương của Vietcham Singapore cho biết, khoảng 4 -5 năm trở lại đây, hàng Việt vào Singapore ngày càng nhiều. Và hơn một nữa các doanh nghiệp tìm đến với Vietcham Singapore là muốn lấy Singapore làm trung tâm để thực hiện các giao dịch thương mại. Hàng hoá có thể không vào Singapore mà lấy đó làm trạm trung chuyển thương mại sang một nước thứ ba.

ca-phe-6031-1602132767.jpg

Cà phê Việt đang chinh phục thị trường Singapore nhưng cũng bị cạnh tranh gây gắt bởi cà phê Indonesia và Thái Lan

Thâm nhập thị trường hơn 1,8 tỷ dân

Singapore được xem là trung gian về vận chuyển, giao nhận của quốc tế. Hàng hóa vào được quốc gia này được công nhậ nhận chất lượng để đi tiếp vào các thị trường khác. Với 220 đối tác nhập khẩu trên thế giới, riêng trong lĩnh vực thực phẩm, rau củ quả, đảo quốc này có quan hệ nhập khẩu với 170 nước.

Một điều đáng lưu ý nữa là hàng Việt vào Singapore không chỉ bán cho thị trường 5 triệu dân của đảo quốc này mà còn cho hàng tỷ người Hồi giáo trên toàn thế giới. Vì khi có chứng nhận Halal (chứng nhận sản phẩm, dịch vụ không sử dụng các thành phần Haram - chất cấm theo quy định của luật Hồi giáo), sản phẩm sẽ được người Hồi giáo tin dùng. Tại Singapore, có 15% dân số theo đạo Hồi và tại các nước Indonesia, Malaysia, Brunei thì tỷ lệ người Hồi giáo lên tới 70% và hiện cộng đồng người Hồi giáo thế giới có khoảng 1,8 tỷ người đang sinh sống ở 57 quốc gia.

Ông Ramlan Osman - CEO Công ty Vietnam Halal Center cho biết, hiện có khoảng 3.000 tỷ USD hàng hoá có chứng nhận Halal đang lưu hành trên khắp thế giới. Hàng hoá Việt Nam nếu có chứng nhận Halal có thể thâm nhập được rất nhiều nước khác ngoài Singapore. “Làm thế nào để các doanh nghiệp thấy được tầm quan trọng của việc phải có được giấy chứng nhận Halal để làm cho bước chuẩn bị để đến năm 2021 có thể xuất khẩu đi”, ông Ramlan Osman nhấn mạnh.

Ông Kanthiban Rajasegran - Giám đốc Công ty Business Engineers Asia cho biết thêm rằng, thị trường Halal hiện không chỉ phát triển ở những quốc gia hồi giáo chiếm đa số mà cả những quốc gia khác như Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc… Các sản phẩm có chứng nhận Halal không chỉ được áp dụng trong thực phẩm mà còn mở rộng ra các mặt hàng thời trang, y tế, du lịch, thậm chí là các ngành tài chính, công nghệ. Dự báo, thị trường này đạt 1 tỷ USD vào năm 2030.

Việt Nam xếp thứ 22 trong số các quốc gia xuất khẩu nhiều hàng hóa vào Singapore. Năm 2019, kim ngạch xuất nhập khẩu thương mại hai chiều Việt Nam - Singapore đạt gần 7,289 t USD.Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Singapore đạt gần 3,198 t USD, tăng 0,1%; nhập khẩu của Việt Nam từ Singapore đạt 4,091 t USD, giảm 9,6% so với năm trước.

8 tháng đầu năm 2020,kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Singapore đạt 1,80 tỷ USD.Nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đứng đầu trị giá xuất khẩu, thu về 299,92 triệu USD, chiếm 16,60 tỷ trọng trong tổng xuất khẩu hàng hóa sang thị trường này. 

Minh Hào