Bà Võ Thị Trung Trinh - Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông: TP.HCM đã số hóa được khoảng 60% sổ hộ tịch

Trong nước - Ngày đăng : 06:10, 09/10/2020

TP.HCM đã bước vào giai đoạn hai của Đề án Đô thị thông minh. Tuy nhiên, nhiều người dân đến nay chưa hiểu như thế nào là đô thị thông minh và họ được lợi gì từ Đề án này? Bà Võ Thị Trung Trinh - Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP đã có những chia sẻ cụ thể xung quanh vấn đề này.
Bà Võ Thị Trung Trinh - Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông: TP.HCM đã số hóa được khoảng 60% sổ hộ tịch

Bà Võ Thị Trung Trinh, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông.

Các địa phương đều đang triển khai đề án Đô thị thông minh, vậy Đề án của TP.HCM có gì khác biệt?

TP.HCM triển khai đề án Đô thị thông minh từ cuối năm 2017, giúp người dân cùng tham gia vào hoạt động quản lý chính quyền của TP, tham gia vào hoạt động cung cấp dịch vụ công. Ví dụ như tổng đài 1022 là ghi nhận, tiếp nhận những ý kiến phản ánh của người dân về trật tự đô thị, vỉa hè, giao thông. Ở cấp quận, huyện đã tăng cường các ứng dụng trực tuyến để người dân dễ dàng phản ánh nguyện vọng, ví dụ khi thấy một cái hố ga mất nắp, thấy một điểm đen về rác thì phản ánh cho cơ quan chức năng thông qua các ứng dụng trực tuyến…

Thứ hai, TP tập trung vào số hóa dữ liệu. Đây là vấn đề lớn trong Đề án, mục tiêu sẽ xây dựng kho dữ liệu dùng chung, trên cơ sở đó các sở ngành tích hợp dữ liệu của mình vào và chia sẻ dữ liệu đó để tăng cường hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước. Từ  dữ liệu này sẽ hình thành dịch vụ hành chính công trực tuyến và tiến tới công khai cho người dân và doanh nghiệp cùng khai thác sử dụng.

Đây là hai đặc điểm khác biệt của TP. HCM khi triển khai đề án Đô thị thông minh, tập trung vào mục tiêu trước mắt là làm sao để người dân cảm nhận được sự thay đổi hàng ngày của Thành phố thông qua sự hoàn thiện không ngừng các dịch vụ công.

Người dân họ quan tâm đến những dịch vụ công như khai báo nhân khẩu, khám chữa bệnh… Những dịch vụ như vậy đã đạt được "mức độ thông minh chưa?

Vấn đề này, ở cục bộ vài quận huyện đã có nỗ lực nhất định. Ví dụ như bệnh viện quận Bình Thạnh thực hiện quản lý hồ sơ bệnh án điện tử. Các phường ở quận 12, quận Bình Tân đã xây dựng được kho dữ liệu liên thông, người dân phường này có thể khai báo dịch vụ liên thông qua phường khác.

Trong dài hạn, TP hướng tới những dịch vụ công không chỉ dừng lại ở nỗ lực của các quận, huyện mà phải của cả hệ thống chính quyền TP. Đó là lí do đến thời điểm này TP đã số hóa được khoảng 60% sổ hộ tịch, dự kiến đến tháng 6/2021 kho dữ liệu này sẽ đưa vào khai thác.

Đây là cơ sở hết sức quan trọng bên cạnh cơ sở dữ liệu dân cư mà Bộ Công an đang xây dựng. Khi hai cơ sở dữ liệu này kết hợp với nhau cho phép người dân, doanh nghiệp chỉ cần khai báo một nơi và sử dụng liên thông nhiều nơi. Khi số hóa được hệ thống dữ liệu, thay vì trao đổi bằng văn bản, cơ quan quản lý nhà nước sẽ xác nhận thông tin của người dân qua các kênh dữ liệu. Thời gian xử lý thủ tục hành chính sẽ rút ngắn.

Hồ sơ hộ tịch, sức khỏe  y tế...là một trong những dịch vụ đang được TP.HCM đẩy mạnh số hóa.

Hồ sơ hộ tịch, sức khỏe y tế...là một trong những dịch vụ đang được TP.HCM đẩy mạnh số hóa.

Điều quan trọng hơn, trên cơ sở dữ liệu người dân thì các sở, ngành sẽ phát triển dữ liệu chuyên sâu. Ví dụ như y tế đang triển khai hai dự án lớn, trong đó có dự án dữ liệu hồ sơ sức khỏe, có thể ghi nhận diễn tiến sức khỏe học đường của học sinh. Quan trọng hơn, trên cơ sở đó chúng ta đưa ra những dự báo liên quan đến chính sách sau này như sức khỏe sinh sản, phát triển các vấn đề giới tính, hay là hồ sơ khám bệnh điện tử liên thông trong hệ thống các bệnh viện.

Còn với ngành giáo dục, trong đề án giáo dục thông minh, việc xây dựng dữ liệu dân cư trong độ tuổi đến trường sẽ giúp công tác quản lý đưa ra những chính sách dự báo. Ví dụ năm nay quận này có 300 trẻ trong độ tuổi vào lớp 1 nhưng dựa trên cơ sở dữ liệu người dân thì chính quyền có thể dự báo sau 5 năm nữa thì cần có bao nhiêu trường học để đáp ứng được nhu cầu trẻ đến lớp.

Như vậy thay vì chúng ta bị động, chạy theo xử lý vấn đề khủng hoảng về trường lớp, bệnh viện thì trên cơ sở dữ liệu, chúng ta xây dựng kế hoạch, chuẩn bị nguồn lực từ sớm.

Đây là nội dung quan trọng trong giai đoạn 2020- 2025 mà TP.HCM hướng đến. Bên cạnh những tiện ích cho người dân khi tiếp cận các dịch vụ công thì các ngành như y tế, giáo dục sẽ có bước chuyển đổi quan trọng trong công tác quản lý của mình hướng đến môi trường số, nơi đó những cải cách phải đạt được mục tiêu nâng cao chất lượng phục vụ cho khách hàng của mình, đó chính là người dân.

Còn với doanh nghiệp, cơ hội tham gia thực hiện các cấu phần trong Đề án Đô thị thông minh của TP.HCM như thế nào?

TP tập trung vào ban hành các khung kiến trúc, các quy chuẩn để triển khai đô thị thông minh. Trên cơ sở đó, chúng ta đi vào những dự án cụ thể và công khai mời gọi doanh nghiệp có nhu cầu, có năng lực cung cấp các ứng dụng, công nghệ, kể cả những tư vấn cho TP triển khai đề án này. Hiện nay, TP đã ban hành kiến trúc chính quyền điện tử, trong đó có kiến trúc công nghệ được ứng dụng triển khai rất cụ thể những quy chuẩn, mô hình tham chiếu. Thông qua kênh thông tin này, doanh nghiệp có thể đối chiếu vào thế mạnh của mình, có khả năng đáp ứng tiêu chuẩn của TP không… Chủ trương là tất cả sản phẩm, dịch vụ liên quan đến Đề án Đô thị thông minh là đấu thầu rộng rãi công khai.

Nguyễn Tâm