Tiếp tục cải cách để thị trường "thị trường" hơn
Trong nước - Ngày đăng : 09:27, 11/10/2020
TS. Nguyễn Đình Cung - thành viên Tổ Tư vấn Kinh tế của Thủ tướng |
* Chính phủ đang tiếp tục cải cách thể chế kinh tế nhằm thúc đẩy phát triển sau đại dịch Covid-19. Ông nhận xét thế nào về chính sách này?
- Cải cách thể chế kinh tế thực chất là mở không gian cho thị trường hoạt động và làm cho thị trường vận hành tốt hơn, cho người dân tự do kinh doanh. Nhưng cải cách thể chế kinh tế cũng đồng nghĩa với việc thu hẹp quyền lực của Nhà nước một cách tương đối. Chức năng và nhiệm vụ của Nhà nước cũng sẽ thay đổi để phù hợp với mối quan hệ giữa Nhà nước và thị trường.
Cải cách kinh tế ở nước ta, nếu tính từ năm 1986 đến bây giờ đã là 35 năm. "Khoán 100" và "khoán 10" đã làm thay đổi vai trò quản lý của Nhà nước, tạo ra động lực cho người lao động và nhà đầu tư mở rộng sản xuất, tăng thu nhập.
Mốc thứ hai ghi nhận thay đổi vai trò quản lý của Nhà nước là giai đoạn 1989-1992, khi nhiều giải pháp được đưa ra nhằm giảm lạm phát đang ở mức rất cao, có năm hơn 700%. Nguyên tắc loại bỏ những doanh nghiệp kém cỏi ra ngoài thị trường được áp dụng, khu vực kinh tế tư nhân bắt đầu phát triển dựa trên nền tảng Luật Doanh nghiệp tư nhân1990. Việc doanh nghiệp được kinh doanh tất cả những gì Nhà nước không cấm đã làm thay đổi hẳn vai trò quản lý của Nhà nước. Đây là giai đoạn cải cách doanh nghiệp nhà nước mạnh mẽ nhất trong quá trình cải cách kinh tế của Việt Nam, từ 12.000 doanh nghiệp giảm xuống còn một nửa.
Việt Nam vừa cải cách kinh tế trong nước vừa hội nhập kinh tế quốc tế. Thị trường tiếp tục tốt lên sau mỗi lần cải cách. Đặc biệt, nhiệm kỳ này, Chính phủ đã tập trung vào cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh để làm cho thị trường vận hành tốt hơn, thúc đẩy kinh tế phát triển bền vững hơn. Nếu không có Covid-19 thì kinh tế nước ta tiếp tục đà tăng trưởng khá cao.
* Theo ông thì trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, Việt Nam nên cải cách thể chế kinh tế theo hướng nào?
- Kinh nghiệm của 35 năm qua, Việt Nam chắc chắn tiếp tục phải cải cách nền kinh tế theo thị trường và làm cho kinh tế thị trường vận hành tốt hơn nữa. Hiện nay, Việt Nam đã chọn cải cách thể chế, xem cải cách thể chế là một đột phá chiến lược và đó là hướng đi đúng. Thực tế phát triển của kinh tế thế giới đã chứng minh rằng, loại thể chế và chất lượng thể chế là yếu tố quyết định, tạo nên sự thành công của nền kinh tế quốc gia.
Đặt vào điều kiện của Việt Nam hiện nay, theo tôi, nền kinh tế nước ta vẫn phải cải cách và chuyển đổi mạnh hơn sang kinh tế thị trường. Thời gian cho 35 năm chuyển đổi nền kinh tế có lẽ đã đủ, kế hoạch 5 năm tới cần kết thúc quá trình này. Các nghị quyết đều đã nói thị trường Việt Nam phát triển theo chuẩn mực và thông lệ quốc tế, hướng đến nền kinh tế thị trường phát triển.
* Nhưng cần làm gì và làm thế nào để thị trường càng "thị trường" hơn, thưa ông?
- Đó là vấn đề khó cải cách nhất. Việt Nam có thị trường hàng hóa, thị trường dịch vụ, về cơ bản đang vận hành tốt. Nhưng các thị trường nhân tố sản xuất là những yếu tố quyết định, bao gồm thị trường vốn, đất đai, trí tuệ... Những thị trường nhân tố sản xuất này của Việt Nam đang kém phát triển.
Việt Nam phải cải cách được những nhân tố sản xuất mới có thể phát triển bền vững. Nguồn lực phải được phân bố vào các chương trình phát triển có hiệu quả nhất. Khi nguồn lực được sử dụng hiệu quả sẽ mang lại giá trị tài sản và từ đó được mở rộng ra nền kinh tế.
Hiện nay, thị trường nhân tố sản xuất đang phân bổ theo hướng xin - cho. Mảng năng lượng tái tạo là ví dụ. Làm sao để doanh nghiệp đến sau tiếp cận được cơ hội kinh doanh một cách công bằng và kinh doanh có lợi nhuận. Đây là nút thắt quan trọng của nền kinh tế Việt Nam, cần sớm cải cách để phát triển. Việt Nam khuyến khích kinh tế tư nhân phát triển, nhưng khu vực này chỉ phát triển được khi các thị trường nhân tố sản xuất được mở rộng, vì chỉ khi đó họ mới tiếp cận được nguồn lực. Cải cách cũng cần chú ý đến an toàn trong kinh doanh đối với khu vực kinh tế tư nhân. Rủi ro về thể chế khiến người kinh doanh không an toàn đầu tư. Thay đổi điều này khi hệ thống tư pháp chưa thể độc lập, nước ta nên cải cách ít nhất về mặt hành chính để giải quyết các tranh chấp, bảo vệ lợi ích của các nhà đầu tư.
* Cảm ơn ông!