Đón 15 triệu lượt khách nội địa
Du lịch - Ngày đăng : 06:00, 14/10/2020
Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa - Phó giám đốc Sở Du Lịch TP.HCM |
Theo Sở Du lịch TP.HCM, mặc dù đến thời điểm này, có khoảng 40-50% doanh nghiệp (DN) du lịch TP.HCM hoạt động trở lại để chuẩn bị cho chương trình kích cầu lần hai và mùa du lịch cuối năm. Bên cạnh khách lẻ, khách gia đình, các DN lữ hành bắt đầu nhận được các đoàn khách. Tuy nhiên, do ảnh hưởng khó khăn của dịch Covid-19 hai đợt qua nên một số DN hoạt động trở lại chủ yếu thăm dò thị trường, một số vẫn còn khó khăn khi tổ chức các đoàn khách lớn.
Theo bà Nguyễn Thị Ánh Hoa - Phó giám đốc Sở Du Lịch TP.HCM: “TP.HCM phát động chương trình kích cầu du lịch lần hai nhằm hưởng ứng chương trình kích cầu du lịch nội địa những tháng cuối năm 2020 do Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch phát động theo chủ đề “Du lịch Việt Nam an toàn, hấp dẫn”. Đồng thời, hưởng ứng chủ đề năm 2020 - “Năm đẩy mạnh hoạt động văn hóa và xây dựng nếp sống văn minh đô thị” và chào mừng Đại hội Đảng bộ của Thành phố.
Chương trình lần này nhằm mục đích kích thích nhu cầu đi du lịch của người dân, giá cả chỉ là một trong các yếu tố để thúc đẩy. Do đó, ngoài việc chuẩn bị hơn 300 chương trình du lịch giá ưu đãi, các sản phẩm du lịch trong chương trình kích cầu lần hai còn chú trọng đáp ứng hai nhu cầu quan trọng của du khách là đi du lịch an toàn và có những trải nghiệm thú vị sau mỗi chuyến đi.
Bà Hoa cũng cho biết, trong đợt kích cầu lần hai này, Sở Du lịch TP.HCM phát động chương trình các DN du lịch TP.HCM cam kết thực hiện bộ tiêu chí an toàn của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM nhằm tăng nhận thức và trách nhiệm của DN du lịch trong việc đảm bảo an toàn cho du khách; từ đó tạo sự yên tâm cho du khách khi lựa chọn chương trình du lịch.
Theo bà Hoa, chương trình kích cầu du lịch lần hai vẫn theo thông điệp “TP.HCM - sống động từng trải nghiệm”. Tuy nhiên, có nhiều chương trình nhánh mới như “Người TP.HCM đi du lịch TP.HCM” và “TP.HCM nghĩa tình - du lịch san sẻ yêu thương”... Theo đó, tập trung vào những sản phẩm du lịch tham quan tại TP.HCM trong ngày, hai ngày, ba ngày với nhiều phân khúc cao cấp, trung cấp, bình dân. Bên cạnh đó, DN chú trọng phân khúc sản phẩm ngắn ngày dành cho nhóm nhỏ gia đình, sản phẩm du lịch theo yêu cầu của du khách. Chẳng hạn, Saigontourist mở tour đi bằng buýt sông đến khu du lịch Bình Quới, thưởng thức ẩm thực dân gian và nghỉ đêm tại Bình Quới. Công ty Du lịch TST kết hợp với Saigon Water Bus và Bảo tàng Áo dài để du khách trải nghiệm Sài Gòn từ sông...
Ngoài ra, còn có các gói sản phẩm đa dạng của các khách sạn, bảo tàng, khu Đầm Sen, Land Mark... và các combo liên kết giữa các đơn vị để tạo nên sản phẩm du lịch TP.HCM hấp dẫn. Ví dụ, khách sạn Sofitel có chương trình một ngày làm đầu bếp nhí, khu nghỉ dưỡng Mia quận 2 có chương trình nghỉ dưỡng kết hợp trải nghiệm học nấu ăn... Bên cạnh đó, còn có những sản phẩm du lịch TP.HCM liên kết với vùng Đông Nam Bộ, với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long để đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách.
Đối với chương trình “Người TP.HCM đi du lịch TP.HCM”, Sở Du Lịch TP.HCM đang phối hợp với Hiệp hội Du lịch TP.HCM và các DN chuẩn bị sẵn khá nhiều sản phẩm để khuyến khích người dân đi du lịch tại chỗ để hiểu và yêu hơn về thành phố nơi mình sinh sống và làm việc. Qua đó, góp phần quảng bá cho điểm đến TP.HCM và hỗ trợ cho DN du lịch "hồi sinh".
Sở Du Lịch TP.HCM cũng phối hợp với các quận, huyện tổ chức cho những người yếu thế như trẻ em mồ côi, người khuyết tật... du lịch miễn phí với những chương trình hấp dẫn, chất lượng tại TP.HCM.
Để doanh nghiệp du lịch có đủ nguồn lực để tiếp tục hoạt động và chương trình kích cầu mang lại hiệu quả, bà Hoa cho rằng, với gói hỗ trợ lần hai đang được Chính phủ đề xuất, hiện tại các DN du lịch TP.HCM rất mong được hỗ trợ với ba nhóm chính sách.
Thứ nhất, với chính sách thuế, phí đã ban hành trong đợt một vừa rồi, DN mong muốn tiếp tục được gia hạn. Chẳng hạn, hỗ trợ cho các DN kinh doanh dịch vụ du lịch chậm nộp thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng năm 2020 từ 6-12 tháng... Tiếp tục giảm một số loại phí trong đợt một và gia hạn thời gian cho đợt hai.
Thứ hai là nhóm tiền tệ - tài khóa, DN rất mong tháo gỡ quy trình thủ tục vì đợt một đã gặp khó khăn trong tiếp cận khi phải chứng minh doanh thu, tài sản thế chấp... Do đó, DN mong gói hỗ trợ lần hai có phương thức linh hoạt hơn để có thể tiếp cận vốn vay ngân hàng bằng tín chấp.
Thứ ba là những chi phí dịch vụ cố định như điện, nước, Internet tiếp tục được giảm và mở rộng đối tượng được giảm.
Đặc biệt, DN mong Nhà nước hỗ trợ công tác truyền thông để người dân có thể an tâm đi du lịch trở lại, truyền thông về các điểm đến an toàn, truyền thông các sản phẩm du lịch của DN.
Bên cạnh gói hỗ trợ của Chính phủ, TP.HCM có gói hỗ trợ lần hai cho người lao động, DN bị ảnh hưởng vì Covid-19 trong đó có DN du lịch. Sở Du lịch TP.HCM đang phối hợp với các sở, ngành đề xuất các gói hỗ trợ riêng cho DN du lịch vay trả lương cho người lao động và hỗ trợ dành cho chương trình kích cầu du lịch lần hai này.
“Đây cũng là động lực để DN làm mới sản phẩm, tăng tính hấp dẫn của du lịch TP.HCM nói riêng cũng như các sản phẩm du lịch mà Thành phố liên kết với các tỉnh. Qua đó hỗ trợ cho DN kinh doanh dịch vụ du lịch dần phục hồi, để du lịch tiếp tục góp phần vào tăng trưởng GDP của Thành phố”, bà Hoa nói.
Bà cho biết thêm, hiện Sở Du lịch TP.HCM đã đề ra hai kịch bản, đang vận hành theo kịch bản thứ nhất khi dịch được kiểm soát vào tháng 9 cùng với chương trình kích cầu du lịch lần hai, dự kiến đến cuối năm TP.HCM có thể đón 15 triệu lượt khách du lịch nội địa. Doanh thu du lịch vào cuối năm đạt hơn 80 nghìn tỷ đồng.
Riêng với khách du lịch quốc tế phụ thuộc vào lộ trình mở đường bay thương mại quốc tế của Chính phủ. Ngành du lịch TP.HCM đã chuẩn bị các sản phẩm đáp ứng cho từng phân khúc khách hàng như các chuyên gia nước ngoài, khách đến TP.HCM trên các chuyến bay thương mại”.