Những khác biệt giữa Luật Doanh nghiệp 2020 và Luật Doanh nghiệp 2014 (Tiếp theo kỳ trước)
Pháp luật - Ngày đăng : 01:00, 16/10/2020
Theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2020 thì doanh nghiệp (DN) có các quyền gì? Khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật thì DN có quyền tố cáo không?
Điều 7 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định về quyền của DN gồm:
1. Tự do kinh doanh ngành, nghề mà luật không cấm.
2. Tự chủ kinh doanh và lựa chọn hình thức tổ chức kinh doanh; chủ động lựa chọn ngành, nghề, địa bàn, hình thức kinh doanh; chủ động điều chỉnh quy mô và ngành, nghề kinh doanh.
3. Lựa chọn hình thức, phương thức huy động, phân bổ và sử dụng vốn.
4. Tự do tìm kiếm thị trường, khách hàng và ký kết hợp đồng.
5. Kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu.
6. Tuyển dụng, thuê và sử dụng lao động theo quy định của pháp luật về lao động.
7. Chủ động ứng dụng khoa học và công nghệ để nâng cao hiệu quả kinh doanh và khả năng cạnh tranh; được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ.
8. Chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản của doanh nghiệp.
9. Từ chối yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân về cung cấp nguồn lực không theo quy định của pháp luật.
10. Khiếu nại, tham gia tố tụng theo quy định của pháp luật.
11. Quyền khác theo quy định của pháp luật.
Điều 7 Luật Doanh nghiệp 2020 có 11 khoản, tương ứng với 11 quyền của DN, so với Luật Doanh nghiệp 2014 thì giảm bớt một quyền. Theo quy định tại Luật Doanh nghiệp 2014 thì DN có quyền “Khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo”. Tuy nhiên, tại Luật Doanh nghiệp 2020 thì quy định này đã bị bãi bỏ. Như vậy, kể từ ngày 1/1/2021, DN sẽ không có quyền tố cáo theo quy định của pháp luật về tố cáo mà chỉ còn được khiếu nại và tham gia tố tụng theo quy định của pháp luật. Việc bỏ quy định này để phù hợp, đồng bộ với Luật Tố cáo 2018, bởi lẽ tố cáo là việc cá nhân theo quy định của luật này là báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền biết về hành vi vi phạm pháp luật của bất kỳ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân (Khoản 1 Điều 2).
Như vậy, khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật thì DN không có quyền tố cáo mà chỉ được khiếu nại và tham gia tố tụng theo quy định của pháp luật, và các cá nhân trong DN nếu phát hiện hành vi vi phạm thì thực hiện việc tố cáo theo Luật Tố cáo 2018.
Theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2020 thì DN có các nghĩa vụ gì?
Điều 8 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định về nghĩa vụ của DN như sau:
1. Đáp ứng đủ điều kiện đầu tư kinh doanh khi kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện; ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của pháp luật và bảo đảm duy trì đủ điều kiện đó trong suốt quá trình kinh doanh.
2. Thực hiện đầy đủ, kịp thời nghĩa vụ về đăng ký DN, đăng ký thay đổi nội dung đăng ký DN, công khai thông tin về thành lập và hoạt động của DN, báo cáo và nghĩa vụ khác theo quy định của luật này.
3. Chịu trách nhiệm về tính trung thực, chính xác của thông tin kê khai trong hồ sơ đăng ký DN và các báo cáo; trường hợp phát hiện thông tin đã kê khai hoặc báo cáo thiếu chính xác, chưa đầy đủ thì phải kịp thời sửa đổi, bổ sung các thông tin đó.
4. Tổ chức công tác kế toán, nộp thuế và thực hiện các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật.
5. Bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động theo quy định của pháp luật; không phân biệt đối xử, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người lao động trong DN; không ngược đãi lao động, cưỡng bức lao động hoặc sử dụng lao động chưa thành niên trái pháp luật; hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động tham gia đào tạo nâng cao trình độ, kỹ năng nghề; thực hiện các chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế và bảo hiểm khác cho người lao động theo quy định của pháp luật.
6. Nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
Như vậy, Luật Doanh nghiệp 2020 đã bãi bỏ ba nghĩa vụ đã được quy định tại Luật Doanh nghiệp 2014, đó là nghĩa vụ bảo đảm và chịu trách nhiệm về chất lượng hàng hóa, dịch vụ theo tiêu chuẩn do pháp luật quy định hoặc tiêu chuẩn đã đăng ký hoặc công bố (Khoản 5, Điều 8 Luật Doanh nghiệp 2014); tuân thủ quy định của pháp luật về quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, bình đẳng giới, bảo vệ tài nguyên, môi trường, bảo vệ di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh (Khoản 8, Điều 8 Luật Doanh nghiệp 2014); thực hiện nghĩa vụ về đạo đức kinh doanh để bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của khách hàng và người tiêu dùng (Khoản 9, Điều 8 Luật Doanh nghiệp 2014). Việc bãi bỏ các nghĩa vụ trên là phù hợp bởi lẽ pháp luật chuyên ngành đã có quy định nghĩa vụ của DN trong từng lĩnh vực cụ thể, nên Luật Doanh nghiệp 2020 tiếp tục quy định là không cần thiết, tăng gánh nặng cho DN.
DN cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích có các quyền và nghĩa vụ gì?
Điều 9 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định quyền và nghĩa vụ của DN cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích như sau:
1. Quyền và nghĩa vụ của DN quy định tại Điều 7, Điều 8 và quy định khác có liên quan của luật này.
2. Được hạch toán và bù đắp chi phí theo giá do pháp luật về đấu thầu quy định hoặc thu phí sử dụng dịch vụ theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
3. Được bảo đảm thời hạn cung ứng sản phẩm, dịch vụ thích hợp để thu hồi vốn đầu tư và có lãi hợp lý.
4. Cung ứng sản phẩm, dịch vụ đủ số lượng, đúng chất lượng và thời hạn đã cam kết theo giá hoặc phí do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định.
5. Bảo đảm các điều kiện công bằng và thuận lợi cho khách hàng.
6. Chịu trách nhiệm trước pháp luật và khách hàng về số lượng, chất lượng, điều kiện cung ứng và giá, phí sản phẩm, dịch vụ cung ứng.
Theo đó, DN cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích có các quyền như các DN kinh doanh các ngành nghề khác, như tự do kinh doanh ngành, nghề mà luật không cấm; tự chủ kinh doanh và lựa chọn hình thức tổ chức kinh doanh; chủ động lựa chọn ngành, nghề, địa bàn, hình thức kinh doanh; chủ động điều chỉnh quy mô và ngành, nghề kinh doanh; lựa chọn hình thức, phương thức huy động, phân bổ và sử dụng vốn; tự do tìm kiếm thị trường, khách hàng và ký kết hợp đồng; kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu; tuyển dụng, thuê và sử dụng lao động theo quy định của pháp luật về lao động; chủ động ứng dụng khoa học và công nghệ để nâng cao hiệu quả kinh doanh và khả năng cạnh tranh; được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ; chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản của DN; từ chối yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân về cung cấp nguồn lực không theo quy định của pháp luật; khiếu nại, tham gia tố tụng theo quy định của pháp luật; quyền khác theo quy định của pháp luật. DN cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích có quyền được hạch toán và bù đắp chi phí theo giá do pháp luật về đấu thầu quy định hoặc thu phí sử dụng dịch vụ theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và được bảo đảm thời hạn cung ứng sản phẩm, dịch vụ thích hợp để thu hồi vốn đầu tư và có lãi hợp lý.
DN cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích có nghĩa vụ cung ứng sản phẩm, dịch vụ đủ số lượng, đúng chất lượng và thời hạn đã cam kết theo giá hoặc phí do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định; bảo đảm các điều kiện công bằng và thuận lợi cho khách hàng và chịu trách nhiệm trước pháp luật và khách hàng về số lượng, chất lượng, điều kiện cung ứng và giá, phí sản phẩm, dịch vụ cung ứng.
Như vậy, với các quyền nghĩa vụ nêu trên, Luật Doanh nghiệp 2020 đã giữ nguyên quy định về quyền và nghĩa vụ của DN cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích theo Luật Doanh nghiệp 2014.