Ca sĩ Thủy Tiên quyên góp tiền cứu trợ: Đúng hay sai?

Trong nước - Ngày đăng : 07:06, 21/10/2020

Trước thông tin xôn xao về việc ca sĩ Thủy Tiên nhận quyên góp cứu trợ cho đồng bào gặp nạn lũ lụt ở miền Trung với con số hơn 120 tỷ đồng, chưa quan tâm việc cô ấy phân bổ số tiền đó có hợp lý và minh bạch hay không, dư luận lại đang đặt vấn đề rằng việc quyên góp của Thủy Tiên có vi phạm Nghị định 64/2008/NĐ-CP về việc cấm cá nhân quyên góp tiền cứu trợ?
Ca sĩ Thủy Tiên quyên góp tiền cứu trợ: Đúng hay sai?

Giới luật sư cho rằng cá nhân đứng ra tổ chức quyên góp cứu trợ không vi phạm luật

Đã có rất nhiều luật sư phân tích về vấn đề này trên mạng xã hội. Trên trang nhanlucnganhluat.vn, tác giả Trương Nguyễn Thạch cho biết: “Ngoài Nghị định 64 thì còn có Nghị định 93/2019/NĐ-CP theo Luật Dân sự có một số quy định về quỹ từ thiện, không có điều khoản nào quy định về hoạt động từ thiện, tự nguyện của công dân, cụ thể là không quy định về hoạt động cứu trợ tự phát của công dân. Theo nguyên tắc áp dụng pháp luật, công dân được làm những gì mà Nhà nước không cấm, vì vậy việc cá nhân đứng ra kêu gọi quyên góp mục đích từ thiện là không vi phạm pháp luật”.

Dịch giả Nguyễn Bích Lan cũng đưa ra ý kiến: “Ai làm gì, làm cách nào, góp ở đâu, góp cho ai đều được hết, miễn sao đồng bào gặp nạn được hưởng lợi”.

a1-3337-1603273862.jpg

Những ngày qua có rất nhiều cá nhân, đoàn thể, hội nhóm đang đứng ra quyên góp và họ lặn lội trao tận tay người dân vùng lũ lụt

Phía ca sĩ Thủy Tiên, cô cũng thể hiện quan điểm của mình trên FB cá nhân vào ngày 21/10/2020: “Đã làm thì không sợ, đã sợ thì không làm. Và Tiên tin là nếu mình là một công dân tốt biết giúp đỡ người khác, không làm gì trái pháp luật thì chính quyền, Nhà nước nào cũng ủng hộ cho mình cả. Nếu như vì việc này mà mình không may mất hết mình cũng chấp nhận, vì mình tin rằng với số lượng người được giúp, cũng đáng để mình đánh đổi”.

Theo ý kiến các luật sư, luật pháp Việt Nam cũng đã quy định về cá nhân quyên góp và cũng có quy định về việc minh bạch các khoản chi tiêu để thông báo đến các mạnh thường quân nếu họ đề nghị. Luật sư Đặng Bá Kỹ cũng đã chỉ ra “Bản chất của việc nhân dân quyên góp tiền bạc, tài sản để giúp bà con vùng lũ, đó chính là việc tặng cho tài sản (tiền, hiện vật như nhu yếu phẩm). Đây là một loại giao dịch dân sự phổ biến - là một quan hệ pháp luật dân sự”.

Ông phân tích, những quy định pháp luật được áp dụng về vấn đề “tặng cho tài sản” là một loại giao dịch dân sự phổ biến. Theo Bộ Luật Dân sự 2015 quy định, “cá nhân, pháp nhân xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình trên cơ sở tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận. Mọi cam kết, thỏa thuận không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội có hiệu lực thực hiện đối với các bên và phải được chủ thể khác tôn trọng”. Trong khi đó, việc kêu gọi ủng hộ và từ thiện của Thủy Tiên cũng như những hội nhóm thiện nguyện khác, không bị quy định nào của luật cấm, nên không có gì là trái luật và đương nhiên không trái đạo đức xã hội. Không những vậy, việc tặng cho tài sản là hợp pháp.

1-7013-1603276636.jpg

"Một miếng khi đói bằng bằng một gói khi no", đó là tấm lòng chia sẻ truyền thống của người Việt

Cần nhớ rằng, Nghị định 64 mà các “chuyên gia pháp lý” nêu trên là văn bản do Chính phủ ban hành, là văn bản dưới luật. Trong khi Bộ Luật Dân sự quy định rõ “không vi phạm điều cấm của luật” - tức phải là văn bản do Quốc hội ban hành, mới có giá trị cấm. Hay nói cách khác, không thể viện dẫn bất kỳ quy định nào của Nghị định 64 để nói rằng nghị định này cấm, nên không được làm. Vì Bộ Luật Dân sự do Quốc hội ban hành có giá trị pháp lý cao hơn Nghị định của Chính phủ.

Luật sư Hà Hải - Đoàn Luật sư TP.HCM cũng khẳng định: “Nghị định 64/2008/NĐ-CP đã quá lạc hậu so với thực tiễn cuộc sống và không làm thỏa mãn mong muốn cộng đồng xã hội là “lá lành đùm lá rách” nên tác dụng của nghị định không đi vào thực tiễn cuộc sống. Thứ hai, bản thân nghị định này cũng không có quy định, xử phạt cụ thể nên cơ quan thẩm quyền, nếu muốn xử phạt, ngăn chặn cũng không thể áp dụng. Thứ ba, xét về hệ thống luật pháp thì nghị định này là văn bản dưới luật do cơ quan hành pháp ban hành, không phải Quốc hội ban hành nên giá trị luật không có. Hơn nữa, nghị định này cũng có dấu hiệu xung đột, đi ngược lại tinh thần Bộ Luật Dân sự. Cụ thể, việc ca sĩ Thủy Tiên chỉ là trung gian thực hiện giao dịch giữa người tặng cho và người nhận nên nghị định không thể áp dụng”.

Tuy nhiên, luật sư Mạnh Đăng cũng khuyến cáo thêm: “Khi thông báo lời kêu gọi quyên góp bằng hiện kim, cùng với thông tin tài khoản cá nhân, thì nên công khai thông tin số dư tài khoản cho cộng đồng đóng góp biết”. Theo ông Đăng, tốt nhất là người quyên góp nên mở tài khoản tạm để khi nào đã quyên góp xong thì đóng luôn.

Thái Thảo