Báo chí trước áp lực thay đổi
Trong nước - Ngày đăng : 03:03, 22/10/2020
Với những người làm báo, việc giữ gìn đạo đức rất quan trọng bởi nghề này tác động mạnh hơn đến xã hội. |
Áp lực công nghệ truyền thông mới
Báo chí toàn cầu đã bước sang trang mới cùng với sự bùng nổ của internet và công nghệ truyền thông mới. Ở nhiều nước trên thế giới, vai trò của người đưa tin đã dần bị tác động bởi mạng xã hội.
Chia sẻ tại phiên họp trù bị Đại hội lần thứ VIII Hội Nhà báo TP.HCM ngày 21/10/2020, nhà báo Lê Thế Chữ - Tổng biên tập báo Tuổi Trẻ nêu dẫn chứng về sự phổ biến của Facebook. Tại Việt Nam, tính đến tháng 9/2020 có 70 triệu người sử dụng. Còn trên thế giới, thống kê đến quý I/2020, có khoảng 1,6 tỷ người sử dụng mạng xã hội này hằng ngày với thời gian trung bình khoảng 35 phút. Mỗi phút có 400 người dùng mới đăng ký tham gia Facebook và tạo ra 4 triệu lượt thích.
Nhà báo Lê Thế Chữ cho rằng, hiện nay mạng xã hội như một quyền lực mới trong lĩnh vực truyền thông do có khả năng chia sẻ nhanh chóng. Các sự kiện nóng trên facebook thường được báo chí chính thống thuật lại và bình luận. Thậm chí, báo chí chính thống nhiều khi chậm chân hơn mạng xã hội.
Và trước khi có mạng xã hội, truyền thông chính thống có sức ảnh hưởng to lớn tới công chúng qua việc định hướng và tái định hướng dư luận về nhiều vấn đề vĩ mô như chính trị, xã hội. Tuy nhiên, khi truyền thông hoạt động vì lợi nhuận, bắt đầu chú trọng đưa tin về lĩnh vực giải trí, loại tin tức dễ thu hút đông đảo công chúng hơn tin tức thời sự. “Và khi tin tức theo xu hướng trở thành một loại hàng hoá được sản xuất hàng loạt thì cũng là lúc báo chí truyền thống ít nhiều đánh mất sự tin cậy của số đông độc giả, kể cả những độc giả trung thành”, nhà báo Lê Thế Chữ nêu vấn đề.
Trong khi đó, nhà báo Nguyễn Khắc Vân - Tổng Thư ký Toàn soạn báo Sài Gòn Giải Phóng cho rằng, mặc dù truyền thông mạng xã hội có những phức tạp, hệ luỵ khó lường nhưng nó là dạng thức truyền thông mới, có sức phát triển mạnh mẽ, tác động ngày càng sâu sắc, toàn diện lên tất cả các lĩnh vực.
Để cạnh tranh với phương thức truyền thông mới này, nhiều cơ quan báo chí đã phải tái cấu trúc các hoạt động, thay đổi cách làm báo. Chiến lược phổ biến là đẩy mạnh làm báo web, làm báo di động, xây dựng toà soạn đa phương tiện, tương tác mạnh mẽ hơn với bạn đọc, tổ chức thêm các sự kiện ngoài mặt báo… Tuy nhiên, “trong cuộc cạnh tranh này, báo chí chuyên nghiệp vẫn được công chúng đón nhận vì độ tin cậy cao”, nhà báo Nguyễn Khắc Vân khẳng định.
Phóng viên tác nghiệp tại Đại hội đại biểu Đảng bộ TP.HCM lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 |
Nhiều cám dỗ
Làm thế nào để báo chí chính thống giữ được vị thế của mình trước thách thức của mạng xã hội? Theo các nhà báo, báo chí phải thành kênh thông tin được người dùng chọn lựa. Muốn vậy, thông tin đăng tải phải có tính chân thực, xác tính và phản ảnh đa chiều. Phải tạo doanh thu cho báo chí từ người xem, để từ đó có thể tái đầu tư cho sản xuất tin bài chất lượng.
Chính những người làm báo phải làm được việc định hướng cho độc giả nên tiếp nhận thông tin một cách có chọn lọc, vận dụng tư duy phản biện và biết phân tích, xử lý thông tin cả trực tuyến và ngoại tuyến. Bởi, “xét cho cùng, mạng xã hội cũng chỉ là công cụ giao tiếp, báo chí phải tìm cách hợp tác với mạng xã hội trong khi vẫn thực hiện chức năng giám sát của mình, đồng thời chịu trách nhiệm xác thực thông tin để xứng đáng với sự tin cậy của độc giả”, nhà báo Thế Chữ nhấn mạnh.
Bên cạnh sự cạnh tranh của mạng xã hội, báo chí còn đứng trước nhiều áp lực mà một trong số đó là cám dỗ về kinh tế. Nhà báo Lê Thị Thanh Thương đến từ Thời báo Kinh tế Sài Gòn cho rằng, hiện nay, với các nhà báo viết kinh tế, nhiều doanh nghiệp chủ động cung cấp cho nhà báo những thông tin có lợi cho doanh nghiêp như dự án đầu tư mới, hợp tác chiến lược với đối tác với mục đích đẩy giá cổ phiếu, hoặc thông tin đánh bóng doanh nghiệp và sẵn sàng đưa chi phí cho nhà báo để đạt mục đích.
Có thể nói, nghề báo hiện nay ít nhiều bị điều tiếng do một số “con sâu làm rầu nồi canh” và một số cá nhân giả danh nhà báo nhũng nhiễu doanh nghiệp. Trong những năm gần đây, một số báo đã có những bài viết phản ánh các trường hợp phóng viên, cá nhân giả danh nhà báo đi nhũng nhiễu doanh nghiệp hoặc viết tin xấu về doanh nghiệp, buộc doanh nghiệp phải chi tiền nếu muốn gỡ bài… “Cần hành động mạnh mẽ để ngăn chặn vấn đề này”, nhà báo Thanh Thương đặt vấn đề.
Hoàn thành và làm tốt nhiệm vụ của một nhà báo chân chính là nhiệm vụ vô cùng khó khăn. Sự trưởng thành về chuyên môn, sự rèn luyện về đạo đức nghề nghiệp chính là hành trang của người làm báo trong thời kỳ đổi mới.
“Đạo đức nghề nghiệp là một trong những vấn đề quan trọng của bất cứ ngành nào, lĩnh vực nào. Với những người làm báo, việc giữ gìn đạo đức lại càng quan trong hơn và tác động mạnh hơn đến xã hội. Một khi nhà báo vi phạm đạo đức nghề nghiệp sẽ gây tác hại to lớn cho xã hội. Vì vậy, việc giáo dục nghề và bồi dưỡng đạo đức người làm báo phải luôn song hành”, nhà báo Lê Thị Thanh Thương nhấn mạnh.