Bức tranh kinh tế châu Á tiếp tục ảm đạm trong năm nay

Bình luận - Ngày đăng : 04:00, 22/10/2020

Mức độ suy giảm kinh tế của châu Á trong năm nay sẽ tệ hơn dự báo, khi đại dịch Covid-19 vẫn đang gây tác động tiêu cực đến nhiều nền kinh tế thuộc khu vực.
Bức tranh kinh tế châu Á tiếp tục ảm đạm trong năm nay

Nhận định trên được các chuyên gia từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đưa ra vào ngày 21/10/2020, trong báo cáo cập nhật về tình hình kinh tế châu Á-Thái Bình Dương. Đánh giá này đi ngược lại quyết định nâng triển vọng kinh tế toàn cầu mới đây của cơ quan này.

Cụ thể, IMF cho rằng, kinh tế châu Á sẽ suy giảm 2,2%, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn đang gây ảnh hưởng tiêu cực đến nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Trước đó, IMF hồi tháng 7/2020 từng dự báo kinh tế châu Á sẽ suy giảm 1,6% trong năm nay. 

Theo IMF, việc giảm dự báo triển vọng của kinh tế châu Á "phản ánh một sự co cụm mạnh hơn, chủ yếu ở Ấn Độ, Philippines và Malaysia", khi Ấn Độ cùng Philippines đã trải qua một đợt sụt giảm "đặc biệt mạnh" trong hoạt động kinh tế trong quý II/2020, "do số ca mắc Covid-19 tiếp tục tăng, kéo theo các biện pháp giãn cách xã hội trên diện rộng".

Trong đó, nền kinh tế Ấn Độ được dự báo suy giảm 10,3% trong năm tài khóa kết thúc vào ngày 31/3/2021, cao hơn mức 4,5% đưa ra vào tháng 7. Nền kinh tế Philippines và Malaysia được dự báo giảm lần lượt 8,3% và 6% trong năm nay, cao hơn mức giảm dự báo là 3,6% và 3,8% trước đó.

Những điểm sáng hiếm hoi

Tuy nhiên, không phải toàn bộ nền kinh tế châu Á đều ghi nhận sự sụt giảm và bị hạ dự báo tăng trưởng. Theo ông Jonathan D. Ostry - quyền Giám đốc bộ phận khu vực châu Á-Thái Bình Dương thuộc IMF, các nền kinh tế phát triển như Australia, Hàn Quốc, Nhật Bản và New Zealand, dù vẫn trong đợt suy thoái, nhưng sẽ phục hồi tích cực hơn sau khi thoát khỏi tình trạng phong tỏa.

Link bài viết

Trung Quốc - quốc gia hứng chịu tác động của đại dịch sớm nhất, cũng đang chứng kiến đà phục hồi mạnh mẽ sau khi gỡ bỏ lệnh phong tỏa. Được biết, nền kinh tế số 2 thế giới là một trong số ít những nền kinh tế ở châu Á được IMF dự báo tăng trưởng trong năm nay. Theo đó, cơ quan này cho rằng, kinh tế Trung Quốc sẽ tăng 1,9% trong 2020, nhờ "đà phục hồi mạnh hơn dự kiến trong quý II/2020".

Đồng thời, Việt Nam cũng được IMF nhận định sẽ là một trong những nền kinh tế châu Á tăng trưởng tốt trong năm 2020 và năm tới, với mức tăng dự báo 1,6% trong năm nay và 6,7% vào năm tới. Đây được xem là các con số tích cực hiếm hoi trong bức tranh kinh tế khu vực với nhiều gam màu ảm đạm.

Theo ông Jonathan D. Ostry, kinh tế châu Á đã bắt đầu phục hồi trong quý III/2020, dù động lực tăng trưởng tại các nước trong khu vực không đồng đều - điều đã dẫn tới việc các quốc gia ghi nhận tốc độ phục hồi khác nhau. Ngoài ra, IMF cũng cho rằng, đà phục hồi diễn ra mạnh mẽ tại Trung Quốc, cũng như ở Mỹ và châu Âu, sẽ góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế cho châu Á, song cần thiết "quá trình dài và khó khăn" để khu vực này trở lại với mức độ hoạt động kinh tế như trước đại dịch.

Đối với năm 2021, IMF dự báo tăng trưởng kinh tế của châu Á sẽ đạt mức 6,9%. Tuy nhiên, ngay cả với tốc độ như vậy, sản lượng toàn khu vực trong năm tới vẫn sẽ ở dưới mức trước đại dịch. Theo ông Ostry, sự sụt giảm của lực lượng lao động và đầu tư tư nhân, sản lượng tiềm năng của toàn khu vực vào giữa thập niên có thể thấp hơn 5% so với trước đại dịch.

Khởi Vũ