Ngành gỗ gặp đại họa vì bị... “rửa” xuất xứ
Kinh doanh - Ngày đăng : 03:46, 26/10/2020
Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Vifores), những tháng đầu năm, trong khi các dòng sản phẩm như nội thất văn phòng, nội thất phòng ngủ giảm về giá trị xuất khẩu so với cùng kỳ năm 2019, thì các mặt hàng nội thất phòng bếp, phòng tắm đều có xu hướng tăng. Lý giải hiện tượng này, các DN cho hay những mặt hàng có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu mạnh chủ yếu là các mặt hàng mà phía Trung Quốc đang bị Mỹ áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp như tủ bếp, sofa... Theo đó, giá trị xuất khẩu của mặt hàng này từ Trung Quốc sang Mỹ giảm mạnh kể từ khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung bắt đầu, dẫn đến việc các DN Mỹ dịch chuyển đơn hàng sang Việt Nam nhằm bù đắp một phần thiếu hụt nguồn cung từ thị thường Trung Quốc.
Theo Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện DN gỗ trong nước đang vướng phải hai vụ kiện liên quan đến mặt hàng ván dán xuất khẩu sang Mỹ và Hàn Quốc. Chủ tịch Vifores Đỗ Xuân Lập cho rằng, kiểm soát chặt chẽ gian lận thương mại là vấn đề sống còn đối với ngành gỗ. Ông Lập cho biết, không chỉ có mặt hàng gỗ dán đang bị Chính phủ Mỹ thực hiện điều tra, hiện còn có hai mặt hàng đang có tín hiệu rủi ro, đó là mặt hàng tủ bếp, tủ nhà tắm làm từ gỗ dán và ghế sofa có khung làm từ gỗ dán.
Qua tìm hiểu, các DN gỗ cho biết, hiện có một số DN Trung Quốc đang thuê pháp nhân một số DN của Việt Nam để nhập khẩu những sản phẩm đã hoàn thiện để... “rửa” xuất xứ và xuất khẩu sang Mỹ.
“Đây là những dấu hiệu về gian lận thương mại tương đối rõ ràng. Việc thành lập Chi hội tủ bếp có sự tham gia của các DN sản xuất tủ bếp chân chính của Trung Quốc là cầu nối và kênh thông tin quan trọng cho việc vạch trần những DN núp bóng, trốn xuất xứ như đang diễn ra”, ông Lập nói. Ông cũng khẳng định: “Ngành gỗ Việt đang có rất nhiều thuận lợi để vào thị trường Mỹ, nhưng nguy cơ cũng khá cao. Bởi đây là thị trường lớn và rất nghiêm khắc trong chuyện lẩn tránh thuế, gian lận thương mại”.
Cụ thể, theo số liệu báo cáo, ghế sofa và bộ phận ghế sofa là nhóm hàng có giá trị xuất khẩu cao nhất vào thị trường Mỹ. Năm 2017, Việt Nam xuất khẩu mặt hàng ghế sofa sang thị trường này đạt hơn 356 triệu USD, năm 2019 là 975 triệu USD, 7 tháng đầu năm 2020 đạt hơn 611 triệu USD. Tủ bếp cũng là một trong nhóm mặt hàng xuất khẩu quan trọng của Việt Nam vào thị trường Mỹ. Kim ngạch xuất khẩu tủ bếp của Việt Nam sang thị trường năm 2018 đạt hơn 140 triệu USD; năm 2019 đạt hơn 219 triệu USD, 7 tháng đầu năm 2020 đạt 235,9 triệu USD, tăng 156% so với cùng kỳ năm 2019.
Đặc biệt, trong khi giá trị kim ngạch xuất khẩu của mặt hàng ghế sofa từ Việt Nam sang Mỹ tăng nhanh, thậm chí ở mức đột biến thì kim ngạch nhập khẩu mặt hàng ghế sofa, hoặc các bộ phận hình thành mặt hàng từ Trung Quốc vào Việt Nam cũng tăng mạnh từ năm 2019.
TS. Tô Xuân Phúc - Chuyên gia Tổ chức Forest Trend cho hay, có một số tín hiệu gian lận thương mại ở mặt hàng ghế sofa xuất khẩu từ Việt Nam vào thị trường Mỹ và nhóm Forest Trend kiến nghị các cơ quan chức năng Việt Nam cần phối hợp với cộng đồng DN trong việc xác định các mặt hàng rủi ro và các công ty có hành vi gian lận. Đồng thời, xây dựng kênh kết nối thông tin giữa các hiệp hội gỗ và cơ quan quản lý nhằm cập nhật thường xuyên thông tin về các dấu hiệu gian lận, từ đó xác định các biện pháp can thiệp kịp thời.
Bà Dương Thanh Hiếu - đại diện Công ty Ván ép Thanh Hoa khẳng định: “Có hai hình thức gian lận. Một là hàng nhập từ Trung Quốc về thẳng nhà máy, gia công xong là xuất khẩu đi Mỹ. Thứ hai, họ thành lập một DN thương mại, nhập hàng Trung Quốc về Việt Nam bán lại cho chính công ty mẹ. Cả hai hình thức gian lận đều cùng một DN. Họ có sẵn chuỗi sản xuất, dù sang Việt Nam hay bất kỳ quốc gia nào thì họ vẫn duy trì chuỗi từ Trung Quốc và mở văn phòng tại Mỹ”.
Theo đại diện Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, từ ngày 2/10/2020 cơ quan đại diện thương mại Hoa Kỳ chính thức thông báo khởi xướng điều tra Việt Nam thao túng tiền tệ và nhập khẩu buôn bán gỗ bất hợp pháp. Nếu sự việc này diễn biến xấu thì đây là đại họa với ngành công nghiệp gỗ, như một lệnh cấm vận. Và chúng ta đều biết, việc cấm vận nguy hại đến mức nào.
Ông Ngô Sỹ Hoài - Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho rằng, nếu không chứng minh được nguồn gốc gỗ dán xuất khẩu vào Mỹ, gỗ dán Việt Nam có thể phải đối mặt với mức thuế chống lẩn tránh tương đương với mức thuế mà Mỹ đang áp lên gỗ dán của Trung Quốc là hơn 200% và kéo theo rủi ro tương tự cho các sản phẩm được làm từ gỗ dán như tủ bếp, ván sàn, nội thất...”.
Trước nguy cơ này, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn cho biết sẽ tiếp tục đồng hành, tháo gỡ, xem xét những vấn đề về cơ chế chính sách và hài hòa hóa các quy định và thông lệ quốc tế để ngành gỗ phát triển bền vững hơn. Đồng thời, lắng nghe ý kiến của các DN, hiệp hội để DN làm ăn có hiệu quả, góp phần có ý nghĩa vào việc phát triển kinh tế xã hội chung của cả nước.
Ông Bùi Chính Nghĩa - Phó tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp cũng cam kết sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Cục Phòng vệ thương mại - Bộ Công Thương để hướng dẫn và kịp thời can thiệp theo thẩm quyền với phía đối tác. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với Viforest và các hiệp hội gỗ cùng chung tay với các DN chủ động chuẩn bị, có giải pháp ứng phó hiệu quả trong việc theo đuổi xử kiện thương mại, đảm bảo quyền lợi chính đáng của các DN làm ăn chân chính.