TP.HCM sẽ tiết kiệm khoảng 1.000 tỷ đồng nếu không tổ chức HĐND
Trong nước - Ngày đăng : 06:07, 26/10/2020
Tăng cường tiếp xúc, đối thoại với cử tri để thực hiện quyền giám sát của người dân. Ảnh: PLO |
Giai đoạn từ 2009-2016, TP.HCM đã thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND ở một số quận huyện và phường. Từ thực tiễn bám sát chương trình này ngay từ những ngày đầu, nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM Phạm Phương Thảo đánh giá, hiệu quả lớn nhất là công việc triển khai nhanh chóng, hiệu quả, bộ máy tinh gọn, giảm được nhiều tầng nấc, thời gian giải quyết. Hơn hết là quyền làm chủ của người dân được phát huy và ngân sách được tiết kiệm rất nhiều. Đến năm 2016, hết thời gian thí điểm, TP.HCM tổ chức lại HĐND cấp quận huyện, phường thì biên chế phải tăng lên. Đi kèm đó là kinh phí tăng theo. Chỉ riêng năm 2016 đã tăng 47 tỷ đồng, nhân sự tăng thêm 8.300 người. Những năm sau này, kinh phí tiếp tục tăng thêm nữa do bộ máy phình to hơn.
Bây giờ, nếu không tổ chức HĐND theo Đề án chính quyền đô thị mà TP đã trình Quốc hội, theo bà Phạm Phương Thảo, mỗi nhiệm kỳ có thể tiết kiệm khoảng 1.000 tỷ đồng cho ngân sách TP.
Bài học lớn nhất từ giai đoạn thí điểm không tổ chức HĐND ở một số cấp, theo bà Phạm Phương Thảo đó chính là bộ máy được sắp xếp và biên chế rất phù hợp với thực tiễn. "Nếu tổ chức bộ máy như “chiếc áo quá chật”, xử lý quá chậm qua nhiều tầng nấc thì không thể đáp ứng yêu cầu của người dân", bà nói.
Nguyên Chủ tịch HĐND thành phố cũng phân tích, khi không tổ chức HĐND quận, phường đã tạo ra hệ thống cơ quan hành chính xuyên suốt, thống nhất, thuận lợi từ TP xuống quận, xuống phường. Tuy chức năng, nhiệm vụ của HĐND các cấp đó sẽ chuyển sang bộ phận khác, nhưng không ảnh hưởng đến thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.
“Có những phần việc chuyển lên UBND quận, có việc chuyển xuống UBND phường, bớt tầng nấc trung gian thì mọi thứ đều nhanh hơn. Nguyên tắc là một thành phố đông dân như TP.HCM đòi hỏi công việc phải xử lý thật nhanh. Chính vì vậy, việc tổ chức chính quyền như hiện nay là nhiều tầng nấc mà có những vấn đề trùng lặp về chức năng nhiệm vụ”, bà Thảo giải thích thêm. Bà nói: chẳng hạn có những vấn đề HĐND thành phố đã quyết, nhưng nếu là dự án đầu tư cấp quận, cấp phường thì về HĐND quận, phường lại phải nghiên cứu, biểu quyết thông qua thêm một lần nữa, như vậy là rất mất thời gian.
Bà Phạm Phương Thảo cũng chia sẻ kinh nghiệm cần phát huy tốt các kênh đại biểu HĐND TP, đại biểu Quốc hội, MTTQ và các tổ chức đoàn thể ở địa phương, đồng thời phát huy quyền làm chủ trực tiếp, tăng cường đối thoại giữa chính quyền và nhân dân.
“Hồi còn thí điểm, tổ đại biểu HĐND TP chúng tôi ở quận 4 gồm có 3 người, đã thường xuyên gặp gỡ người dân. Mỗi tuần đều có người trực ở UBMTTQ quận để người dân có điều gì cần phản ánh, nhờ tiếng nói của đại biểu HĐND thì chúng tôi gặp gỡ, tiếp xúc kịp thời theo lịch hẹn”, bà Phạm Phương Thảo dẫn chứng.
Không thành lập HĐND cấp quận, phường sẽ nảy sinh vấn đề giám sát, quyền làm chủ của người dân. Tuy nhiên, bằng kinh nghiệm thực tiễn, nguyên Chủ tịch HĐND TP Phạm Phương Thảo lại cho rằng chúng ta không lo vấn đề này, vì quyền làm chủ, quyền giám sát của người dân còn được bảo đảm qua các kênh báo chí, truyền thông.
“Tôi thấy người dân phát hiện nhiều điều, như các kho bãi, nhà xưởng bỏ trống lãng phí, cần thu hồi lại. Vấn đề này được đưa lên báo chí rất kịp thời. Trong nhiệm kỳ đó, qua kênh này mà chúng tôi thu hồi được mấy chục nhà xưởng, kho bãi để làm trường học, các cơ sở công cộng phục vụ người dân. Vì vậy tôi cho rằng, nếu chúng ta biết khai thác tốt những kênh này thì có thể phát huy quyền làm chủ và giải quyết những vấn đề quan tâm bức xúc của người dân, nghĩa là chính quyền vừa điều hành quản lý tốt vừa phục vụ nhân dân tốt”, bà Phạm Phương Thảo gợi mở.