Đích đến của đô thị thông minh là người dân hạnh phúc

Doanh nhân viết - Ngày đăng : 07:58, 26/10/2020

Khi và chỉ khi con người quan tâm đến con người, mong muốn những điều tốt đẹp và hạnh phúc nhất cho con người, đô thị thông minh mới trở thành giải pháp nhân văn và ý nghĩa.
Đích đến của đô thị thông minh là người dân hạnh phúc

Phải chăng trước khi nói về đô thị thông minh, chúng ta nên hỏi người người dân đang mưu sinh trong lòng đô thị ấy câu hỏi, mong muốn của họ về một đô thị thông minh có nghĩa là gì?

Khi nhắc đến đô thị thông minh, người ta dễ dàng liên tưởng đến cơ sở vật chất, đến những công nghệ cực kỳ thông minh và khó hiểu như IoT - mạng lưới vạn vật kết nối, automation - tự động hoá, hay AI - trí tuệ nhân tạo. Chữ “thông minh” đã từ lâu gắn liền với những công nghệ mới, tiên tiến, nâng cấp liên tục với mục tiêu làm cho người dùng cảm thấy tiện lợi hơn, dễ dàng hơn, nhanh chóng hơn… Vậy, đô thị “thông minh” phải chăng có cùng mục đích?

Cuối năm 2017, tác giả có dịp đi thăm và gặp gỡ những người đứng đầu chính quyền 3 thành phố thông minh của Phần Lan là Helsinki, Turku, và Tampere trong một chuyến công tác tham dự sự kiện startup được xem là lớn nhất thế giới. Khi được nghe lãnh đạo các thành phố này trình bày về đô thị thông minh của họ, có 3 chữ được tất cả lãnh đạo thành phố nhấn mạnh ngay trước khi nói về các chi tiết triển khai của đô thị thông minh, đó là chữ “trẻ em”, chữ “người dân”, và chữ “hạnh phúc”. Đối với họ, mục đích chính của đô thị thông minh là tạo ra niềm vui và hạnh phúc cho trẻ em và người dân đang sinh sống trong đô thị đó. Tại hội nghị các thị trưởng toàn cầu tháng 10/2019 ở Cologne, Đức, thị trưởng từ 180 đô thị thông minh đã cùng nhau chia sẻ và cam kết cùng xây dựng đô thị thông minh và thân thiện với trẻ em.

Vậy, câu hỏi chúng ta nên đặt ra cho cụm từ “đô thị thông minh”: mục đích của đô thị thông minh là để làm gì? Phục vụ ai? Cũng như việc tạo ra bất kỳ một dự án hay giải pháp nào, đô thị thông minh cần trả lời câu hỏi đối tượng của nó là ai? và mục đích chính của đô thị thông minh này là để mang đến điều gì cho đối tượng đó? 

Là người đã tham gia vào hệ sinh thái sáng tạo Việt Nam và thế giới những năm qua, tôi đặc biệt quan tâm đến yếu tố “con người” trong tất cả mọi tranh luận về công nghệ. Cuối cùng, công nghệ sinh ra là để phục vụ con người, hay sinh ra để tạo áp lực lên con người khi họ trở thành nô lệ của những công cụ đó? Cuối cùng, con người sinh ra là để sống hạnh phúc, hay để trở thành công cụ thử nghiệm của những phát minh khoa học và công nghệ? Cuối cùng, đô thị thông minh là để nhốt con người ta lại, xếp họ thẳng hàng để dễ quản trị, hay để tạo điều kiện cho người dân của nó trở nên hạnh phúc hơn? 

Tác giả Nguyễn Phi Vân có hơn 20 năm kinh nghiệm làm quản lý cấp cao về phát triển thương hiệu, bán lẻ và nhượng quyền thương mại tại Châu Á, Châu Phi và Đông Âu. Bà cũng là thành viên Hội đồng Cố vấn của Đề án 844, của Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam khởi xướng nhằm xây dựng một hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo vững mạnh cho Việt Nam đến năm 2025.

Tác giả Nguyễn Phi Vân có hơn 20 năm kinh nghiệm làm quản lý cấp cao về phát triển thương hiệu, bán lẻ và nhượng quyền thương mại tại Châu Á, Châu Phi và Đông Âu. Bà cũng là thành viên Hội đồng Cố vấn của Đề án 844, của Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam khởi xướng nhằm xây dựng một hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo vững mạnh cho Việt Nam đến năm 2025.

Mùa hè năm 2018, khi có dịp tham gia chương trình “Thành phố thông minh & thân thiện với trẻ em” do Unicef Việt Nam đồng tổ chức, tôi đã lặng người khi nghe tiếng lòng của các bạn trẻ Việt Nam khi phát biểu về đô thị thông minh. Đô thị thông minh của các em là nơi không có người ăn xin, là nơi không có rác rưởi, là nơi các em không bị ăn hiếp và luôn cảm thấy an toàn, là nơi các em được che chở, yêu thương. Phải chăng trước khi nói về đô thị thông minh, chúng ta nên hỏi người người dân đang mưu sinh trong lòng đô thị ấy câu hỏi, mong muốn của họ về một đô thị thông minh có nghĩa là gì?

Đối với một tác giả thường xuyên viết về công nghệ, tôi thiết nghĩ đô thị thông minh cần được thổi vào hồn người, tính người, và cả những vui buồn mà loài người chúng ta mong muốn hay gánh chịu, trước khi đặt vấn đề đô thị thông minh cần và nên triển khai ra sao, trước khi chúng ta “ca cẩm” về ngân sách và cách thức thi hành. Khi và chỉ khi con người quan tâm đến con người, mong muốn những điều tốt đẹp và hạnh phúc nhất cho con người, đô thị thông minh mới trở thành giải pháp nhân văn và ý nghĩa. Khi đô thị thông minh được đặt ra vì đô thị khác đang thông minh hơn, hay đô thị thông minh là cụm từ “trending” trên thế giới, nó sẽ giết đi linh hồn của thành phố, giết đi từng khoảnh khắc rất người trong cuộc đời của mỗi công dân. Công nghệ được sinh ra để biến robot thành những công dân hạng nhất và con người thành robot hạng hai, hay công nghệ được sinh ra để giúp loài người ngày càng trở nên hạnh phúc hơn? Có lẽ khi câu hỏi đó được trả lời, chữ “thông minh” sẽ tìm được điểm đến và mục đích nhân văn của nó.

Nguyễn Phi Vân