Các cột mốc đáng nhớ trên con đường biến Samsung thành biểu tượng toàn cầu của Lee Kun-hee
Chân dung - Ngày đăng : 08:00, 26/10/2020
Lee Kun-hee, phải, và cha ông, người sáng lập Samsung Lee Byung-chul. |
Tập đoàn Samsung có trụ sở chính tại Seoul, là chaebol lớn nhất Hàn Quốc và có những lúc chiếm đến 20% tổng kim ngạch xuất khẩu của đất nước này. Đây cũng là tập đoàn lớn thứ hai thế giới tính theo doanh thu, theo Reuters.
Gia tộc của người sáng lập Samsung. Những người con của ông Lee Byung-chul đều đứng đầu các chaebol Hàn Quốc |
Sau đây là những sự kiện lớn trong cuộc đời của ông trùm kinh doanh Lee Kun-hee và lịch sử của đế chế Samsung mà cha ông và ông đã xây dựng theo trình tự thời gian, từ khởi đầu khiêm tốn ở Daegu, nơi hiện là khu vực đô thị lớn ở phía đông nam Hàn Quốc.
Năm 1938: Lee Byung-chul - con trai của một chủ đất giàu có và người xay xát gạo, mở công ty kinh doanh hàng tạp hóa và làm mì.
Cửa hàng đầu tiên của Samsung |
1942: Lee Kun-hee sinh ra tại Daegu, và là con trai thứ ba của người sáng lập Tập đoàn Samsung Lee Byung-chul
Lee Kun-hee thời thơ ấu |
1948: Lee Byung-chul chính thức thành lập Samsung Corp trước khi mở rộng kinh doanh sang vận tải đường bộ, dệt may và tinh chế đường.
Những năm 1950: Samsung mở rộng sang nhiều lĩnh vực kinh doanh khác, gồm cửa hàng bách hóa, nhật báo JoongAng Ilbo, công ty đóng tàu, công ty chứng khoán và công ty hóa chất.
Giấy phép kinh doanh và những mặt hàng Samsung kinh doanh |
1953: Lee Kun-hee đến Nhật Bản để học tập
1965: Lee Kun-hee tốt nghiệp Đại học Waseda chuyên ngành kinh doanh
Ông Lee Byung-chul trao đổi với Tổng thống Hàn Quốc Park Chung-hee (thứ 3 từ trái sang) năm 1965 |
1966: Lee Kun-hee hoàn thành chương trình MBA của Đại học George Washington, gia nhập công ty Tongyang Broadcasting trực thuộc Samsung.
1967: Ông kết hôn với Hong Ra-hee (người sau này đứng đầu bảo tàng nghệ thuật Leeum của Samsung)
Hai vợ chồng ông Lee Kun-hee và bà Hong Ra-hee trong lễ khai mạc Olympic London 2012 |
1969: Samsung Electronics được thành lập, trở thành hãng sản xuất TV đen trắng đầu tiên vào năm 1972 và mở rộng sang tủ lạnh, máy giặt và TV màu trong suốt những năm 1970.
Một nhà máy của Samsung Electronics |
1977: Samsung mua lại một công ty sản xuất chất bán dẫn của Hàn Quốc, sau này phát triển thành công ty sản xuất chip nhớ hàng đầu thế giới.
Ông Lee Kun-hee (trái) và cha Lee Byung-chul, nghe một kỹ sư Samsung trình bày về hệ thống máy tính năm 1976 |
1978: Ông Lee Kun-hee trở thành Phó chủ tịch của Samsung CT Corp.
Ông Lee Kun-hee trong một buổi họp cùng cha mình cùng các nhân sự cấp cao của tập đoàn |
1979: Ông Lee Kun-hee trở thành Phó chủ tịch tập đoàn Samsung
1983: Samsung Electronics bắt đầu sản xuất máy tính, đi vào kinh doanh 64k DRAM.
Ông Lee Byung-chul tham gia lễ khởi công nhà máy chip bán dẫn ở thành phố Yongin năm 1983 |
1987: Ông Lee Byung-chul qua đời. Ông Lee Kun-hee tiếp quản vị trí Chủ tịch tập đoàn. Ông thay đổi trọng tâm của tập đoàn, đưa Samsung từ một nhà sản xuất hàng hóa cấp thấp trở thành tập đoàn đặt trọng tâm vào sự đổi mới và các sản phẩm cao cấp.
1988: Ông Lee Kun-hee công bố tầm nhìn "sáng lập thứ hai" cho tập đoàn.
Ông Lee Kun-hee trong buổi lễ nhậm chức Chủ tịch tập đoàn năm 1987 |
1992: Samsung trở thành nhà sản xuất chip nhớ lớn nhất thế giới.
1993: Samsung công bố hình ảnh nhận dạng (logo) mới.
Lịch sử những lần thay đổi logo của Samsung |
1995: Ông Lee Kun-hee thành lập Samsung Motor, xây dựng nhà máy sản xuất màn hình tinh thể lỏng đầu tiên.
1996: Ông Lee Kun-hee trở thành thành viên của Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC)
1997: Samsung bước vào lĩnh vực kinh doanh điện thoại di động
Các điện thoại tiêu biểu của Samsung từ 1988 đến nay |
1998: Ông Lee Kun-hee trở thành Giám đốc điều hành và Chủ tịch của Samsung Electronics Co. Hàn Quốc rơi vào khủng hoảng tài chính châu Á, Samsung Motor được bán cho Renault và Samsung Electronics trở thành nhà sản xuất màn hình LCD hàng đầu thế giới.
2004: Ông Lee Kun-hee được chính phủ Pháp trao tặng huân chương Legion D'Honneur.
2005: Samsung vượt Sony trở thành thương hiệu điện tử tiêu dùng phổ biến nhất.
Tivi và màn hình LCD Samsung qua các thời kỳ |
2007: Ông Lee Kun-hee tham gia chiến dịch của Hàn Quốc để đăng cai Thế vận hội Mùa đông ở Pyeongchang
2008: Ông bị truy tố về tội danh liên quan đến việc điều hành các quỹ đầu tư lớn của tập đoàn, bị cáo buộc vi phạm tín nhiệm khi cố gắng chuyển quyền sở hữu cổ phần cho các con một cách bất hợp pháp. Ông tuyên bố rời ban lãnh đạo, công bố các biện pháp cải thiện quản trị tập đoàn và bị tòa án quận Seoul kết án 3 năm tù treo trong 5 năm vì tội trốn thuế.
Lee Kun-hee bị báo chí vậy quanh đặt câu hỏi sau một phiên toà năm 2008 |
2009: Tòa án cấp cao vào tháng 8 xác nhận bản án về tội sơ suất kinh doanh. Ông được ân xá thông qua lệnh hành pháp của Tổng thống Hàn quốc vào tháng 12.
2010: Ông được phục hồi làm Chủ tịch Samsung Electronics Co.. Samsung ra mắt điện thoại thông minh Galaxy S đầu tiên. Tháng 12, Lee Jae-yong, con trai duy nhất của Lee Kun-hee và được coi là người thừa kế Samsung, được bổ nhiệm làm một trong những Chủ tịch của Samsung Electronics.
Các dòng Galaxy S cao cấp theo thời gian |
2011: Lee Kun-heeđược cho là đóng vai trò quan trọng tại kỳ họp chung lần thứ 123 của IOC, nơi Pyeongchang của Hàn Quốc đã giành được quyền đăng cai Thế vận hội mùa đông 2018.
Nhân viên Samsung giới thiệu một phiên bản chip nhớ cao cấp với ông Lee tại Seoul năm 2011. |
2014: Nhập viện và nằm liệt giường sau cơn nhồi máu cơ tim
Ông Lee Kun-hee và con trai, cũng là người kế nhiệm, Lee Jae-yong (ngoài cùng, bên trái). |
2020: Lee Kun-hee qua đời ở tuổi 78.