Tiền đâu làm đường sắt cao tốc Bắc - Nam ?
Trong nước - Ngày đăng : 03:49, 27/10/2020
Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam do TEDI - TRICC - TEDIS thực hiện, dù đã được chuẩn bị công phu, nhưng vấn đề tài chính cho siêu dự án đường sắt Bắc - Nam tốc độ cao vẫn có những nội dung không sát với thực tế, cần được tiếp tục bổ sung và hoàn chỉnh theo hướng cập nhật, thêm các kịch bản phù hợp với dự báo thay đổi các biến số trong mỗi phương án tài chính.
Bên cạnh đó, mỗi phương án tài chính cần được xây dựng trên cơ sở cập nhật và phân tích đúng thực trạng cũng như xu hướng tăng trưởng kinh tế, chi ngân sách nhà nước, chi đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước và nguồn vốn vay, khả năng vay nợ công và vay ODA, thâm hụt ngân sách và nguồn bù đắp thâm hụt... nhằm tăng tính khả thi của mỗi phương án tài chính nói riêng và của toàn bộ dự án nói chung.
Trong khi đó, tổng chi phí lãi vay và phí cam kết chỉ có 258 triệu USD (105 triệu USD cho giai đoạn 1) là dựa trên giả định tỷ lệ lãi vay trong quá trình xây dựng là 0,2%/năm, trong quá trình tư vấn là 0,01%/năm và phí cam kết là 0,1%/năm. Nhưng Việt Nam đã trở thành nước có thu nhập trung bình từ năm 2011, dự tính thành nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2030, điều kiện vay ưu đãi sẽ có những thay đổi lớn, cần được đưa vào tính toán tổng mức đầu tư của dự án.
TS. Ánh cũng cho biết, hiện tổng mức đầu tư của dự án đang cao hơn so với tổng đầu tư 56 tỷ USD, theo tính toán của VJC năm 2010, thậm chí cao gấp đôi so với tổng mức đầu tư dự án do Bộ Kế hoạch và Đầu tư (MPI) đưa ra hồi cuối năm 2019, đầu năm 2020. Do đó, cần bổ sung, giải trình nguyên nhân của sự khác biệt quá lớn này.
Báo cáo của TEDI - TRICC - TEDIS nêu và phân tích ba phương án huy động gần 60 tỷ USD vốn đầu tư cho dự án gồm toàn bộ từ ngân sách nhà nước, toàn bộ từ vay vốn ODA và kết hợp vốn nhà nước với vốn tư nhân theo hình thức PPP từ kinh nghiệm Pháp, Đức, Trung Quốc (PA1), Ấn Độ (PA2), Nhật Bản và Đài Loan (PA3). Nhưng đánh giá tính khả thi của cả ba phương án đều chưa thuyết phục do dựa trên căn cứ dự báo GDP, khả năng bố trí vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, huy động vốn ODA, giới hạn nợ công và khả năng huy động vốn đầu tư tư nhân chưa hợp lý và thiếu thực tế.
TS. Ánh cũng cho rằng, ba phương án huy động vốn trong báo cáo dự án đều khó khả thi (vốn đầu tư nhà nước chiếm 80-100% tổng vốn đầu tư của dự án). Chi ngân sách nhà nước của Việt Nam đã và đang ở mức rất cao nên mặc dù thu ngân sách tăng mạnh nhưng thâm hụt ngân sách không giảm, thậm chí còn tăng cao. Các khoản chi đầu tư phát triển từ ngân sách có giai đoạn chiếm tới 1/4 tổng chi ngân sách, song vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu chi đầu tư trong bối cảnh tổng mức đầu tư toàn xã hội tăng mạnh nên Chính phủ vừa phải vay nợ để bù đắp thâm hụt ngân sách vừa vay nợ để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng khiến cho nợ công tăng cao đột biến trong giai đoạn 2006-2015. Muốn cân đối, giảm thâm hụt ngân sách và giảm nợ công thì không thể tiếp tục tăng thu ngân sách mà chỉ có thể giảm chi ngân sách, nhất là giảm chi đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách và đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng của Nhà nước. Hơn nữa, kỷ luật chi ngân sách cần được củng cố để chấm dứt tình trạng chi vượt quá cao so với dự toán trong khi dự toán ngân sách đã có khoản chi dự phòng và dự trữ tài chính.