Bà Nhan Húc Quân - Tổng giám đốc Công ty New Toyo (Việt Nam): "Hãy vượt qua thách thức và chính mình"
Trò chuyện doanh nhân - Ngày đăng : 01:00, 28/10/2020
Bà nói: "Năm nay là năm đặc biệt khó khăn với hầu hết ngành nghề, nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp hoạt động, thậm chí một số nơi phải dừng và đóng cửa, có doanh nghiệp mất hơn 90% doanh số như giáo dục, du lịch nhà hàng... Tuy nhiên, vẫn có một số lĩnh vực như dược phẩm, công nghệ thông tin, thực phẩm... còn cơ hội phát triển. Riêng New Toyo (Việt Nam) cũng khá may mắn, tổng thể hoạt động kinh doanh trong 9 tháng đầu năm chỉ giảm khoảng 5% doanh số so với cùng kỳ, do tỷ trọng thị phần của chúng tôi chủ yếu cung ứng nội địa. Riêng xuất khẩu, một số nước tuy đóng cửa vì dịch bệnh nhưng vẫn có nhu cầu đặt hàng. Và đến thời điểm này, tuy có chậm hơn bình thường nhưng nhịp phục hồi đã dần trở lại.
* Nhiều doanh nghiệp cho rằng, dịch Covid-19 là một khủng hoảng nhưng cũng là dịp để doanh nghiệp đi... chậm lại, nhìn lại mình và thay đổi, quan điểm của bà về ý kiến này?
- Đúng là qua đại dịch Covid-19, bản thân tôi và nhiều doanh nghiệp cũng đã nhận thấy tác động của nó rất lớn không chỉ đến nền kinh tế chung hay hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, mà còn tác động đến nội tại và sức khỏe của từng doanh nghiệp, cụ thể là tinh thần, sức khỏe của cả lãnh đạo và công nhân viên.
Có một điều khá lạ là vào thời điểm khó khăn này, đa phần người lao động rất sợ thất nghiệp nhưng vẫn có một số người đứng núi này trông núi nọ. Thực tế thời gian qua, New Toyo (Việt Nam) cũng gặp tình trạng người lao động xin nghỉ việc về quê bởi một trong hai người (vợ hoặc chồng) trong gia đình bị mất việc. Đây cũng là dịp để doanh nghiệp sắp xếp cơ cấu lại nhân sự và tuyển dụng bổ sung những nhân sự có thái độ hợp tác và năng lực vượt trội hơn.
Cũng như nhiều doanh nghiệp khác, đây cũng là thời điểm để New Toyo (Việt Nam) "nhìn lại" mình cũng như các vấn đề về năng lực quản trị và cơ cấu lại danh mục sản phẩm. Ngoài việc tăng cường đào tạo, huấn luyện chuyên môn để nâng cao tay nghề, kỹ năng cho công nhân viên trước tình hình mới, chúng tôi còn chú trọng đến việc chăm lo đời sống cho người lao động, thậm chí tư vấn cho họ về các vấn đề liên quan đến sức khỏe cá nhân. Đặc biệt tăng cường dinh dưỡng cho người lao động như thêm trái cây, nước khoáng, nước mát, yaourt trong thời gian dịch. Hay việc duy trì phúc lợi tặng sổ tiết kiệm 10 triệu đồng cho những anh em gắn bó 10 năm, 15 năm mà không phân biệt vị trí, chức vụ. Và chúng tôi cũng đảm bảo không trễ một ngày lương nào, mặc dù việc thu tiền của khách hàng bị chậm trễ, kéo dài.
* Việc tái cơ cấu, cắt giảm nhân viên chắc hẳn sẽ ít nhiều gây xáo trộn tâm lý, bà đã làm thế nào để nhân viên vẫn... vui vẻ nghỉ việc?
- Tái cơ cấu đồng nghĩa thay đổi. Và bất kỳ sự thay đổi nào cũng gây xáo trộn về tâm lý con người nên doanh nghiệp muốn triển khai tái cơ cấu thì phải làm tốt công tác truyền thông và đối thoại để bớt đi những tin hành lang tiêu cực, làm ô nhiễm môi trường, bởi không khéo đôi khi tái cơ cấu lại làm lung lay lòng tin của những cán sự chủ chốt. Đặc biệt, cần mạnh dạn tái cơ cấu lại một số nhân sự cấp quản lý - những người không thích nghi được tình hình mới thì phải "đưa" họ trở về công việc làm nghiệp vụ, không thể giữ ở vị trí quản lý.
Trong quản trị, một vấn đề mà nhiều doanh nghiệp đang mắc phải, đó là rất ngại đối thoại với cấp dưới, thậm chí họ cho rằng không cần thiết và tự trao cho mình toàn quyền quyết định sinh tử của người lao động, nhất là trong tình hình khó khăn của dịch bệnh, doanh nghiệp đang mất doanh thu, kinh doanh ngưng trệ thì nhân viên lại càng... không cần. Đó là sai lầm. Bởi xét về tình thì sau lưng những người lao động còn có cả gia đình của họ. Những lúc khó khăn chính là lúc họ cần chỗ dựa của doanh nghiệp hơn bao giờ hết. Xét về mặt quản trị, việc duy trì, đào tạo nhân lực trong đợt khó khăn của dịch bệnh cũng chính là cách để doanh nghiệp tạo thêm nội lực để đón nhận những cơ hội mới khi kinh tế phục hồi.
* Có điều thú vị là "nhờ" dịch bệnh mà nhiều quan niệm xã hội đã thay đổi, đặc biệt niềm tin của người dân vào sự lãnh đạo của Nhà nước cũng như tình yêu đất nước đã được khẳng định và nhân rộng, bà có cảm nhận điều đó?
- Trước khi dịch xảy ra, nhiều người vẫn có tâm lý... vọng ngoại, họ cho rằng cái gì ở nước ngoài cũng văn minh hơn, cũng tốt đẹp hơn. Và khi dịch xảy ra, nhiều góc nhìn và quan điểm cố hữu đó đã thay đổi. Một điều mà ai cũng nhận ra, đó là ở nước ngoài, dù thành công đến đâu bạn cũng chỉ là công dân hạng hai. Khi khó khăn, hầu hết các nước được cho là văn minh thì họ cũng chỉ... văn minh và dành quyền lợi ưu tiên cho người dân bản địa. Đó cũng là lúc những người Việt Nam ở nước ngoài nhận ra giá trị trân quý của quê hương và kịp nhận ra, trong khó khăn chỉ có vòng tay quê hương giang rộng và chỉ có con đường phải trở về với đất mẹ. Không ít người đã thay đổi suy nghĩ và mong muốn được trở về nơi quê hương - mỗi người chỉ có một mà thôi!
* Bà vừa nói, trong khủng hoảng cũng là dịp... nhìn lại mình, theo bà lỗ hổng nào trong quản lý, điều hành mà lãnh đạo doanh nghiệp cần nhìn thấy và thay đổi?
- Trong kinh doanh, không phải cứ mở rộng, phát triển thương hiệu mới là chiến lược tối ưu. Đôi khi việc dừng lại hoặc thu hẹp cũng là hướng đi đúng và phù hợp với thời cuộc. Đơn cử, ngành gia công bao bì giấy là một ngành khá đặc thù và đi theo nhu cầu trồi sụt của xã hội. Vì vậy, việc mở rộng hay thu gọn cũng đều là chiến lược linh hoạt và thích ứng mà người lãnh đạo cần cân nhắc ra quyết định.
Một sai lầm nữa mà nhiều lãnh đạo doanh nghiệp hay vấp, đó là chỉ biết lao vào làm kinh doanh mà không kiểm soát được dòng tiền đi đâu, về đâu, tình trạng tiền chỗ này nằm một chút, chỗ kia một chút, thậm chí sử dụng dòng tiền không đúng mục đích kinh doanh cốt lõi, không kiểm soát được thu chi... chính là sai lầm mà các doanh nghiệp đang và đã vấp phải và cần phải thay đổi.
* Một trong những vướng mắc trong quản lý hành chính mà bà đang gặp và mong muốn tháo gỡ?
- Ba năm trước, tôi đã có nhà tài trợ dự án để làm hệ thống pin năng lượng mặt trời áp mái cho công ty nằm trong Khu Công nghiệp Linh Trung 2 - Thủ Đức nhưng khi triển khai thì bị... vướng rất nhiều về chính sách, thủ tục. Mặc dù đã nhiều lần kiến nghị bằng văn bản đến lãnh đạo Sepzone nhưng câu trả lời nhận được là phải chờ Nhà nước tháo gỡ chính sách... bởi vì chức năng của công ty quản lý hạ tầng là bán điện cho doanh nghiệp trong khu công nghiệp và khu chế xuất, không có chức năng thu mua lại điện mặt trời tải lên lưới...
Trong khi đó, nếu dự án được triển khai thì trong 6 năm đầu là khấu hao, chi phí của doanh nghiệp, đến năm thứ bảy thì chúng tôi sẽ giảm được 30-40% tiền điện. Hiện Nhà nước đã có chính sách hỗ trợ ưu đãi lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp sản xuất nhưng việc duy trì rất ngắn hạn, trong khi doanh nghiệp cần thời gian để phục hồi. Vì vậy, mong muốn chung của cộng đồng doanh nghiệp là Chính phủ nên có chính sách lãi suất ưu đãi cho vay đến cuối năm, thậm chí duy trì thêm một năm kế tiếp cho các đơn vị sản xuất.
* Trong khi nhiều doanh nghiệp đang lo lắng đối mặt với khó khăn của khủng hoảng dịch bệnh thì bà lại... viết sách, nguồn động lực và cảm hứng nào vậy, thưa bà?
- Sau cuốn sách đầu tiên Phép màu để trở thành chính mình - chia sẻ những câu chuyện lập thân từ lúc mới ra trường đến khi đi làm, đối mặt nhiều trở ngại, nhiều tình huống và vấp ngã - như một bước khởi đầu hành trình của một đời người đã được nhiều bạn đọc, nhất là được các bạn đọc trẻ đón nhận, tâm đắc. Tôi tự hứa sẽ tiếp tục thực hiện cuốn sách thứ hai. Và trong thời gian dịch bệnh, giãn cách xã hội, tôi đã có dịp để thực hiện lời hứa với chính mình. Và cuốn sách thứ hai Phép màu để vượt lên chính mình đã được hoàn thành đúng dịp tháng có chuỗi sự kiện Doanh nhân và Sách do Báo Doanh Nhân Sài Gòn phối hợp với Hội Xuất bản Việt Nam - Văn phòng phía Nam và Công ty TNHH Đường sách TP.HCM tổ chức thực hiện. Thông điệp tôi muốn gửi đến bạn đọc trong cuốn sách là những câu chuyện lập nghiệp. Cuộc sống và sự nghiệp luôn có trở ngại, khó khăn, không bao giờ là con đường bằng phẳng và trải đầy hoa hồng. Vậy nên, hãy học cách vượt qua thách thức, vượt lên chính mình.
Một thông điệp nữa mà tôi muốn gửi đến bạn đọc, đó là việc kiểm soát và chuyển hóa cảm xúc, giá trị làm việc nhóm và vai trò của người dẫn dắt, người làm lãnh đạo, đó là phải làm gương. Ngoài ra, còn có các "bí quyết", những điều cần tránh mà tôi đã trải qua trong suốt hành trình thực hiện các tiêu chuẩn quản lý hệ thống ISO, HACCCP, FSSC hay phương thức xây KPI và lương 3P...
* Ngoài những thông điệp muốn nói, viết sách còn mang lại niềm vui gì cho bà?
- Tôi cho rằng, cái gì mình không nhớ đến, không nhắc lại thì sẽ bị trôi đi và lãng quên. Có những trải nghiệm, những học hỏi mà mình cần phải tiếp tục làm để... nhắc nhớ. Vì vậy, rất cần được hấp thu, tiêu hóa và chia sẻ. Cho đi chính là nhận lại!
Nhưng nếu chia sẻ ở góc độ nhỏ trong công ty với đối tượng là nhân viên hay một nhóm hội, bạn bè thì vẫn thấy... chưa đủ và còn thiếu. Bởi nếu kinh nghiệm mình được chia sẻ rộng hơn thì sẽ có ích cho người hơn. Kiến thức trên mạng thì không thiếu nhưng câu chuyện trải nghiệm thực tế của người thật, việc thật sẽ là những điển hình có giá trị nhất định.
* Chị có nghĩ rằng, việc nhiều doanh nhân tham gia viết sách thời gian gần đây được xem là... phong trào hoặc làm thương hiệu cá nhân?
- Tôi viết sách không phải vì phong trào hay vì mục đích PR bản thân mà chỉ vì một lý do đơn giản: Tại sao mình được đọc sách của doanh nhân thế giới mà sách của doanh nhân Việt Nam lại ít thế. Trong khi, những cuốn sách doanh nhân thế giới cũng chỉ là những câu chuyện đời thường bằng những trải nghiệm, kinh nghiệm của họ. Trong khi đó, nhiều tình huống của doanh nhân Việt Nam lại thực tế và gần gũi hơn, khả năng truyền cảm hứng đến người đọc bằng chính văn phong của người Việt sẽ dễ cảm thụ hơn. Tại sao mình không dám làm?
* Giá trị của việc đọc sách và viết sách đối với bà như thế nào?
- Hồi xưa, tôi là người sống khép kín và không cởi mở nhưng bây giờ, tôi là một con người khác: cởi mở hơn, chia sẻ hơn vì tôi nhận ra đôi lúc im lặng không phải là vàng. Nó chỉ đúng trong một vài tình huống, trường hợp. Ví dụ như khi bị công kích thì im lặng là vàng để giữ thể diện cho mình và cả đối phương. Im lặng để giải quyết tốt hơn vấn đề đang vướng thì tốt còn im lặng để gây thêm sự ngộ nhận hoặc... bị dán nhãn một cách không cần thiết thì cách cởi mở, chia sẻ vẫn là cách tốt nhất mà tôi đã học được từ sách và làm được từ viết sách.
* Bà quan niệm thế nào về sự thay đổi. Có ý kiến rằng, thay đổi cũng là áp lực của người làm lãnh đạo vì luôn phải làm mới và tăng tốc với chính bản thân mình?
- Thay đổi là để thích nghi. Và thích nghi không có nghĩa là cứ phải tăng tốc, làm nhiều lên hay thay đổi bản thân. Theo tôi, thay đổi là để tìm sự cân bằng và điều chỉnh theo hướng tích cực. Ví dụ, ngày xưa mở mắt ra chỉ biết đi làm thì bây giờ đã biết sắp xếp quỹ thời gian để cân bằng công việc và sức khỏe. Ví dụ, tự điều chỉnh thời gian, công việc để học yoga, nghỉ ngơi, ăn uống để tích trữ và tái tạo năng lượng để đi tiếp...
* Trong thời đại kỷ nguyên số, bà quan niệm thế nào về vai trò dẫn dắt của người lãnh đạo?
- Thế kỷ XXI là thời đại của kỷ nguyên số thì vai trò dẫn dắt của người đứng đầu vô cùng quan trọng. Người dẫn dắt muốn làm tròn sứ mệnh của mình thì chỉ có một con đường duy nhất là phải làm gương, liên tục học hỏi, nâng cao và trau dồi kiến thức. Phải đọc và học nhiều, học nhanh hơn nữa. Phải biết cách để vượt lên những giới hạn của chính mình. Nhân viên thời đại kỷ nguyên số cũng không dễ dàng chấp nhận mệnh lệnh của cấp trên một cách mù quáng, họ không làm theo chỉ vì mình có quyền, có chức mà làm theo khi mình là "tấm gương". Đó cũng là thách thức của người lãnh đạo kỷ nguyên số.
* Xin cảm ơn bà về buổi trò chuyện.