Hồn và tình trong... đá

Văn hóa nghệ thuật - Ngày đăng : 05:27, 31/10/2020

Chỉ một phút ngẫu hứng, tình cờ, những viên đá vô cảm nằm lẻ loi, lăn lóc đâu đó đã được “nhặt về” và xếp đặt thành những bức tranh đá nghệ thuật có hồn, ẩn chứa nhiều giá trị, triết lý sống của chính người làm ra nó và cả những người cảm nhận.

Từ cái nhìn bất chợt...

IMG-6910-3082-1604032709.jpg

Khán phòng buổi triển lãm “TM và ký tự đá” của nhà báo Nguyễn Thanh Minh - nguyên Tổng biên tập Báo Doanh Nhân Sài Gòn không quá lớn, khách mời cũng không đông nhưng đủ cho sự thân tình, ấm áp và cảm nhận. Phần lớn tác phẩm tranh được mua và đóng góp vào Quỹ Tương trợ đồng đội của Ban liên lạc cựu Thanh niên xung phong - Liên đội Trung Thành. 

Chia sẻ câu chuyện 5 tháng ròng đi nhặt nhạnh đá, xếp thành các bức tranh, ông Minh kể: “Một lần vào nhà vệ sinh, thấy người ta để các viên long não trong chiếc bồn trắng. Khi nước chảy, chúng chạy vòng vòng, rồi sau đó 5 viên vô tình xếp lại tựa như bàn chân năm ngón đang xòe ra”. Đó cũng là bức tranh đầu tiên ông Minh thực hiện được mọi người khen.

Một cái nhìn bất chợt và một cảm giác thú vị, khởi đầu để tranh đá ra đời.

“Bức tranh thứ hai được tôi thực hiện đúng dịp sinh nhật thầy Nguyễn Minh Trí - chuyên gia đầu ngành nghiên cứu về năng lượng địa sinh học vào cuộc sống”, ông Minh tiếp. Những viên đá thiên thạch cũng được tôi sắp đặt và bức tranh đá Năng lượng ra đời với biểu tượng Reiki (biểu tượng của năng lượng vũ trụ).

Điều không ngờ là bức tranh này đã được thầy Trí cho biết, có 1.400.000 bovis (đơn vị đo lường về năng lượng vũ trụ), trong khi một  ngôi nhà có năng lượng tốt chỉ có 20.000 bovis. “Chính điều đó đã tạo động lực để tôi làm tranh đá vì không chỉ tạo ra những bức tranh nghệ thuật mà còn tạo thêm năng lượng cho người được cảm thụ nó”, ông Minh chia sẻ.

Từ những bức tranh làm ra chỉ để... chơi, tình cờ một người bạn lại động viên: “Tranh của ông lạ lắm, những viên đá xếp đặt rất có hồn, sao không  giới thiệu để mọi người cùng cảm nhận?”

Thế là... triển lãm tranh. 

Mọi cái cứ ngẫu nhiên thế!

IMG-8665-2693-1604032709.jpg

Nhưng có một điều không ngẫu nhiên, đó là 67 bức tranh được triển lãm đúng vào ngày 15/10/2020 là nằm trong ý đồ của người làm tranh, bởi  đây cũng chính là ngày sinh nhật lần thứ 67 của ông Nguyễn Thanh Minh.

Nhiều người hỏi ông: “Vì sao những bức tranh đá chỉ để trong khung gỗ mộc và duy nhất một khổ A4 mà không phải khổ tranh khác hay lớn hơn? Vì sao lại chọn nền tranh màu đen mà không phải màu trắng, đỏ hay xanh?  

“Đơn giản vì màu đen thể hiện sự sang trọng, huyền diệu và khổ A4 cũng dễ treo, dễ nhìn, dễ ghép lại với nhau để tạo ra một bức tranh nghệ thuật lớn, đặc biệt A4 cũng mang một chút hoài niệm của thời tôi còn làm... tổng biên tập báo. Khi đó, chỉ đạo bất cứ điều gì, tôi cũng chỉ ngắn gọn trong một trang A4, kể cả báo cáo hay khi đọc diễn văn”, ông Minh chia sẻ.

Lại có thắc mắc: “Tại sao một người làm báo, chưa từng làm nghệ thuật lại có thể làm ra những bức tranh nghệ thuật... nhiều cảm xúc như thế?”. “Đơn giản thôi. Mấy chục năm trong nghề báo, đi nhiều, trải nghiệm nhiều, chất chứa nhiều cảm xúc của cuộc sống thì khi có cơ hội sẽ “bật” ra thôi. Như chàng trai luôn đi tìm cô gái và khi bắt gặp thì dâng trào cảm xúc”.

Như nhận xét của họa sĩ Nhốp: “67 bức tranh đá như là một cóp nhặt của cuộc đời xuôi ngược của nghề báo, một đời trải nghiệm để còn lại những viên đá “thay lời muốn nói” gửi cho bạn bè, thế nhân.

Để 67 bức tranh không bị trùng lặp ý tưởng, ông Minh cho biết, có nhiều bức tranh được làm ra từ cảm hứng, mang tính ngẫu nhiên, có bức do bạn bè gợi ý, có bức ẩn ý trước rồi tìm nguyên liệu, đôi khi lại bắt đầu từ nguyên liệu để bật ra điều muốn nói...

Thế mới là ngẫu hứng, là cái thú mà càng chơi tranh, càng mê.

Biết bao là tình!

IMG5249-3362-1604032709.jpg

Không giống như các buổi triển lãm khác, “TM và ký tự đá” của nhà báo Thanh Minh được bạn bè trong nhóm BCC của ông phân công mỗi người một việc. Họa sỹ Nhốp sẽ làm MC, anh Tường Linh, anh Văn Lợi quản lý nhóm giữ xe, chị Thu Hà, Mỹ Hoa tiếp tân, đón khách, chị Thanh Thảo đảm nhận việc khách mua tranh và để các bức vách "hiện diện" những bức tranh nghĩa tình ấy, anh Quang Điều đã miệt mài gần trọn một ngày với không ít nhọc nhằn... dưới sự điều hành của trưởng ban tổ chức nhà báo Nguyễn Thanh Bình.

Chia sẻ cảm nhận của mình, nhà báo Bùi Nguyễn Trường Kiên cho rằng, với chủ đề “Ký tự đá”, có lẽ từng bức tranh đá Thanh Minh đều vang lên những tên gọi khác nhau, tùy người thưởng lãm - những tiếng vang vọng ấy được tạo nên từ từng viên sỏi nhỏ. “Riêng tôi, tôi nghe thấy hai chữ: Nghĩa tình!”.

Không chỉ nhà báo Trường Kiên, hầu như tất cả khách mời đến triển lãm đều thấy rõ cái tình từ phòng tranh của Thanh Minh. “Cái tình anh dành cho đá, cho bạn bè, cho cuộc đời; đồng thời là cái tình mà bạn bè dành cho anh cũng như cho những hoàn cảnh khó khăn của các cựu TNXP thuộc Liên đội Trung Thành, mà anh hướng tới, nhà báo Trường Kiên nói.

Anh Tạ Kim Hùng - một doanh nhân có tiếng trong giới, hiện là Chủ tịch HĐQT Resort Eden (Phú Quốc) - người bạn thân thiết của Thanh Minh, cười thật tươi: “Mình chẳng biết chọn bức nào, bởi bức nào cũng đẹp, chỉ xin một bức thôi...”, rồi anh gửi 100 USD cho ban tổ chức. Chị Mộng Uyển, cũng là một doanh nhân tên tuổi, gắn nơ 6 bức, rồi chuyển cho ban tổ chức 10 triệu đồng, anh Võ Quý - một cựu TNXP mua bức Lên đường với 1,5 triệu đồng, chị Lê Hồng Khoa - Giám đốc nhân sự CT Cholimex gửi về 3 triệu đồng để mua 2 bức, cô giáo Hà Thu Hà ngoài việc mua 4 bức còn ủng hộ thêm 500.000 đồng, anh Lại Minh Duy ủng hộ 3 triệu đồng, chị Quỳnh Vy ủng hộ 1 triệu đồng, đặc biệt chị Lô Bích Thủy và anh Linh (bạn chị) ủng hộ 1 triệu đồng và 400 USD...

Quý tranh, quý tác giả và có lẽ cũng quý các anh chị cựu TNXP nên chị Mỹ Thùy ở tận nơi xa cũng mua ủng hộ 6 bức, anh Ngô Thanh Tùng mua 4 bức, anh Phan Hùng Dũng và chị Hồng Phượng mua 3 bức, chị Nguyễn Thu Thủy ở tận Hà Nội cũng ủng hộ 2 bức, họa sỹ Nhốp 2 bức và chị Tuyết Mai - Giám đốc Công ty TMTM ngoài việc mua 2 bức còn đề nghị: “Tôi mong rằng, anh Thanh Minh sẽ tiếp tục sáng tác và trong lần triển lãm tới, tôi xin được cùng anh chị em của Câu lạc bộ Doanh Nhân Sài Gòn đứng ra tổ chức và tất nhiên, số tiền bán tranh cũng sẽ ủng hộ cho Quỹ của Ban liên lạc cựu TNXP Liên đội Trung Thành”. 

Cảm nhận... ngẫu hứng

Cảm nhận và chiêm nghiệm triết lý từ những bức tranh đá, anh Nguyễn Văn Lợi - HTV ghi: “Tôi cho phép mình thưởng thức "ký tự" một cách tùy tiện, ngẫu hứng và vô tư. Đó là niềm vui của bà mẹ vượt cạn, của nhà leo đá chinh phục đỉnh hoang vu và niềm vui của người đi gieo mầm cho đá”.

Anh chia sẻ: “Từ bức tranh Song bước (bức 52) như báo hiệu cho sự khởi đầu bởi phép nhị nguyên, tác giả đã khởi hành cuộc phiêu lưu với sỏi đá của mình bằng Nguyện cầu (bức 53), kể từ đây niềm tin bắt đầu hiện hữu, để qua đó nhiều thông điệp hơn về thế giới đầy màu sắc, tâm trạng được anh thể hiện chân tình, lạc quan và nhiều công phu trong “Ký tự đá” của mình”.

“Tôi thích cảnh người mẹ gục đầu xuống che chở cho đứa con của mình trên một chiếc ghế bằng gỗ (bức Mẹ con - 51) và thích luôn cả việc trèo lên ngọn thang trong một đêm bàng bạc sáng để ngửa cổ nhìn trăng (bức Chơi trăng - 28). Với bức Trong mưa (42), không phải dứt tình mà là níu kéo tuần hoàn, là lời hẹn ước, hẹn quay về. Là cuộc thiên di của đất trời, luôn hướng tìm về nhau trong thường hằng, chung thủy”, anh Lợi chia sẻ cảm xúc. 

Cảm nhận về bức tranh Trĩu hạt với hình ảnh cây lúa trĩu hạt đang oằn xuống, cúi mình, tác giả tranh đã mượn triết lý sống của người Nhật để gửi gắm thông điệp: “Cây lúa trĩu hạt, cây lúa cúi đầu”, hàm ý một người thành công càng phải khiêm tốn và phải biết cúi đầu chứ không ngẩng đầu khoe khoang thể hiện.

Với bức tranh Trĩu hạt 2, doanh nhân Mỹ Yến lại có cảm nhận: “Bức tranh đó chính là “cây đời” và triết lý chị cảm nhận là cảm xúc của một người đã đi qua nửa cuộc đời, khi mà bộ rễ - ví như hệ dinh dưỡng nuôi cây đã ngày càng teo tóp, nhỏ dần, dù tán lá oằn nghiêng chỉ còn một nửa nhưng giá trị của sự cống hiến vẫn còn đó, giá trị của sự nuôi dưỡng niềm tin và đơm hoa kết trái cho đời”. 

Sau hết, cảm xúc chính là điều mong muốn mà tác giả muốn gửi gắm trong tranh, đó là mọi người phải sống tích cực vì cuộc đời đã quá nhiều mỏi mệt. Song trên hết, con người hãy sống và làm việc cùng nhau. Hãy tìm người đồng hành với mình vì chỉ có người đồng hành mới thành công. Và bức tranh Song bước với hình ảnh hai viên đá to và nhỏ, tựa như bàn chân nam và nữ cùng song hành chính là điều tôi muốn nói. 

Ý Nhi