EC gia hạn miễn thuế nhập khẩu thiết bị y tế phòng, chống Covid-19
Trong nước - Ngày đăng : 01:57, 04/11/2020
Đây là thông tin mới nhất vừa được Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển (kiêm nhiệm Đan Mạch, Phần Lan, Iceland, Na Uy, Latvia) thông báo. Cụ thể, hồi đầu năm nay, Ủy ban châu Âu đã đưa ra khả năng cho các cơ quan công quyền, các tổ chức viện trợ và tổ chức từ thiện được miễn thuế nhập khẩu và VAT đối với hàng hóa phòng chống Covid-19. Điều này có nghĩa là các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) phải tiếp tục miễn thuế hải quan và VAT cho các nhà nhập khẩu thiết bị bảo hộ và vật tư y tế từ các nước bên ngoài EU trong bối cảnh dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 đang tiếp tục diễn biến phức tạp.
Theo đó, các bộ kit xét nghiệm, máy thở và một số thiết bị y tế khác sẽ được miễn thuế. Quyết định miễn thuế hải quan và thuế VAT đối với các sản phẩm nhập khẩu này từ các quốc gia ngoài EU sẽ giúp các nước thành viên EU dễ dàng tiếp cận các sản phẩm này hơn trong cuộc chiến chống lại đại dịch Covid-19. EC cũng tuyên bố, các nước EU sẽ cố gắng sản xuất, nhập khẩu số lượng lớn máy thở để hỗ trợ điều trị cho các bệnh nhân Covid-19 trong bối cảnh các nước thành viên khối EU đang thiếu thốn các trang thiết bị và vật tư y tế cần thiết.
Cũng theo Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển, hiện Việt Nam có tiềm năng xuất khẩu cà phê sang Thụy Điển, Đan Mạch và Na Uy. Đây là các quốc gia có lượng tiêu thụ bình quân cà phê trên đầu người mỗi năm khá cao và xếp vào top đầu trên thế giới, sau Phần Lan. Na Uy đứng thứ hai trên thế giới về tiêu thụ cà phê bình quân đầu người với mức ước tính 9,9kg mỗi năm. Đan Mạch và Thụy Điển xếp thứ tư và thứ sáu trong bảng xếp hạng này, với lần lượt 8,7kg và 8,2kg.
Brazil là nhà cung cấp cà phê lớn nhất cho Na Uy, Thụy Điển và Đan Mạch lần lượt là 44%, 40% và 27%. Việt Nam chủ yếu xuất khẩu cà phê chưa rang, chưa khử chất cafein vào Thụy Điển, Đan Mạch và Na Uy, khoảng 6,8 triệu USD năm 2019. Trong khi đó, mỗi năm các nước này nhập khẩu khoảng 455 triệu USD và chủ yếu nhập khẩu từ Brazil, Honduras.
Các nước Bắc Âu chủ yếu nhập khẩu hạt cà phê arabica và chỉ nhập khẩu lượng nhỏ cà phê robusta. Trong khi đó, Việt Nam lại chủ yếu xuất khẩu cà phê robusta, chiếm khoảng 95% lượng xuất khẩu cà phê của Việt Nam. Ngoài ra, vấn đề môi trường cũng được đặc biệt quan tâm.
Đáng chú ý, Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) có hiệu lực từ ngày 1/8/2020, trong đó mặt hàng cà phê được hưởng thuế 0% sẽ giúp cà phê Việt Nam có lợi thế cạnh tranh so với các đối thủ cạnh tranh tại khu vực này và đây là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Để thúc đẩy xuất khẩu cà phê vào khu vực này, các doanh nghiệp cần chú trọng vào khâu canh tác, phát triển sản xuất xuất gắn với môi trường bền vững để tạo thu hút người tiêu dùng. Ngoài ra, phân khúc cà phê cao cấp phát triển mạnh tại khu vực Bắc Âu do mức thu nhập cao cũng như văn hóa cà phê phát triển mạnh hơn các nước khác.
Theo EVFTA, 39 sản phẩm của Việt Nam được EU công nhận và bảo hộ chỉ dẫn địa lý, trong đó có cà phê Buôn Mê Thuột. Ngoài việc phát triển thị trường cà phê truyền thống, doanh nghiệp có thể cân nhắc phát triển thương hiệu cà phê đặc sản.