TP.HCM chuẩn bị hạn chế xe cá nhân

Trong nước - Ngày đăng : 01:37, 12/11/2020

UBND TP.HCM vừa quyết định phê duyệt đề án “Tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông trên địa bàn thành phố”.
TP.HCM chuẩn bị hạn chế xe cá nhân

Mục tiêu đến năm 2025, vận tải hành khách công cộng sẽ đảm nhận 15% nhu cầu giao thông đô thị của toàn Thành phố, tiến đến mốc 25% vào năm 2030, đồng nghĩa với việc mạng lưới xe buýt của Thành phố phải mở rộng gấp 5-6 lần hiện nay.

Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP.HCM đã đề ra 3 nhóm giải pháp chính: tăng cường vận tải hành khách công cộng; kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân và 7 nhóm giải pháp hỗ trợ về quản lý quy hoạch đô thị, ứng dụng công nghệ thông tin, quản lý nhu cầu giao thông...

Nhóm giải pháp kiểm soát phương tiện cá nhân chỉ gói gọn trong 3 giải pháp kinh tế, hành chính về thu phí xe ô tô lưu thông vào khu vực trung tâm thành phố, phân vùng kiểm soát khí thải kết hợp với thu phí ô nhiễm môi trường và kiểm soát hoạt động của xe mô tô, xe gắn máy 2-3 bánh. Tổng chi phí thực hiện đề án dự kiến hơn 390.000 tỷ đồng, chủ yếu từ ngân sách nhà nước và vốn vay ODA.

Theo lộ trình của đề án trong giai đoạn 2021-2025, giải pháp tiền đề có tác động trực tiếp đến đời sống của người dân Thành phố là thu phí xe ô tô vào nội ô. Trước đó, Sở GTVT TP.HCM đề xuất xây dựng 34 cổng thu phí bao quanh khu vực quận 1, quận 3 và giáp ranh quận 5, quận 10 được giới hạn bởi các tuyến đường: Hoàng Sa - Nguyễn Phúc Nguyên giao với Cách Mạng Tháng Tám - Ba Tháng Hai - Lê Hồng Phong - Lý Thái Tổ - Nguyễn Văn Cừ - Võ Văn Kiệt - Tôn Đức Thắng.

Dự án này đã được đưa ra bàn luận, tranh cãi rất nhiều lần và vấp phải không ít phản ứng của người dân. Nhiều ý kiến cho rằng phát triển giao thông công cộng là điều cần thiết nhưng trong khi hệ thống tàu điện ngầm ì ạch chưa hoàn thiện, xe buýt ngày càng thất thế, hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân bằng các biện pháp kinh tế là không phù hợp.

Song song với việc hạn chế xe cá nhân, TP.HCM cũng triển khai rất nhiều các giải pháp tăng tốc giao thông công cộng, mở đầu bằng việc tổ chức các làn đường ưu tiên cho xe buýt, tái cấu trúc, mở rộng phát triển mạng lưới xe buýt. Tuy nhiên, sử dụng xe cá nhân là thói quen cố hữu của người Việt nên không thể trông chờ giao thông công cộng tốt lên là người dân sẽ tự động chuyển qua sử dụng. Nếu như không có tác động nào nhằm hạn chế người dân sử dụng phương tiện cá nhân thì đến năm 2030, rất khó để giao thông công cộng có thể đạt mục tiêu đề ra. Chưa kể hiện nay số lượng xe cá nhân quá đông, nếu không kiểm soát thì không có không gian cho xe buýt phát triển.

HT