Cuộc chiến tiền tệ và nỗ lực đa dạng hóa dự trữ ngoại hối
Quốc tế - Ngày đăng : 07:14, 12/11/2020
Đa dạng kho dự trữ ngoại hối
Theo số liệu từ Bộ Tài chính và Ngân hàng Trung ương Nhật Bản, trong quý III/2020, Trung Quốc đã mua ròng 1.460 tỷ yên, tương đương 13,8 tỷ USD trái phiếu dài hạn của Chính phủ Nhật Bản, gấp 3,6 lần so với cùng kỳ năm trước, dù lợi suất trái phiếu của Nhật Bản đang ở mức thấp nhất (%), dù vẫn còn cao hơn mức lợi suất âm của Thụy Điển, Thụy Sĩ và các quốc gia lớn tại châu Âu.
Tuy lợi suất thấp nhưng Trung Quốc có thể thu được nhiều hơn từ khoản đầu tư vào trái phiếu Nhật Bản bằng cách mua trái phiếu kỳ hạn 30 năm định danh bằng đồng yên và hoán đổi sang đồng USD, để có thêm 0,56% lợi suất, do trái phiếu dài hạn thường có lợi suất cao hơn để bù đắp cho rủi ro trong thời gian dài.
Các quốc gia đang tích cực đa dạng hóa tài sản trong dự trữ ngoại hối |
Trong bối cảnh đồng nhân dân tệ thời gian qua đã tăng giá mạnh so với đồng USD lẫn yên Nhật, thì việc bán đồng nhân dân tệ để mua trái phiếu Chính phủ Nhật Bản, được định danh bằng đồng yên có thể giúp kìm lại phần nào đà tăng của nhân dân tệ. Thống kê cho thấy, tính từ cuối tháng 7 đến nay, đồng nhân dân tệ đã tăng giá xấp xỉ gần 5% so với USD và yên Nhật.
Tuy nhiên, cũng không loại trừ khả năng Trung Quốc muốn đa dạng kho dự trữ ngoại hối sang các đồng tiền khác, bằng cách nắm giữ giá trị tài sản của nhiều quốc gia hơn thay vì chỉ tập trung vào trái phiếu kho bạc Mỹ như trước đây. Thời gian qua, Trung Quốc có những thời điểm bán bớt trái phiếu Mỹ và tăng cường vào các tài sản khác như vàng, mà việc mua mạnh kim loại quý này trong năm 2019 và nửa đầu năm nay là minh chứng.
Ngược lại, theo cập nhật mới đây từ Hội đồng Vàng Thế giới, lần đầu tiên kể từ năm 2010, các NHTƯ trên khắp thế giới đã bất ngờ bán vàng. Cụ thể, doanh số bán vàng thuần đạt 12,1 tấn trong quý III, trong khi cùng kỳ năm ngoái, các nước mua vào 141,9 tấn vàng. Trong đó, NHTƯ Thổ Nhĩ Kỳ và Uzbekistan đã bán lần lượt 22,3 tấn và 34,9 tấn vàng; Nga cũng gây chú ý khi lần đầu tiên bán vàng ra thị trường sau khoảng 13 năm.
Tuy nhiên, khả năng các nước ấy chỉ đang muốn tận dụng thời điểm giá vàng đạt kỷ lục để “lướt sóng”, còn mục tiêu chính của nhiều nước vẫn đang tìm cách đa dạng hóa kho dự trữ quốc gia. Đối với trường hợp của Uzbekistan, sau khi trải qua nhiều thập kỷ bị cô lập và chỉ có thể mua vàng cho kho dự trữ, đã và đang cố gắng giảm sự phụ thuộc vào vàng để đa dạng hóa dự trữ quốc gia. Trong khi đó, Citigroup mới đây dự báo nhu cầu vàng của các NHTƯ sẽ phục hồi vào năm 2021, sau khi chững lại trong năm nay do lượng mua gần chạm mốc kỷ lục trong hai năm 2018 và 2019.
Hạn chế rủi ro từ các cuộc chiến tranh tiền tệ
Việc Trung Quốc mua mạnh các tài sản khác như yên Nhật gần đây và cùng với các NHTƯ khác tích cực mua vàng trong thời gian qua, đã phản ánh xu hướng ngày càng nhiều nước muốn đa dạng hóa kho dự trữ ngoại hối và tránh phụ thuộc quá mức vào đô la Mỹ. Có nhiều động lực thúc đẩy các nước phải nhanh chóng thực hiện chiến lược này.
Thứ nhất, trước những ảnh hưởng của đại dịch vừa qua, nhiều nước tăng cường chính sách nới lỏng tiền tệ và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) luôn là người đi đầu. Nền kinh tế lớn nhất thế giới tiếp tục bơm tiền rẻ thông qua các gói kích thích khổng lỗ và lãi suất cực thấp để hỗ trợ nền kinh tế. Điều này vô hình trung làm các tài sản theo đồng USD có nguy cơ mất giá mạnh, khiến dự trữ ngoại hối của không ít quốc gia bị ảnh hưởng đáng kể.
Chỉ số USD Index đo lường sức mạnh đồng bạc xanh so với các đồng tiền chính khác đã giảm đến 6,4% chỉ trong vòng 6 tháng qua, khiến những nền kinh tế đang nắm giữ các tài sản theo đồng đô la Mỹ trong kho dự trữ ngoại hối bị suy giảm giá trị. Và theo giới phân tích, xu hướng đi xuống của đồng USD sẽ chưa sớm dừng lại. Dù ai chiến thắng trong cuộc bầu cử kỳ này, các gói kích thích kinh tế của nước Mỹ sẽ tiếp tục được mở rộng và làm suy yếu đồng USD.
Thứ hai, các chính sách nới lỏng tiền tệ vô độ của các nước cũng sẽ mang đến rủi ro lạm phát tiềm ẩn và đẩy các tài sản như vàng có thể tiếp tục tăng giá mạnh. Dù thị trường đang trong giai đoạn điều chỉnh nhưng nhiều dự báo tin rằng giá vàng có thể vượt qua mốc 2.000 USD/oz và thậm chí chạm mức 3.000 USD/oz.
Riêng đối với Trung Quốc, trước cuộc chiến tranh thương mại với Mỹ kéo dài hơn hai năm nay, cộng thêm quan hệ sứt mẻ từ các mâu thuẫn về hạn chế công nghệ cho đến những ảnh hưởng địa - chính trị, rõ ràng nước này cũng muốn sớm giảm bớt phụ thuộc vào đồng USD và tăng cường thêm các tài sản khác để đảm bảo dự trữ ngoại hối được ổn định về mặt giá trị. Việc nước này gần đây ra sức phát hành đồng tiền kỹ thuật số cũng là một chiến lược đáng chú ý để thúc đẩy nền kinh tế nâng tầm ảnh hưởng trên trường quốc tế.