Các quốc gia ngày càng phụ thuộc vào chính sách tài khóa

Quốc tế - Ngày đăng : 07:08, 13/11/2020

Nếu như trong cuộc khủng hoảng kinh tế cách đây 13 năm, chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương (NHTƯ) đóng vai trò chính yếu để các quốc gia thoát ra khỏi suy thoái, thì trong cuộc khủng hoảng do đại dịch Covid-19 lần này, ngày càng nhiều nước phải phụ thuộc vào chính sách tài khóa.

Mở rộng chi tiêu thông qua đầu tư công, phát tiền mặt cho dân, trợ cấp lương và bảo lãnh nợ cho doanh nghiệp, giảm thuế là những công cụ đã được các chính phủ tích cực sử dụng để chống chọi với tác động của đại dịch vừa qua. Mở rộng chính sách tài khóa đang trở thành động lực chính thúc đẩy nền kinh tế tại nhiều quốc gia và được giới chuyên gia kinh tế ủng hộ.

bai-1-tai-khoa-8894-1605079059.jpg

Đó là hệ quả tất yếu trong bối cảnh chính sách tiền tệ tại nhiều nước đã đến điểm tới hạn, khi lãi suất giảm về mức 0%, thậm chí một số quốc gia phải áp dụng mức lãi suất âm, nên khó có thể giảm thêm được nữa. Trong khi đó, việc mở rộng tín dụng đang gặp nhiều hạn chế, khi nhu cầu vay vốn ngày càng suy yếu do thiếu niềm tin tăng trưởng trong tương lai, cũng như giữa lúc sức cầu trong nền kinh tế chưa phục hồi.

Tính hiệu quả của chính sách tiền tệ đang đặt ra những nghi vấn từ giới chuyên gia kinh tế, khi chính sách bơm tiền và giảm mạnh lãi suất để đối phó với cuộc khủng hoảng tài chính năm 2007 dù đã đưa nền kinh tế toàn cầu thoát khỏi khủng hoảng, nhưng một thập kỷ sau đó, tăng trưởng kinh tế tại các nước phát triển vẫn rất trì trệ với lạm phát mục tiêu thường không đạt được, trong khi những rủi ro về bong bóng tài sản lại được bơm phồng ngày càng thấy rõ hơn.

Và trong cuộc khủng hoảng lần này, khi các công cụ kích thích kinh tế đã cạn kiệt, chính các NHTƯ đang kêu gọi chính phủ chấp nhận thâm hụt ngân sách nhiều hơn và mua vào lượng chứng khoán nợ khổng lồ. Dù chính sách tài khóa từng không được xem là công cụ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong suốt giai đoạn lạm phát cao của thập niên 1970, nhưng giờ lại đóng vai trò vô cùng quan trọng và có thể mang lại hiệu quả cao hơn trong cuộc chiến chống lại tác động của dịch Covid-19 lần này.

Không chỉ nhắm đến việc phục hồi nền kinh tế, chính sách tài khóa còn hướng đến mục tiêu giảm bớt bất bình đẳng và định hướng đầu tư cho nền kinh tế, vực dậy niềm tin của doanh nghiệp vốn đã suy yếu trong đại dịch. Rõ ràng khi chi đầu tư ở khu vực tư nhân suy yếu, đầu tư ở khu vực công phải gia tăng để bù đắp, cũng như tạo ra hiệu ứng lan tỏa để kích thích đầu tư tư nhân phục hồi để phục vụ cho các chương kinh tế lớn của quốc gia.

123232-5959-1605079059.jpg

Các chính phủ phải sử dụng chính sách tài khóa không chỉ dành cho mục tiêu ngắn hạn như vực dậy nền kinh tế thoát khỏi hố sâu, mà còn theo đuổi các mục tiêu dài hạn, như giảm bớt bất bình đẳng hoặc khí thải carbon. Một số chương trình thúc đẩy hồi phục ở châu Âu đang ưu tiên việc làm và sự bền vững về môi trường. Tại Mỹ, ứng cử viên tổng thống Biden hứa đưa ra chương trình cải tổ năng lượng xanh trị giá 2.000 tỷ USD. 

Bên cạnh đó, kích thích tài khóa đóng vai trò quan trọng hơn so với chính sách tiền tệ là bởi có thể bơm tiền trực tiếp cho dân và doanh nghiệp, đồng thời chính sách tài khóa cũng phù hợp hơn trong việc cứu trợ cho những ai cần kíp nhất trong cuộc khủng hoảng, ví dụ như nhóm thất nghiệp. Ngược lại, chính sách tiền tệ với việc bơm tiền vào nền kinh tế thông qua một kênh gián tiếp: lãi suất vay từ các ngân hàng hoặc thị trường tài chính, dường như chỉ mang lại lợi ích cho một bộ phận trong nền kinh tế, đặc biệt là ở nhóm người giàu.

Tuy nhiên, trong khi chính sách tiền tệ thường được quyết nhanh hơn do tính độc lập của các NHTƯ tại các nước phát triển, thì chính sách tài khóa lại dễ bị yếu tố chính trị tác động, khi chính sách này có mục tiêu giữ cho nợ công ở mức thấp và phân phối lại thu nhập theo mong muốn của các chính trị gia. Hệ quả là các gói kích thích tài khóa thường trở thành con tin trong các cuộc đàm phán của các đảng phái chính trị, mà những tranh cãi tại Mỹ giữa Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa trong suốt mấy tháng qua về việc cần phải tăng chi tiêu ngân sách như thế nào vẫn chưa có hồi kết, và kết quả là vẫn chưa có thêm gói kích thích nào được tung ra.

Gia Lê