Bê bối làm rung chuyển ngành quỹ phòng hộ Hàn Quốc

Quốc tế - Ngày đăng : 00:30, 16/11/2020

Những bê bối thua lỗ hàng tỷ USD đang làm suy yếu nỗ lực của Hàn Quốc trong việc thúc đẩy nước này trở thành một cửa ngõ tài chính.

Cuộc điều tra quy mô lớn nhắm vào các quỹ phòng hộ - những đơn vị thua lỗ hàng tỷ USD, làm dấy lên một bê bối chính trị - điều có thể làm đổ vỡ tất cả những nỗ lực nhằm đưa Hàn Quốc trở thành một trung tâm tài chính mới của thế giới.

Các công tố viên từ tháng 6 đã bắt đầu điều tra các cáo buộc gian lận tài chính xảy ra tại Lime Asset Management và Optimus Asset Management. Hai quỹ phòng hộ lớn này bị tố cáo với các tội danh biển thủ và tham ô sau khi họ cho "đóng băng" việc rút tiền với lý do xuất hiện nhiều vấn đề thanh khoản.

Những vụ bê bối như trên đang làm lung lay niềm tin của toàn bộ ngành tài chính của xứ sở kim chi, trong bối cảnh chính phủ quốc gia này đang tìm mọi cách để có thể nâng tầm Seoul trở thành một trung tâm tài chính lớn của thế giới, có thể thay thế hoàn hảo cho Hồng Kông, vốn bị ảnh hưởng rất nhiều do tình hình chính trị bất ổn.

Hàn Quốc đang tìm mọi cách để có thể nâng tầm Seoul trở thành một trung tâm tài chính lớn của thế giới. Ảnh: Bloomberg.

Hàn Quốc đang tìm mọi cách để có thể nâng tầm Seoul trở thành một trung tâm tài chính lớn của thế giới. Ảnh: Bloomberg.

Các vụ điều tra trên quy mô lớn làm dấy lên nhiều nghi ngại về vấn đề quản lý lĩnh vực tài chính tại Hàn Quốc khi không ít vụ việc có sự tiếp tay của nhiều quan chức chính phủ cũng như các nhà lập pháp, một vài người trong số họ thậm chí đã bị kết án hình sự vì tội nhận hối lộ.

Thực trạng này cũng khiến cho lĩnh vực kinh doanh quỹ đầu tư tư nhân, có vốn hóa lên tới 386 tỷ USD của Hàn Quốc "đứng ngồi không yên" - một ngành công nghiệp mà chính phủ đang nỗ lực thúc đẩy phát triển thông qua việc nhanh chóng gỡ bỏ một loạt các quy định pháp luật ràng buộc.

Các quỹ đầu tư tư nhân tại quốc gia này thường có ít hơn 50 nhà đầu tư. Mỗi nhà đầu tư trong số đó sẽ đầu tư ít nhất 100 triệu won (tương đương 89.300 USD). Các quỹ đầu tư tư nhân đó bao gồm cả những quỹ đầu tư chứng khoán tư nhân có quyền tham gia công tác điều hành các công ty được đầu tư và các quỹ phòng hộ, với các khoản đầu tư tập trung vào loại hình chứng khoán phái sinh và các sản phẩm tài chính cấu trúc, theo Cơ quan quản lý dịch vụ tài chính Hàn Quốc (FSS).

Link bài viết

Việc "tự do hóa" thị trường tài chính đã dẫn đến những bê bối nghiêm trọng và bóp méo phong cách quản lý của một số đơn vị trên thị trường, trong khi đó, việc hạ thấp các rào cản vốn góp phần tích cực thu hút các nhà đầu tư cá nhân lại không thể lường trước được những rủi ro tiền ẩn to lớn", theo Hwang Sei-woon - một nhà nghiên cứu tại viện Thị trường vốn Hàn Quốc.

Các quỹ đầu tư tư nhân tại Hàn Quốc bùng nổ về số lượng từ năm 2015, khi các các quy định được nới lỏng, cho phép các quỹ đầu tư có thể được thành lập mà không cần sự chấp thuận chính thức của các nhà chức trách, bên cạnh đó là một loạt các trách nhiệm báo cáo đã được bãi bỏ và khoản tiền đầu tư tối thiểu cũng được cắt giảm từ 500 triệu won (tương đương 445.000 USD) xuống còn 100 triệu won.

Gần 10.000 quỹ đầu tư tư nhân đã được thành lập kể từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á giai đoạn 1997-1998, với tổng giá trị tài sản mà các quỹ này đang quản lý tăng gấp đôi trong vòng 5 năm trở lại đây.

Việc buông lỏng quản lý đã dẫn tới một loạt các vụ việc có dấu hiệu trục lợi trái phép và mua bán có chủ đích. Hàng nghìn nhà đầu tư cá nhân, theo ước tính, đã mất đi khoảng 5.500 tỷ won kể từ tháng 8 năm ngoái vì các quỹ đầu tư cho đóng băng việc rút vốn, theo FSS.

"Khi những rủi ro trong các khoản đầu tư với lời hứa hẹn mang lại những khoản lợi nhuận hấp dẫn không được làm rõ, nhiều nhà đầu tư sẽ vẫn coi những quỹ đầu tư cổ phiếu cá nhân là những con ngỗng để trứng vàng", theo ông Hwang.

Các quỹ đầu tư ngoại hứa sẽ mang lại khoản lợi nhuận cao và thường đầu tư vào các loại hình tài sản như chứng khoán phái sinh ngành dầu mỏ hoặc trái phiếu Đức từ lâu đã trở nên khá phổ biến đối với các nhà đầu tư xứ sở kim chi, cho dù các sản phẩm này mang tính ổn định không cao.

Diễn biến chỉ số Kospi của sàn chứng khoán Hàn Quốc.

Diễn biến chỉ số Kospi của sàn chứng khoán Hàn Quốc.

Lime, từng là quỹ phòng hộ lớn nhất Hàn Quốc với tổng giá trị tài sản lên tới 4 tỷ USD, cho tạm dừng rút tiền đối với các khoản đầu tư trị giá lên đến 1.600 tỷ Won, sau khi công ty này đầu tư vào các loại hình tài sản có tỉ suất sinh lời cao và không thể quy đổi sang tiền mặt. Các nhà lập pháp chia sẻ các quỹ đầu tư của Lime đang được quản lý một cách lệch lạc, với một số thương vụ đầu tư trái pháp luật nhằm có thể bù đắp lại những khoản rút vốn từ các nhà đầu tư.

Chung Woon-hee - một công nhân xây dựng 55 tuổi, cho biết bà chỉ có thể thu hồi được 40% trong tổng số 300 triệu won đã đầu tư vào một trong các quỹ đầu tư của Lime. "Đó là toàn bộ số tiền tiết kiệm của tôi. Tôi hầu như không thể ngủ được những ngày này", bà nói.

Lime không phải là trường hợp duy nhất. Optimus - một công ty quản lý quỹ phòng hộ có tổng giá trị tài sản lên tới 430 triệu USD, đã buộc phải tạm dừng hoạt động sau khi các công tố viên cáo buộc các lãnh đạo cao cấp của đơn vị này với tội danh lừa đảo. Quỹ đầu tư này, vốn có ý định sử dụng phần lớn tài sản để đầu tư vào các trái phiếu doanh nghiệp quốc doanh, nhưng thay vào đó lại dùng tiền của các nhà đầu tư để "vá" những khoản nợ xấu.

Link bài viết

Hai công ty quản lý tài sản trên không có bình luận. Tình trạng này đã trở thành mối quan tâm số một của các chính trị gia khi Tổng thống đương nhiệm Moon Jae-in trong tháng trước đã phải phát động một cuộc điều tra toàn diện lên trường hợp của Lime và Optimus.

Một cựu trợ lý cấp cao của tổng thống đã bị khởi tố khi nhận hối lộ từ các công ty con của Lime, trong khi nhiều quan chức chính phủ và cơ quan lập pháp khác cũng bị cáo buộc trái phép trợ giúp các công ty quản lý quỹ này. Tuy nhiên các quan chức trên liên tục phủ nhận điều đó.

Các quan chức trong lĩnh vực tài chính lại đổ lỗi cho các nhà lập pháp vì buông lỏng quản lý dù đã tạo điều kiện để cho lĩnh vực này có những bước phát triển nhanh chóng. Đối mặt với làn sóng chỉ trích từ phía công chúng, FSS ra lệnh cho các ngân hàng và các công ty môi giới chứng khoán phải hoàn trả lại toàn bộ những thiệt hại của các nhà đầu tư với số tiền lên tới 160 tỷ won từ các quỹ đầu tư của Lime. Họ cũng lên kế hoạch xây dựng các quy định có tính quản lý và bảo vệ các nhà đầu tư nhiều hơn.

"Quá trình tự do hóa lĩnh vực tài chính chính là nguồn cơn của nhiều hành động lệch lạc", theo Financial Justice, một nhóm hoạt động cộng đồng. "Việc thiếu hụt công tác quản lý góp phần tạo nên những con quái thú như Lime và Optimus. Các nhà lập pháp trong lĩnh vực tài chính phải đề cao tinh thần trách nhiệm của mình hơn".

Các nhà lập pháp cho biết họ lên kế hoạch điều tra tất cả các quỹ đầu tư tư nhân trong vòng 3 năm tới và tăng định mức đầu tư tối thiểu lên 300 triệu won. Điều đó có thể giúp "làm trong sạch" lĩnh vực tài chính, các quan sát viên cho biết, nhưng có thể sẽ làm chậm lại đà tăng trưởng như vũ bão của lĩnh vực kinh doanh này như trong một vài năm trước đó.

"Bên bán sẽ lưỡng lự khi đưa những sản phẩm rủi ro cao lên thị trường, trong khi các nhà đầu tư cũng có tư tưởng tránh xa chúng", theo nhân viên một công ty môi giới. "Họ đang phải trả một cái giá khá đắt để thu về những bài học. Nhưng đây có thể chỉ là một phần trong những 'cơn đau' đang ngày một nhức nhối hơn của họ trong dài hạn".

(Theo Người Đồng hành)

Trọng Đại