Doanh nghiệp 'năn nỉ' chính quyền cho làm đúng pháp luật mà không được
Chuyện làm ăn - Ngày đăng : 06:30, 18/11/2020
Bỏ ra 100 tỷ đồng nhập máy móc về 3 năm nay, nhưng An Hạ vẫn chưa thể triển khai dự án. |
Dự án Nhà máy giết mổ gia súc Xuyên Á (Củ Chi) do công ty An Hạ làm chủ đầu tư đã dậm chân tại chỗ 5 năm nay; lỗi ở đây do… cơ chế, thủ tục đầu tư rườm rà từ cơ quan chức năng.
Trong cuộc họp sáng 18/11/2020, bà Nguyễn Thị Hồng Thắm - Giám đốc Công ty An Hạ cho hay, suốt từ 2015 - khi công ty tiến hành làm thủ tục xây nhà máy (Đánh giá tác động môi trường - ĐTM, quy hoạch 1/500, thẩm định công nghệ, phòng cháy chữa cháy, điện…), đi đến đâu cũng gặp rắc rối, vướng mắc thủ tục giấy tờ, quy định nhiêu khê.
Đến năm 2018, khi công ty làm thủ tục xin giao, thuê đất để được cấp sổ đỏ, xin giấy phép xây dựng, dự án tiếp tục gặp vướng mắc.
"Lần này là vướng một con mương – bản chất là đất công bên trong dự án với diện tích chưa đến 390m2 trong tổng số gần 30.000m2 (3ha), mà suốt từ năm 2018 đến giữa năm 2020 chúng tôi không thể nhận được quyết định bàn giao đất để tiến hành xây dựng", bà Thắm bức xúc.
Link bài viết
Tuy nhiên, sau nhiều lần gửi đơn cầu cứu, cuối cùng UBND TP.HCM cũng quyết định cho An Hạ thuê 390m2 đất không qua đấu giá, yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu cho TP.HCM ra quyết định giao, thuê đất.
Giữa tháng 9/2020, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM có văn bản số 8185/STNMT-QLĐ trình UBND TP.HCM xem xét, quyết định cho công ty thuê đất để xây dựng Nhà máy giết mổ gia súc và chế biến thực phẩm An Hạ.
Nhưng, thay vì đề xuất cho công ty nộp tiền thuế đất một lần, Sở lại trình nội dung "thuê đất trả tiền thuê đất hằng năm". Căn cứ đề xuất này, ngày 14/10/2020, UBND TP.HCM có Quyết định số 3845/QĐ-UBND cho công ty thuê đất với hình thức sử dụng đất là đóng tiền thuê đất hằng năm.
Theo bà Thắm, quyết định này chẳng khác gì đẩy An Hạ đến bờ vực phá sản, vì nếu trả tiền thuê đất hằng năm, tức là doanh nghiệp không thể đem sổ đỏ thế chấp ngân hàng lấy vốn xây dựng nhà máy.
Điều đáng nói là khi nhận quyết định của UBND TP.HCM, An Hạ đã nhiều lần làm đơn cầu cứu, đồng thời tìm hiểu kỹ Luật đất đai và nhận thấy Luật 2013 hoàn toàn không quy định hay yêu cầu doanh nghiệp khi thuê đất phải đóng thuế đất hằng năm.
"Chúng tôi cũng tìm hiểu nghị quyết Quốc hội 2019, trong đó cũng chỉ khuyến khích doanh nghiệp đóng tiền thuê đất hằng năm cho các dự án chứ hoàn toàn không có điều khoản nào bắt buộc", bà Thắm bức xúc.
Nộp tiền thuê đất hằng năm sẽ đẩy Công ty An Hạ tới phá sản vì không thể vay được ngân hàng. |
Ngoài gửi đơn thư, bà Thắm cũng trực tiếp lên gặp Sở Tài nguyên và Môi trường yêu cầu giải thích, và chính người làm tờ trình tham mưu cho UBND TP.HCM đã trả lời "không có Luật nào cấm doanh nghiệp trả tiền thuê đất một lần", nhưng lại giải thích... đây là quy định của UBND TP.HCM "!?".
"Chúng tôi khẳng định cho đến nay chưa có bất kỳ quy định nào bắt buộc như vậy, chỉ xin chính quyền cho doanh nghiệp thực hiện đúng quy định pháp luật, tại sao vẫn không được", bà Thắm chia sẻ tại buổi họp.
Đại diện Sở Quy hoạch Kiến trúc TP.HCM cũng cho rằng, việc không cho An Hạ nộp tiền thuế đất một lần là quá cứng nhắc và hoàn toàn không đúng quy định. Theo ông, đất mà Công ty An Hạ xây dựng nhà máy là của công ty tự bỏ tiền mua của dân, do đó, bản chất đây là đất sở hữu của công ty chứ không phải đất nhà nước cho thuê. Do đó, công ty hoàn toàn có quyền được đóng tiền thuế đất 1 lần chứ không phải hằng năm theo tham mưu của Sở Tài nguyên và Môi trường.
Ngoài bỏ ra hàng chục tỷ đồng mua đất, công ty An Hạ đã vay mượn hơn 100 tỷ đồng nhập máy móc, thiết bị về từ 2018, cộng thêm gần 30 tỷ đồng làm hệ thống xử lý nước thải, xây tường bao, san lấp và tập kết sẵn vật liệu.
Mỗi tháng, theo bà Thắm, An Hạ đang phải trả lãi vay nhiều tỷ đồng, nhưng thủ tục giấy tờ đến nay vẫn chưa xong, máy móc vẫn đắp chiếu. "Nếu không được thế chấp dự án để vay vốn hoàn thiện nhà máy và đưa vào hoạt động thì chúng tôi buộc phải phá sản. Tại sao tôi cầu xin được làm đúng theo quy định của pháp luật mà khó khăn đến như vậy", bà Thắm lặp lại.