VASEP khuyến nghị doanh nghiệp không nôn nóng, hạ giá bán cá tra sang Trung Quốc
Trong nước - Ngày đăng : 08:07, 25/11/2020
Từ đầu tháng 11/2020, Trung Quốc kiểm soát 100% lô hàng thủy sản đông lạnh nhập khẩu để kiểm soát dịch bệnh Covid-19 |
Theo công văn số 129 mới đây, Tổng thư ký VASEP Trương Đình Hòe cho biết: “việc hạ giá không những không giúp giải quyết ách tắc hàng hóa ở cảng mà còn hưởng tiêu cực đến việc xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc”. Ông Hòe cũng đề xuất giải pháp trước mắt là “doanh nghiệp Việt Nam cần phối hợp chặt chẽ với nhà nhập khẩu để nắm bắt thông tin kịp thời, có kế hoạch xuất hàng đến các cảng không bị kẹt, đồng thời thương lượng để điều chỉnh lịch xuất hàng hợp lý”.
Tình hình ách tắc hàng hóa tại các cảng lớn ở Trung Quốc hiện nay là do cơ quan thẩm quyền đã tăng cường kiểm soát đối với hàng đông lạnh nhập khẩu từ các nước, trong đó có Việt Nam nhằm ngăn chặn dịch bệnh Covid-19 có thể lây nhiễm từ hàng đông lạnh nhập khẩu, công văn VASEP nêu rõ.
Từ ngày 10/11/2020 đến nay, cơ quan thẩm quyền tại cửa khẩu Trung Quốc bắt đầu áp dụng chế độ kiểm soát, xông trùng và truy xuất nguồn gốc 100% lô hàng thủy sản đông lạnh tại hầu hết cảng lớn như Thượng Hải, Vũ Hán, Thiên Tân và Thanh Đảo.
Với quy định mới này, các lô hàng thủy sản đông lạnh bao gồm cá tra phile sẽ phải lấy mẫu kiểm tra trên bao bì và sản phẩm ngay tại cảng. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, thời gian để kiểm soát từ khi lấy mẫu đến khi trả kết quả để thông quan vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể khiến lượng hàng hóa bị ách tắc ngay tại cảng là rất lớn.
VASEP cho hay đã cập nhật tình hình và đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Ngoại giao làm việc với cơ quan thẩm quyền Trung Quốc để sớm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, dựa trên cơ sở Việt Nam đã và đang kiểm soát tốt dịch bệnh.
Chính phủ Trung Quốc hồi đầu tháng này đã ban hành một “kế hoạch khử trùng phòng ngừa toàn diện” đối với thực phẩm và thủy sản đông lạnh nhập khẩu sau khi nước này cho rằng đây là những nguồn lây nhiễm dịch Covid-19 ở Thanh Đảo và Thiên Tân hồi giữa tháng 10 qua.
Theo đó, chuỗi truy xuất nguồn gốc nhập khẩu, vận chuyển, chế biến, xếp dỡ, lưu kho, buôn bán nội địa và xuất khẩu sản phẩm đông lạnh sẽ được kiểm tra. Tất cả sản phẩm thủy sản đông lạnh phải có báo cáo khử trùng và hun trùng cùng với các tài liệu truy xuất nguồn gốc trước khi được tiêu thụ.
Xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong tháng 10 tiếp tục đà tăng trưởng trên 10% với khoảng 923 triệu USD, đưa tổng kim ngạch 10 tháng đầu năm 2020 lên gần 7 tỷ USD, giảm 2% so với cùng kỳ năm 2019. Với xu hướng tăng trưởng được duy trì khá ổn định, dự báo xuất khẩu thủy sản cả năm 2020 sẽ đạt khoảng 8,45 tỷ USD, con số này chỉ giảm nhẹ 1,5% so với năm 2020.