Lãnh đạo doanh nghiệp để vượt qua khủng hoảng

Chat với chuyên gia - Ngày đăng : 07:58, 26/11/2020

Là chủ đề của hội thảo “Lãnh đạo xuyên khủng hoảng” do Alpha Books phối hợp cùng Tập đoàn Thiên Long tổ chức trong các doanh nghiệp đang tìm kiếm sự khác biệt trong chuỗi giá trị và cách vận hành mới để chuẩn bị cho năm 2021 thách thức nhưng cũng đầy cơ hội .
Lãnh đạo doanh nghiệp để vượt qua khủng hoảng

Bà Bùi Kim Thùy – Đại diện Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ ASEAN (USABC) nhận định: “Trước khi Covid-19 xảy ra, các doanh nghiệp Việt đã phải đối mặt với nhiều biến động như cạnh tranh thương mại Mỹ - Trung, yêu cầu chuyển đổi số. Khi Covid-19 xảy ra, rất nhiều doanh nghiệp trên thế giới điêu đứng, chỉ có những công ty công nghệ vẫn phát triển tốt, cổ phiếu tăng đều... Điều này đặt ra yêu cầu bức thiết về chuyển đổi số đối với mọi doanh nghiệp nếu muốn vững vàng trước mọi khủng hoảng”.

Theo bà Vũ Kim Hạnh- Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, nền kinh tế Việt Nam còn yếu cả về khả năng tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, mảng công nghiệp phụ trợ và nguồn nhân lực, cụ thể là thiếu nhân lực cho kỹ thuật - công nghệ mới để thực hiện chuyển đổi số. 

Câu hỏi được đặt ra là đối mặt với khủng hoảng cũng như những thách thức đó, doanh nghiệp có thể làm gì để có thể tồn tại và phát triển được? Với câu hỏi này, các diễn giả đều thống nhất: Người lãnh đạo có vai trò rất quan trọng trong việc chèo lái, dẫn dắt doanh nghiệp trụ vững được trong khủng hoảng, cũng như hồi phục và phát triển tốt sau khi khủng hoảng qua đi.

Với kinh nghiệm hơn 40 năm làm việc trong nhiều doanh nghiệp lớn và các quỹ đầu tư, trong đó có 18 năm làm việc tại Tập đoàn Samsung với vai trò Giám đốc điều hành miền Bắc và miền Trung của Samsung Việt Nam, ông Tô Chính Nghĩa đưa ra hai gợi ý cho lãnh đạo các doanh nghiệp trong khủng hoảng. Thứ nhất là phải đảm bảo an toàn vốn: Doanh nghiệp phải có một dòng tiền tối thiểu để duy trì hoạt động. Lãnh đạo Samsung đã áp dụng điều này khi giải quyết các khủng hoảng của mình là: nếu không có lãi đóng cửa ngay lập tức, không có chuyện nuôi dự án và hy vọng sang năm dự án có thể sinh ra lãi.

Thứ hai là thay đổi tư duy: Ở Việt Nam, đợt Covid thứ 2 đã đẩy tiến trình online lên một tốc độ đáng kinh ngạc. Hiện nay hoạt động tiếp cận khách hàng hoàn toàn khác trước và online là một giải pháp rất rõ ràng. Và các lãnh đạo doanh nghiệp Việt nên tận dụng thời điểm này để cải cách, tái cơ cấu doanh nghiệp, sao cho đáp ứng được tình hình kinh doanh ở giai đoạn mới. Bởi thực tế, Covid và số hóa đã và đang làm thay đổi mạnh mẽ thói quen của người tiêu dùng và môi trường kinh doanh.

Ông Phạm Trí Nguyễn- nguyên Tổng Giám đốc Deutsche Bank Việt Nam cho rằng, với vai trò này lãnh đạo các doanh nghiệp cần phải có cách nhìn cũng như sự chuẩn bị chu đáo cho con đường phía trước. “Giống như việc chạy marathon vậy, phải huấn luyện cho các cơ bắp biết cách chạy như thế nào, khi nào nên chạy nhanh, khi nào nên chạy giữ sức… Việc sắp xếp định hướng phát triển doanh nghiệp tốt, sẽ giúp các doanh nghiệp dễ nhận được đầu tư nước ngoài, để tiếp tục phát triển hơn nữa dù có gặp khủng hoảng hay không”.

Vấn đề giáo dục, đào tạo nhân lực để đáp ứng quá trình chuyển đổi số, tái cấu trúc, sẵn sàng đối phó với mọi khủng hoảng là vấn đề được tất cả các diễn giả đồng tình.

Ông Cô Gia Thọ- Chủ tịch Tập đoàn Thiên Long cho rằng việc đào tạo lực lượng nhân sự nên chia theo những giai đoạn khác nhau, căn cứ vào nhu cầu thực tế của xã hội “Ví dụ một người làm một nghề, giáo dục cố gắng giúp họ đáp ứng nhu cầu của công việc đó. Sau rồi làm lâu, họ muốn phát triển thêm nữa, thì họ học thêm. Tức là việc giáo dục, đào tạo phải có một cái giai đoạn nào đó, rất thiết thực, không phải là ai cũng chạy marathon với việc học hành. Hướng về phát triển giáo dục thì phải xác định được bây giờ chúng ta đang thiếu cái gì và phải trang bị nó. Có như vậy việc giáo dục, đào tạo mới toàn diện được”, ông Thọ chia sẻ.

TLBZ-1114-8706-1606388241.jpg

Các diễn giả chia sẻ tại tọa đàm

 Chia sẻ những việc đang thực hiện để góp phần cung cấp tri thức cho lãnh đạo doanh nghiệp và người lao động nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, quản trị doanh nghiệp vượt qua khủng hoảng đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số, kinh doanh trong thời gian tới, ông  Nguyễn Cảnh Bình- Chủ tịch HĐQT Alpha Books cho biết, thông qua việc  xuất bản nhxưng tác phẩm gái trị,  những tinh hoa quản trị, lãnh đạo doanh nghiệp từ những viện nghiên cứu hàng đầu thế giới như Havard Business Review...đã kịp thời đến với các nhà lãnh đạo như một kiến thức mới về quản trị cũng như chiến lược kinh doanh. Bên cạnh đó,  còn là tri thức về những phát minh, sáng chế, đề tài khoa học... mới nhất để người Việt có thể thừa hưởng, kế tục một cách nhanh nhất những thành quả từ các các quốc gia tiên tiến và rút ngắn con đường đi đến thành công. “Chúng tôi hy vọng các bạn trẻ lứa tuổi 12-17 được tiếp cận dòng chảy này và sẽ sớm hình thành nên những ý tưởng, công nghệ, startup mới, hoà nhập vào dòng chảy thế giới”, ông Bình chia sẻ. 

Ý Nhi