Thu hút vốn chất lượng cao từ các nhà đầu tư Mỹ

Chuyện làm ăn - Ngày đăng : 07:34, 27/11/2020

Cuộc dịch chuyển của nhiều doanh nghiệp (DN) khỏi Trung Quốc đang mở ra cơ hội cho Việt Nam nỗ lực thu hút dòng vốn đầu tư từ Mỹ. Tuy nhiên, Việt Nam cần cải thiện nhiều vấn đề liên quan đến thuế, pháp lý, cơ sở hạ tầng, lao động...

Cơ hội từ cuộc dịch chuyển DN khỏi Trung Quốc

Cuộc dịch chuyển khỏi Trung Quốc của các DN Mỹ vì thương chiến Mỹ - Trung mang đến nhiều cơ hội đầu tư cho các nước trong khu vực ASEAN, trong đó có Việt Nam. Nhằm giảm lệ thuộc các chuỗi cung ứng toàn cầu vào Trung Quốc, Mỹ đã thiết lập nhóm các đối tác đáng tin cậy như Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc, Việt Nam và New Zealand. Đây là cơ hội để Việt Nam thu hút DN Mỹ vào Việt Nam. 

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, diễn biến bất ổn của thương mại toàn cầu và nguy cơ đình trệ kinh doanh bởi đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy nhiều tập đoàn Mỹ quan tâm hơn đến việc đầu tư vào Việt Nam nhằm phát triển chuỗi cung ứng mới. Bởi với họ, Việt Nam đã trở thành địa điểm đầu tư quan trọng và an toàn của chuỗi cung ứng toàn cầu. Với thế mạnh về công nghệ, tài chính cũng như kinh nghiệm quản lý, các nhà đầu tư Mỹ luôn được chào đón tại Việt Nam, đặc biệt là đầu tư vào cơ sở hạ tầng, năng lượng, công nghiệp chế tạo và các lĩnh vực liên quan đến sản xuất phục vụ xuất khẩu, logistics.

Cơ hội đầu tư của DN Mỹ vào Việt Nam trải rộng ở nhiều ngành, từ chăm sóc sức khỏe, hàng không đến nông nghiệp, giáo dục... Tuy nhiên, theo bà Marie Damour - Tổng lãnh sự Mỹ tại TP.HCM,  năng lượng, cơ sở hạ tầng, kinh tế số và sản xuất công nghệ cao là bốn lĩnh vực mà Mỹ có thể đẩy mạnh hợp tác với DN Việt Nam.

Mỹ hiện xếp thứ 11/138 quốc gia và vùng lãnh thổ có FDI tại Việt Nam, nhưng có nhiều dự án của Mỹ đầu tư thông qua nước thứ ba. Theo bà Mary Tarnowka - Giám đốc điều hành Phòng Thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham), có nhiều dự án lớn được đầu tư theo hình thức này mà điển hình trong số đó là Foxconn - DN Đài Loan nhưng lại nằm trong chuỗi cung ứng toàn cầu của Apple, Microsoft. 

bai-2-dau-tu-my-1-5515-1606287797.jpg

Các DN lớn tiếp tục xuất hiện

Trước đây, Việt Nam đã thu hút hàng loạt DN lớn của Mỹ như Tập đoàn Ford, General Electric, Tập đoàn năng lượng AES, Intel, Microsoft, Jabil, Microchip, IBM, P&G, Coca-Cola, PepsiCo, Boeing... Và gần đây, đã có nhiều thông tin cho thấy Việt Nam tiếp tục thu hút các tập đoàn Google, Apple.

Hiện dòng vốn FDI vẫn đổ vào Việt Nam và dự báo sẽ còn chảy mạnh hơn nữa trong thời gian tới, trong đó có nhiều công ty công nghệ tại Thung lũng Silicon đã có kế hoạch chuyển hướng sản xuất thiết bị điện tử về Việt Nam thông qua hình thức trực tiếp hoặc qua bên thứ ba.

Theo ông Dustin Daugherty - đại diện Công ty Tư vấn Dezan Shira & Asscosiates, quy mô về thị trường lao động Việt Nam không bằng Ấn Độ nhưng có lợi thế về chi phí lao động khi rẻ hơn Indonesia, Thái Lan, Ấn Độ. Tuy vậy, để thu hút DN Mỹ trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng kém hấp dẫn về mặt chi phí, Việt Nam cần cải thiện các vấn đề liên quan đến thuế, pháp lý, cơ sở hạ tầng, chi phí lao động, năng lực lao động. 

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho rằng, đây là thời điểm quan trọng để Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh, tăng cường quảng bá về cơ hội để thu hút dòng vốn đầu tư từ Mỹ vào những lĩnh vực có hàm lượng giá trị gia tăng cao. Từ đó tham gia vào chuỗi cung ứng ở trình độ cao hơn, tập trung vào các lĩnh vực như năng lượng, ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, y tế, tài chính, hàng không, bán lẻ... Thời gian tới, Việt Nam sẽ tiếp tục cải cách kinh tế và hội nhập quốc tế, tăng cường hợp tác thương mại, đầu tư cùng có lợi với Mỹ và cùng Mỹ nghiên cứu, khuyến khích DN thiết lập chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị, kết nối thị trường hai nước.

Theo bà Mary Tarnowka, Việt Nam còn nhiều dư địa để tiếp nhận đầu tư trong lĩnh vực may mặc, hàng không, tài chính số, y tế... Tuy nhiên, Việt Nam cần cải thiện hơn nữa khung pháp lý, đặc biệt là hệ thống đường, cầu, cảng, sân bay. Nhiều DN Mỹ cho biết công ty mẹ muốn mở rộng sản xuất ở Việt Nam nhưng không làm được vì hạ tầng không cho phép.

Hồng Nga