Giá đất nhiều khu vực ven TP.HCM chưa có dấu hiệu giảm nhiệt

Bất động sản - Ngày đăng : 00:30, 27/11/2020

Theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA, từ trung tuần tháng 9, bước sang tháng 10, thị trường đã có những dấu hiệu phục hồi. Tuy nhiên, trên thực tế, "giá nhà đất trên thị trường sơ cấp vẫn neo cao và không có dấu hiệu dừng lại".
Giá đất nhiều khu vực ven TP.HCM chưa có dấu hiệu giảm nhiệt

Nhiều chuyên gia kinh tế cũng đưa ra nhận định, giá đất nhiều khu vực ở TP.HCM không chỉ giữ giá hiện tại, thậm chí có chiều hướng tăng đáng kể.

Sau khi được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thông qua một loạt đề án cho TP.HCM triển khai các đề án phát triển dựa vào điều kiện tự nhiên của địa phương, nhiều chuyên gia kinh tế cũng đưa ra nhận định, giá đất nhiều khu vực ở thành phố này không chỉ giữ giá hiện tại, thậm chí có chiều hướng tăng đáng kể.

Trong báo cáo của Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) về thị trường bất động sản (BĐS) TP.HCM trong quý cuối cùng của năm 2020 cho thấy, từ đầu năm đến cuối tháng 8/2020, toàn thị trường BĐS Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng, đều bị tác động tiêu cực từ dịch Covid-19, khiến cho thị trường BĐS trong 3 năm gần đây khó khăn lại càng khó khăn hơn, từ đó làm nhiều doanh nghiệp lao đao về tính thanh khoản, dẫn đến phá sản hoặc phải ngừng hoạt động.

Theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA, từ trung tuần tháng 9, bước sang tháng 10, thị trường đã có những dấu hiệu phục hồi. Tuy nhiên, trên thực tế, "giá nhà đất trên thị trường sơ cấp vẫn neo cao và không có dấu hiệu dừng lại".

Riêng tại khu vực TP.HCM, báo cáo mới nhất của CBRE Việt Nam gần đây chỉ ra giá đất TP.HCM sẽ giữ ở mức hiện tại trong thời gian tới và thậm chí, có thể nhích lên từ 2-5 hoặc 7% trong năm 2021, nhất là tại một số khu vực vùng ven.

Link bài viết

Lý giải nguyên do, theo bà Phạm Ngọc Thiên Thanh - Phó giám đốc bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn của CBRE Việt Nam, là từ các chính sách của Chính phủ như việc thông qua Đề án thành lập thành phố Thủ Đức, cùng với việc TP.HCM được chuyển đổi 4/5 huyện thành quận... 

Bên cạnh đó, việc ban hành nhiều chính sách mang tính tháo gỡ như Luật Đầu tư 2020; Luật Xây dựng (sủa đổi) 2020; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), cùng một số điều của Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS, Luật Bảo vệ môi trường có hiệu lực từ 1/1/2021, và việc Chính phủ cũng đang xét và sửa đổi một số Điều trong Nghị định của Luật Đất đai... đã tác động đến thị trường BĐS ở TP.HCM gần đây.

"Tất cả các cơ sở trên đều góp phần vào việc kích cầu cho thị trường bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 và hướng tới một thị trường BĐS phát triển bền vững và lành mạnh, nhưng đó cũng là nguyên nhân để đẩy giá đất ở các khu vực "được quy hoạch" tăng cao, bà Trang cho biết.

Ông Phạm Lâm - Tổng giám đốc DKRA cũng cho biết, thêm một yếu tố nữa làm giá đất tăng, chính là việc kiểm soát chặt chẽ công tác sử dụng và quy hoạch đất đai của TP.HCM thời gian qua, cùng với hoạt động cấp phép mới được siết chặt hơn, khiến các dự án mới khó được duyệt, cũng sẽ là các điều kiện "thuận lợi" để chủ đầu tư có thể "kích" giá bán đến mức độ được cho là hợp lý nhất.

"Không chỉ đất khu vực vùng ven TP.HCM hướng về phía Đông có giá tăng cao, mà TP.HCM cũng vừa họp về kiến nghị đề xuất thành lập TP. Củ Chi được hợp nhất bởi 3 khu vực Hóc Môn, Củ Chi và Quận 12 theo hướng phát triển thành khu đô thị vệ tinh. Nếu đề xuất này được Chính phủ và UBND TP.HCM thông qua, thời gian tới, chắc chắn giá đất khu vực này cũng sẽ tăng", ông Phạm Lâm cho biết thêm.

Rõ ràng, một thị trường phát triển sẽ gắn liền với việc quy hoạch hạ tầng đồng bộ. Cộng với đó là xu hướng nguồn cung thiếu và nhu cầu nhiều, giá đất mặc nhiên cũng sẽ đi theo xu hướng cung – cầu đó của thị trường.

Do vậy, hiện nhiều chuyên gia kinh tế cũng quan ngại , nếu để thị trường tự quyết định giá đất mà không có sự giám sát của các cơ quan ban ngành, sẽ dẫn đến sự "lệch pha" về quy hoạch phát triển. Chưa kể đến việc các nhà đầu tư tự thổi giá, làm cho nhu cầu thật của người dân sẽ trở nên khó khăn hơn, khi giá đất tiếp tục tăng "cục bộ" và ăn theo quy hoạch như hiện nay.

Nên chăng, bên cạnh việc ban hành các chính sách của Chính phủ, các Sở - Ngành địa phương cũng cần có những giải pháp kịp thời, tháo gỡ và hỗ trợ cho các doanh nghiệp BĐS thông qua việc giảm tối đa thủ tục hành chính, thời gian cấp phép và cả là tháo gỡ những vướng mắc, để một thị trường BĐS phát triển bền vững và minh bạch.

(Theo Thế giới & Việt Nam)

Bảo Lan