Đợi khách...
Du lịch - Ngày đăng : 07:00, 28/11/2020
Ai thương mưa nắng bên cầu
Chỉ còn lại vài người hành nghề chụp hình dạo trên cầu ở Đà Nẵng |
Những người trẻ tuổi nắm tay nhau đi dạo bên cầu, những cây cầu Rồng, cầu Sông Hàn, cầu Nguyễn Văn Trỗi... bên dòng sông Hàn này bao năm qua đã chứng kiến những đổi thay tan hợp của đời người. Và vẫn có những người chụp ảnh dạo ghi lại đổi thay trên những cây cầu ấy từng ngày.
Tối tối, khi những cây cầu sáng đèn lên, lấp lánh sông Hàn đủ màu sắc thì những người thợ chụp ảnh dạo lại mang đồ nghề chạy lên cầu cùng chiếc xe máy có treo biển quảng cáo: “Chụp ảnh đẹp lấy ngay sau một phút”. Họ đứng đó, trong ồn ào phố thị, trong xôn xao tiếng người, trong mênh mang trời nước sông Hàn, họ với dáng vẻ trầm mặc, u buồn và chiếc máy ảnh trên tay chào mời.
28 năm làm nghề, ông Vĩnh vẫn đứng bên cầu và nhớ về thời huy hoàng xưa cũ của nghề |
20 năm trước, những ngày huy hoàng của những người chụp ảnh dạo ở những cây cầu tại Đà Nẵng, ông Vĩnh (54 tuổi, nhà tại phường An Hải Tây, quận Sơn Trà, Đà Nẵng) cùng khoảng 30 người thợ chụp hình khác đóng đô trên những cây cầu ở Đà Nẵng, mà chủ yếu là cầu Sông Hàn. “Hồi nớ vẫn dùng máy phim để chụp, chụp thiệt đã vì nhiều khách lắm! Giá cả thì lại rẻ, hai ngàn rồi ba ngàn, rồi năm ngàn, chừ chỉ hai mươi ngàn. Nhưng chừ không còn khách chụp nữa!”, ông Vĩnh thủ thỉ khi nhìn mênh mông ra mặt nước sông Hàn.
Ông Vĩnh kể, thủa ấy chưa có điện thoại thông minh với những chức năng chụp hình, quay phim hiện đại như bây giờ, khách từ các nơi đổ về Đà Nẵng du lịch muốn giữ lại cho mình những kỷ niệm với thành phố biển này, họ chọn lựa dịch vụ chụp hình lấy ngay. Thế nên vào những ngày cao điểm, những người như ông Vĩnh làm luôn tay luôn chân. Nhưng vì phụ thuộc vào phòng lab để rửa ảnh, nên có lúc muộn quá, những người chụp hình dạo phải từ chối khách. Giờ ông cũng đã sắm cho mình được dàn đồ nghề mấy chục triệu, sẵn cả máy in ảnh hiện đại nhất, sẵn cả máy ép plastic để làm nghề, nhưng khách chụp hình thì ngày càng thưa vắng. Hơn 28 năm làm nghề, với ông Vĩnh có lẽ đó là thời điểm huy hoàng nhất.
Ông Tuấn đeo tai nghe, nhìn dòng người qua lại trên cầu bên chiếc xe và đồ nghề chụp hình của mình |
Cách chỗ ông Vĩnh đứng, phía bên kia cầu là ông Tuấn, cũng đã gần 25 năm làm nghề. Mái tóc đã bạc, chiếc xe máy và thùng đồ nghề để bên thành cầu. Ông đeo chiếc tai nghe mà người con mua cho để nghe nhạc trong lúc rảnh rỗi. Thoáng thấy một nhóm bạn trẻ, ông Tuấn mời chào chụp hình nhưng nhóm bạn trẻ lắc đầu từ chối, rồi họ rút điện thoại ra tự chụp cho nhau rồi cùng ngắm, cùng tấm tắc khen nhau. Ông Tuấn buồn tiu nghỉu, tối nay ông chưa chụp được shoot hình nào.
Mà cũng chẳng phải chỉ riêng tối nay, lâu nay rồi, khi điện thoại thông minh ra đời thì công việc của những người chụp hình dạo vốn đã ít việc lại càng rảnh rỗi hơn. “Mấy mươi năm về trước, ai theo được nghề thợ ảnh là “oai” lắm! Mỗi ngày chúng tôi đều chụp được hơn 200 kiểu ảnh, thu nhập mấy triệu đồng một ngày là chuyện rất bình thường. Nhưng giờ chỉ dám mong có một, hai người khách ghé chụp để đỡ buồn tay là vui lắm rồi!”, ông Tuấn cười như mếu, nhưng mắt ông không buồn nữa, có lẽ vì ông đã quá quen.
Cách đó không xa, một tay máy nữ có lẽ hiếm hoi còn sót lại của những người thợ chụp hình dạo năm nào, chị Nguyệt (55 tuổi, quê Quảng Nam), người phụ nữ tuổi xế trung niên có lẽ là người phụ nữ duy nhất chụp ảnh dạo bên cầu vẫn thường hay đứng đầu cầu Rồng nói mà mắt không thôi nhìn vào chiếc máy ảnh hiệu Nikon trên tay.
Cái hồi mà nghề này ăn nên làm ra, cái hồi mà niềm đam mê của những người chụp ảnh và của nhiều người khác được thỏa mãn, cái hồi máy chụp ảnh còn là cả một gia tài, cái hồi mà mỗi tay máy đều là một nghệ sĩ, cái hồi ấy luôn trong niềm mê hoặc của những người như chị. Chị bảo ngày trước để sắm được nó chẳng dễ dàng gì, thêm vào bộ máy in ảnh giá hơn chục triệu đồng nữa. Từng túc tắc kiếm được tiền nuôi gia đình qua ngày, nhưng bây giờ, mấy ai còn chụp hình dạo nữa!
Làm nghề đã khốn khó, bị cạnh tranh bởi nhiều thiết bị điện tử hiện đại như điện thoại thông minh, máy chụp hình ngày càng rẻ đi và mọi người dễ dàng sở hữu. Chưa kể, từ đầu năm tới nay, hai đợt dịch bệnh liên tiếp giáng xuống thành phố này, không có khách du lịch thì những người làm nghề như chị Nguyệt, ông Tuấn, ông Vĩnh vốn đã lay lắt lại càng khốn khó hơn. Có những tuần, nhiều người ra đây nhưng không chụp được tấm hình nào. Tất cả lại nhìn nhau rồi lủi thủi dọn đồ nghề ra về khi trời còn chưa quá khuya...
Phận người, phận nghề...
Sức ép cơm áo gạo tiền và của cả những vui buồn không phải ai cũng biết đã khiến những người chụp hình dạo bên cầu dần dần bỏ nghề. Bây giờ, đếm đi đếm lại cũng không quá một bàn tay những người còn làm nghề. Họ tập trung lại bên cầu Rồng, nơi điểm du lịch mới nổi vài năm trở lại đây để phục vụ du khách. Mỗi tối, sau đợt dịch Covid-19 lần thứ hai này, họ lại xách máy, mang đồ nghề lên cầu đợi khách. Dù vẫn biết, bây giờ Đà Nẵng chưa thể đón khách du lịch trở lại ngay được, nhưng họ vẫn đợi. Như đợi một sự thay đổi cho thời huy hoàng xưa cũ trở lại.
Chị Nguyệt có lẽ là tay máy nữ còn lại duy nhất chụp hình dạo trên cầu |
Bây giờ, giá mỗi tấm hình chụp nhanh lấy ngay vẫn chỉ chừng 20 ngàn đồng, cao thêm chút nữa là 30 ngàn đồng. Đó là giá chung và mặc định cho tất cả những người còn làm nghề trên cầu này. Một điều nữa, ấy là những người chụp hình không hề giành khách của nhau, mỗi người một vị trí, một phần việc riêng. Có những lúc như các đây vài tháng sau đợt dịch Covid-19 lần một, khi ấy Đà Nẵng thực hiện chiến dịch kích cầu du lịch nội địa. Khách đến đông hơn vào dịp cuối tuần và những người chụp hình lại san sẻ khách cho nhau.
Ông Vĩnh nói: “Cùng làm nghề nên thăng trầm của nghề hầu như ai cũng phải trải qua. Cùng để kiếm miếng cơm qua ngày, nên những người làm nghề đều chia sẻ, động viên nhau, có nhiều khách thì cùng nhau làm, để mỗi người đều kiếm được tiền về lo cho gia đình!”. Đó không chỉ là cái tâm của người làm nghề, mà là sự cảm thông và hỗ trợ của những người làm nghề với nhau, điều mà ít ai hiểu được.
Tối, trên cầu Rồng người người vẫn qua lại, những lời chào mời vẫn vang lên, nhưng lại lọt thỏm trong dòng người và dòng xe qua lại những người thợ chụp hình dạo như ông Vĩnh, ông Tuấn, chị Nguyệt chỉ biết đứng lặng lẽ dưới ánh đèn đường, riêng một góc trời. Phía trên, cầu Rồng mỗi phút lại thay đổi ánh sáng, phản chiếu lên khuôn mặt họ những mảng màu chếnh choáng của thời gian. Đời và nghề, cũng thay đổi như ánh đèn trên cầu Rồng vậy, lúc rực rỡ huy hoàng, lúc buồn thương réo rắt.
Ông Vĩnh kể lại câu chuyện mới đây mà khiến ông nhớ mãi. Đó là vào khoảng gần 20 năm trước, ông có chụp hình cho một đôi vợ chồng mới cưới vào Đà Nẵng du lịch. Vừa rồi, cũng đôi vợ chồng ấy nhưng đi cùng đứa con gần 20 tuổi. Họ quay lại chốn cũ và đã vô cùng ngạc nhiên khi cảnh sắc đổi thay, nhưng người chụp hình năm nào vẫn tận tụy đứng đợi khách. Chỉ có điều bây giờ tóc đã pha màu, nếp nhăn đã nhiều hơn và có thêm nhiều kỷ niệm với dòng sông, với cây cầu và với những con người một lần từng dừng lại chụp hình làm kỷ niệm.
Bây giờ, những người trẻ chẳng ai chụp ảnh dạo, họ mở studio với dàn trang bị hiện đại, kết hợp với cả kỹ thuật đỉnh cao của công nghệ nên những người chụp ảnh dạo chẳng còn mấy người theo nghề. Họ giữ lại những hình ảnh đẹp bên những cây cầu của phố biển. Nhưng rồi người ta dần lãng quên họ, lãng quên một phần ký ức đẹp được ghi lại trong những tấm hình chụp bên cầu ở thành phố này
Bây giờ, dù ít ỏi nhưng những người chụp ảnh dạo bên cầu vẫn cần mẫn cặm cụi hằng đêm. Họ vẫn cùng chiếc máy ảnh, bộ đồ nghề in ảnh, chiếc xe cũ kỹ và đôi mắt nhạy nghề. Họ đợi khách và thỏa niềm mong ước bấm máy của mình đã được giữ lại mấy mươi năm qua sau những biến chuyển của đời, của nghề. Họ bây giờ vẫn ra cầu, vẫn giương máy nhưng chỉ để làm vui...