Ngân hàng Nhà nước có thể giảm thêm lãi suất?
Tài chính - Ngân hàng - Ngày đăng : 04:13, 10/12/2020
Mặt bằng lãi suất liên tục đi xuống
Trong những ngày gần đây, một số ngân hàng (NH) tiếp tục có thêm đợt giảm lãi suất cho vay, đặc biệt không chỉ nhắm đến khách hàng doanh nghiệp mà còn ở phân khúc khách hàng cá nhân, đặc biệt là các khoản vay mua nhà, mua ô tô. Tính đến hiện tại, lãi suất vay mua nhà điều chỉnh từ các NH trong nước đã giảm 1,8 điểm phần trăm, xuống 9,5%/năm, mức thấp nhất trong 10 năm qua.
Với thời gian còn lại ít ỏi của năm nay, các NH buộc phải thúc đẩy tín dụng tăng nhanh hơn để hoàn thành mục tiêu cho vay đề ra cũng như đảm bảo kế hoạch lợi nhuận, do đó giảm lãi suất là giải pháp cạnh tranh được chờ đợi, nhất là khi chi phí vốn đầu vào của các nhà băng đã giảm đáng kể từ đầu năm đến nay.
Cụ thể, trong nửa cuối tháng 11 đến đầu tháng 12, một loạt NH giảm mạnh lãi suất tiền gửi ở các kỳ hạn. Đơn cử như lãi suất tiền gửi có kỳ hạn dưới 6 tháng của Techcombank hiện chỉ còn từ 2,65-2,85%/năm; của nhóm Agribank, BIDV, Vietinbank và Vietcombank chỉ còn từ 3,1-3,4%/năm, thấp hơn đáng kể so với mức trần quy định hiện nay là 4%/năm.
Trong khi đó, lãi suất trên thị trường liên NH vẫn đang duy trì mức thấp kỷ lục quanh 0,1% ở kỳ hạn qua đêm, lợi suất trên thị trường trái phiếu chính phủ cũng đang ở mức thấp nhất trong nhiều năm qua khi cầu đầu tư trái phiếu vẫn vượt trội so với lượng phát hành của Kho bạc Nhà nước.
Với mặt bằng lãi suất trên các thị trường đều rớt sâu, đặc biệt là lãi suất tiền gửi tại nhiều NH đã giảm về mức thấp và cách xa so với mức trần quy định, thị trường đang chờ đợi có thêm một đợt giảm lãi suất điều hành nữa của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong thời gian tới. Thống kê cho thấy, hiện nay chỉ còn ba NH vẫn đang niêm yết kịch trần đối với tiền gửi có kỳ hạn dưới 6 tháng, còn hầu hết chỉ áp dụng từ 3-3,5%/năm.
Những yếu tố hỗ trợ
Ngoài việc giảm lãi suất để bám sát mặt bằng của thị trường, hiện cũng có nhiều yếu tố ủng hộ cho động thái giảm lãi suất điều hành thêm lần nữa của NHNN trong năm nay. Dù từ đầu năm đến nay, NHNN đã có ba lần giảm lãi suất với trần lãi suất tiền gửi đã giảm tổng cộng 1%, nhưng so với chính sách nới lỏng tiền tệ và giảm mạnh lãi suất của nhiều quốc gia khác, mức giảm tại Việt Nam là không đáng kể.
Trong khi đó, lạm phát tiếp tục hạ nhiệt và trong mục tiêu đề ra. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 11 giảm 0,01% so tháng trước, là tháng thứ 5 ghi nhận mức âm trong 11 tháng qua, theo đó so với tháng 12/2019 mới tăng 0,08% và so cùng kỳ năm 2019 cũng chỉ tăng 1,48%. Do đó, dư địa để tiếp tục giảm lãi suất vẫn còn mà không quá lo ngại sẽ tác động đến người gửi tiền.
Đặc biệt với tiền đồng vẫn giữ giá trị ổn định, thậm chí gần đây còn tăng giá so với đô la Mỹ, cũng tạo điều kiện cho việc giảm thêm lãi suất. Trong tháng 11 vừa qua, tỷ giá trung tâm tiếp tục giảm 46 đồng và đã về lại mức đầu năm 2020 ở mốc 23.155 VND/USD. Giá mua bán USD tại các NH lẫn trên thị trường tự do cũng theo chiều đi xuống, trong bối cảnh đồng USD rớt sâu trên thị trường quốc tế.
Nguồn cung ngoại tệ dồi dào từ thương mại, đầu tư đã giúp thị trường ngoại hối có thêm một năm ổn định. Chẳng những vậy, diễn biến này còn giúp nhà điều hành mua được một lượng lớn ngoại tệ để gia tăng dự trữ ngoại hối, đồng nghĩa với một lượng lớn tiền đồng đã được bơm ra giúp thanh khoản của hệ thống NH thêm dồi dào. Với mục tiêu nâng dự trữ ngoại hối lên 100 tỷ USD trong năm nay, tương ứng một lượng tiền đồng rất lớn sẽ tiếp tục được bơm ra nền kinh tế, nên lãi suất nếu có giảm thêm là điều tất yếu.
Nguồn vốn dồi dào của các NH còn đến từ việc tăng vốn điều lệ thành công từ đầu năm đến nay, thông qua việc chia cổ tức với tỷ lệ khủng như HDBank, TPBank, MBBank hoặc sắp tới là nhóm NHTM quốc doanh cũng sẽ được Nhà nước cho phép tăng vốn. Song song đó, vốn tự có cấp 2 của các NH cũng tăng rất mạnh nhờ phát hành trái phiếu dài hạn trong thời gian qua, càng giúp nguồn vốn kinh doanh bền vững hơn và giảm bớt sự phụ thuộc vào vốn huy động trên thị trường 1.
Theo số liệu từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội, trong 10 tháng đầu năm, các NH đã phát hành hơn 76.700 tỷ đồng trái phiếu, chiếm tỷ trọng lớn trong tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp đã phát hành thành công.
Trong diễn biến mới nhất, dịch Covid-19 có nguy cơ bùng phát vào cuối năm cũng có thể thúc đẩy dòng tiền tiếp tục chạy vào NH như là kênh đầu tư an toàn, càng khiến vốn các NH trở nên dư thừa. Trong bối cảnh này, việc giảm thêm lãi suất nếu có cũng là điều tất yếu, để hỗ trợ nền kinh tế đang phục hồi khá châm chước những tác động của đại dịch.